Chủ tịch nước tiếp Đại sứ Uruguay, Phần Lan, Áo trình Quốc thư
Chiều 30/9, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ Uruguay Raul Juan Pollak Giampietro, Đại sứ Phần Lan Keijo Ensio Norvanto và Đại sứ Áo Hans-Peter Glanzer trình Quốc thư.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận Quốc thư của Đại sứ Cộng hoà Đông Uruguay Raúl Juan Pollak Giampietro. Ảnh: TTXVN |
Tán thành với các vấn đề Đại sứ nêu ra, Chủ tịch nước cho biết sẽ sớm mở đại sứ quán Việt Nam tại Uruguay, làm cơ sở để thúc đẩy quan hệ hai nước lên một tầm cao mới. Với kim ngạch thương mại hai chiều hiện chỉ khoảng 100 triệu USD, Chủ tịch nước đề nghị hai bên tạo điều kiện cho các sản phẩm của Việt Nam tiếp cận thị trường cho các sản phẩm của mỗi nước; hỗ trợ Việt Nam tiếp cận Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR).
Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Uruguay tiếp cận thị trường ASEAN, các thị trường mà Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực. Hai bên cũng cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý thông qua việc xúc tiến đàm phán, hoặc ký mới một số thỏa thuận trong các lĩnh vực thương mại, hải quan, thể thao; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp hai nước thăm dò, tìm kiếm cơ hội đầu tư và kinh doanh tại mỗi nước. Cùng với đó, hai nước cần tiếp tục duy trì sự ủng hộ, hợp tác lần nhau tại các diễn đàn đa phương.
Chủ tịch nước khẳng định, Chính phủ và các bộ, ngành Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện để Đại sứ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại Việt Nam.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận Quốc thư từ Đại sứ Cộng hoà Phần Lan Keijo Norvanto. Ảnh: TTXVN |
Tiếp Đại sứ Phần Lan, ông Keijo Ensio Norvanto, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chào mừng Đại sứ nhận nhiệm vụ tại Việt Nam, khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ với Phần Lan, chúc mừng Phần Lan phòng, chống dịch hiệu quả.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Đại sứ quan tâm thúc đẩy khai thác tối đa các cơ hội thương mại, đầu tư từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU; sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU để đón bắt sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng và phục hồi kinh tế sau đại dịch; đồng thời thúc đẩy EU sớm tháo gỡ thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam.
Với kim ngạch thương mại hai nước còn khiêm tốn (gần 400 triệu USD), Chủ tịch nước mong muốn trong nhiệm kỳ của Đại sứ, thương mại hai nước tăng trưởng mạnh mẽ. Vui mừng trước việc Tập đoàn VNPT của Việt Nam và Nokia đã đạt được thoả thuận hợp tác về chuyển đổi số, Chủ tịch nước mong muốn Phần Lan tăng cường đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực công nghệ cao, viễn thông, kinh tế số, năng lượng tái tạo, môi trường…
Chủ tịch nước cũng đánh giá cao việc hai bên đã ký Hiệp định khung về các dự án được tài trợ trong Chương trình đầu tư công của Phần Lan, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc triển khai các dự án sử dụng ODA, vay ưu đãi do Chính phủ Phần Lan tài trợ, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Trên cơ sở hợp tác giáo dục đào tạo giữa hai nước thời gian qua phát triển tốt đẹp, Chủ tịch nước mong muốn Đại sứ thúc đẩy hợp tác hơn nữa lĩnh vực này, giúp sinh viên Việt Nam có thể theo học tại Phần Lan. Hiện mô hình giáo dục Phần Lan đang được áp dụng tại Trường quốc tế Việt Nam-Phần Lan thuộc Đại học Tôn Đức Thắng (TPHCM), bước đầu mang lại một số kết quả tích cực.
Hướng tới kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Phần Lan (1973- 2023), Chủ tịch nước đề nghị Đại sứ chuyển lời mời tới Tổng thống Phần Lan sớm thăm Việt Nam; đề nghị hai bên xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động thiết thực kỷ niệm dấu mốc quan trọng này. Chủ tịch nước cho biết, các bộ, ngành Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Đại sứ hoàn thành tốt nhiệm kỳ công tác.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với các địa biểu. Ảnh: TTXVN |
Tiếp Đại sứ Áo, ông Hans-Peter Glanzer, Chủ tịch nước chào mừng Đại sứ nhận nhiệm vụ tại Việt Nam, khẳng định Việt Nam luôn coi trong quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Áo. Chủ tịch nước cho biết đã cuộc trao đổi rất hữu ích với ngài Tổng thống Áo tại Đại hội đồng LHQ vừa qua và mời Tổng thống thăm Việt Nam trong năm 2022.
Chủ tịch nước đề nghị Áo sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU. Hiện Áo có 37 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 148 triệu USD ở Việt Nam, đứng thứ 44/130 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Việc sớm phê chuẩn hiệp định này sẽ góp phần thúc đẩy thương mại đầu tư giữa hai nước. Hai bên cũng cần phối hợp chặt chẽ tổ chức cuộc họp lần thứ 10 của Ủy ban hỗn hợp Chính phủ; thúc đẩy hợp tác du lịch.
Chúc mừng Áo thành công trong kiểm soát đại dịch COVID-19 và đánh giá cao Áo là một trong những nước đóng góp tích cực cho nỗ lực toàn cầu ứng phó COVID-19 thông qua Cơ chế COVAX, Chủ tịch nước đề nghị Đại sứ tham mưu, đề xuất với Chính phủ Áo hỗ trợ Việt Nam tiếp cận nguồn cung vaccine, các thiết bị, vật tư y tế thiết yếu và thuốc điều trị COVID-19; thúc đẩy COVAX ưu tiên phân bổ vaccine sớm hơn cho Việt Nam.
Chủ tịch nước cảm ơn Chính phủ Áo đã dành cho Việt Nam nguồn ODA quý báu trong những năm qua trong các lĩnh vực đường sắt, y tế, đào tạo nghề… góp phần phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.
Qua Đại sứ, Chủ tịch nước gửi lời mời Tổng thống và Thủ tướng Áo sớm sang thăm Việt Nam khi điều kiện cho phép. Các cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Đại sứ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại Việt Nam.
Về phần mình, các Đại sứ đều khẳng định sẽ nỗ lực hết mình để nâng tầm quan hệ song phương với Việt Nam.
Đại sứ Uruguay kỳ vọng kim ngạch thương mại hai nước sẽ tăng gấp đôi so với hiện nay. Uruguay cũng mong muốn hợp tác hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, xóa đói giảm nghèo và nhiều lĩnh vực khác. Đại sứ cũng mong muốn Việt Nam sớm xem xét mở sứ quán tại Uruguay.
Đại sứ Phần Lan Keijo Ensio Norvant mong muốn thúc đẩy hợp tác hai nước trên mọi lĩnh vực, trong đó có các dự án của Phần Lan đầu tư tại Việt Nam.
Đại sứ Áo khẳng định nỗ lực hết mình để tăng cường hơn nữa quan hệ giữa hai nước, trong đó có việc thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư trên cơ sở Áo luôn đứng trong nhóm 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu. Đại sứ cho biết, Áo đã mở văn phòng kinh tế thương mại tại TPHCM và việc phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU sẽ góp phần tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp Áo vào làm việc tại Việt Nam/.
Ý kiến ()