Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam đánh giá cao vai trò, vị thế quan trọng và sự đóng góp tích cực, chủ động của In-đô-nê-xi-a trong việc thúc đẩy hợp tác đa phương, nhất là trong khuôn khổ ASEAN; Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ với In-đô-nê-xi-a là một ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại. Chủ tịch nước đánh giá cao lập trường rõ ràng, nhất quán của In-đô-nê-xi-a về vấn đề Biển Đông, mong muốn In-đô-nê-xi-a tiếp tục phát huy vai trò, cùng Việt Nam và các nước ASEAN thúc đẩy thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng ASEAN.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang hoan nghênh kết quả hội đàm giữa hai Bộ trưởng Quốc phòng; đề nghị lãnh đạo hai Bộ Quốc phòng tích cực chỉ đạo các cơ quan chức năng hai bên nghiên cứu đưa ra các hình thức và biện pháp khả thi, nhằm triển khai toàn diện, có hiệu quả các nội dung hợp tác quốc phòng đã thỏa thuận, qua đó đóng góp tích cực vào việc duy trì môi trường hòa bình, phát triển của khu vực. Về xử lý các vấn đề phát sinh trên biển, Chủ tịch nước đề nghị, các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển của hai nước cần có biện pháp nhằm giáo dục, ngăn ngừa ngư dân trước khi họ vi phạm vùng biển của nước mình, ứng xử nhân đạo trong khi hai bên chưa kết thúc đàm phán về phân định Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ).
Bộ trưởng Quốc phòng In-đô-nê-xi-a Ri-a-mi-dát Ri-a-cu-đu cho biết, tại hội đàm hai bên nhất trí tiếp tục triển khai đầy đủ, hiệu quả các nội dung trong Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác giữa các quan chức quốc phòng và các hoạt động liên quan (ký tháng 10-2010), trong đó chú trọng trao đổi đoàn các cấp, thiết lập cơ chế Đối thoại chính sách quốc phòng, tăng cường hợp tác hải quân, đào tạo, trao đổi kinh nghiệm về hỗ trợ nhân đạo, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, thúc đẩy hợp tác công nghiệp quốc phòng… Bộ trưởng Ri-a-mi-dát Ri-a-cu-đu nhấn mạnh mong muốn những thỏa thuận đạt được sẽ sớm được triển khai, quân đội hai nước sẽ hợp tác chặt chẽ trên thực địa. In-đô-nê-xi-a mong muốn Việt Nam có vai trò ngày càng quan trọng trong khối ASEAN.
Bộ trưởng Ri-a-mi-dát Ri-a-cu-đu chia sẻ về quan điểm của In-đô-nê-xi-a trong vấn đề Biển Đông, chống khủng bố; khẳng định sự cần thiết phải phối hợp chặt chẽ giữa các nước trong khu vực để duy trì an ninh trên biển, sẵn sàng ứng phó tình huống xấu xảy ra. Bộ trưởng khẳng định sẽ thông báo với Bộ Ngoại giao, Bộ Biển và Nghề cá In-đô-nê-xi-a về quan điểm trong vấn đề ngư dân. ★ Sáng 8-8, tại Trụ sở Bộ Quốc phòng (Hà Nội), Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy T.Ư, Bộ trưởng Quốc phòng chủ trì lễ đón chính thức Bộ trưởng Quốc phòng Ri-a-mi-dát Ri-a-cu-đu dẫn đầu Đoàn đại biểu Quân sự cấp cao In-đô-nê-xi-a thăm hữu nghị chính thức nước ta. Dự lễ, có Đại sứ In-đô-nê-xi-a tại Việt Nam; các tướng lĩnh, sĩ quan cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Ngài Ri-a-mi-dát Ri-a-cu-đu trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng.
Ngay sau lễ đón, Đoàn đại biểu Quân sự cấp cao nước ta, do Đại tướng Ngô Xuân Lịch làm trưởng đoàn, tiến hành hội đàm với Đoàn đại biểu Quân sự cấp cao In-đô-nê-xi-a. Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh, Việt Nam và In-đô-nê-xi-a có quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Xu-các-nô gây dựng, được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp; khẳng định Việt Nam luôn luôn coi trọng làm sâu sắc thêm mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai quân đội, hai nước vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển chung của Cộng đồng ASEAN, của khu vực và thế giới. Bộ trưởng Quốc phòng In-đô-nê-xi-a Ri-a-mi-dát Ri-a-cu-đu nhấn mạnh, In-đô-nê-xi-a mong muốn phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với Việt Nam, vì lợi ích của nhân dân hai nước.
Hai bên thống nhất tiếp tục triển khai đầy đủ, hiệu quả các nội dung hợp tác, trong đó chú trọng trao đổi đoàn các cấp, thiết lập cơ chế đối thoại chính sách quốc phòng, tăng cường hợp tác hải quân, đào tạo, trao đổi kinh nghiệm về hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, thúc đẩy hợp tác công nghiệp quốc phòng; tiếp tục tích cực tham vấn, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương và trong các vấn đề hai bên cùng quan tâm, nhất là các cơ chế hợp tác quốc phòng – quân sự khu vực, như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM )…
Ý kiến ()