Chủ tịch nước thăm, chúc Tết gia đình các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã qua đời
Trước thềm Tết Nguyên đán Quý Mão và nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng, theo truyền thống của dân tộc, ngày 11/1, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tới dâng hoa, dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Bảo tàng Hồ Chí Minh; thăm, tặng quà, chúc Tết gia đình các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã qua đời.
Tham gia đoàn có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; các Ủy viên Trung ương Đảng: Lê Khánh Hải, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh.
Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh – Bến Nhà Rồng lịch sử là nơi ngày 5/6/1911, Bác Hồ (lúc bấy giờ lấy tên là Văn Ba) đã xuống tàu Amiral Latouche Tréville ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Người đã đi qua Pháp và nhiều nước ở các châu lục khác nhau, để 30 năm sau trở lại đất nước, trực tiếp lãnh đạo nhân dân Việt Nam đứng lên giải phóng dân tộc thoát khỏi ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, giành độc lập thống nhất Tổ quốc.
Bảo tàng có nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đặc biệt nhấn mạnh đến sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước và tình cảm sâu nặng của Bác Hồ đối với nhân dân miền Nam, tình cảm kính yêu của nhân dân miền Nam đối với Bác Hồ. Đây còn là nơi tổ chức các hoạt động phong trào, sinh hoạt truyền thống; nơi ra quân của nhiều phong trào cách mạng sôi nổi của Thành phố.
Hơn 30 năm hoạt động, Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh đã thực sự trở thành một trung tâm giáo dục về lịch sử cách mạng, tư tưởng đạo đức và cuộc đời hoạt động cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bảo tàng đã đón tiếp hàng chục triệu lượt khách tham quan từ khắp nơi trong nước, khách quốc tế, đặc biệt có hàng trăm đoàn nguyên thủ quốc gia và cao cấp các nước đến thăm viếng, tìm hiểu nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh…
Dâng hương, dâng hoa tại Bảo tàng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn dành phút mặc niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc Việt Nam. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến công lao và đức hy sinh quên mình, vì dân, vì nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người đã hiến dâng cả cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hòa bình, độc lập, thống nhất.
Chủ tịch nước và Đoàn đã dâng hương, dâng hoa, dành phút mặc niệm tưởng nhớ Chủ tịch Tôn Đức Thắng – Vị lãnh tụ của giai cấp công nhân, một tấm gương sáng về cần, kiệm, liêm, chính, hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân.
Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng – Người đã sáng lập ra tổ chức Công hội Đỏ, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam trong những thập niên đầu thế kỷ 20; tạo một bước ngoặt to lớn trong phong trào đấu tranh của công nhân, chuyển từ đấu tranh tự phát sang đấu tranh tự giác; từ việc đấu tranh chỉ để đòi những quyền lợi trước mắt sang đấu tranh có tổ chức và mang tính chính trị, góp phần quan trọng vào phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân thế giới…
* Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tới dâng hương tưởng nhớ đồng chí Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương từ năm 1986 đến 1991, một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Cộng sản kiên cường, bất khuất, nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cuộc đời Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh mãi mãi gắn liền với sự nghiệp đổi mới của Đảng. Dù ở bất kỳ cương vị nào, đồng chí Nguyễn Văn Linh cũng đem hết sức lực cống hiến cho Đảng và nhân dân, đặt lợi ích của cách mạng, của nhân dân lên trên hết.
* Tới dâng hương đồng chí Võ Chí Công, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước từ 1987-1992, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đồng chí Võ Chí Công là một trong những nhà lãnh đạo thực tiễn xuất sắc trong cuộc trường chinh giải phóng dân tộc. Đồng chí cũng là người coi trọng thực tiễn, sâu sát với phong trào cách mạng.
Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Ủy ban sửa đổi Hiến pháp năm 1980, đồng chí đã cùng với các thành viên Ủy ban, Hội đồng Nhà nước tập hợp rộng rãi ý kiến của nhân dân, kiên định những nội dung cơ bản về dân chủ, pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Hiến pháp sửa đổi năm 1992 – Hiến pháp của thời kỳ đổi mới đất nước được thông qua, có sự đóng góp quan trọng của đồng chí Võ Chí Công.
* Tới dâng hương Đại tướng Lê Đức Anh, Chủ tịch nước từ năm 1992-1997, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, dù ở cương vị nào, đồng chí cũng mang hết nhiệt huyết, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng vào những vấn đề lớn của đất nước.
Đồng chí không ngừng phấn đấu, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; luôn thể hiện rõ phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ; giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, đặt lợi ích của Đảng, Tổ quốc và nhân dân lên trên hết.
https://baochinhphu.vn/chu-tich-nuoc-tham-chuc-tet-gia-dinh-cac-vi-lanh-dao-dang-nha-nuoc-da-qua-doi-10223011119123816.htm
Ý kiến ()