Chiều 29-6, tại Hà Nội, Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương (BCĐ CCTPT.Ư) đã họp thảo luận về đào tạo các chức danh tư pháp và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Trưởng Ban Chỉ đạo CCTPT.Ư chủ trì phiên họp.
Học viện Tư pháp thuộc Bộ Tư pháp là cơ sở đầu tiên và duy nhất có chức năng đào tạo nghề cho cán bộ có chức danh tư pháp. Được thành lập với tên gọi ban đầu là Trường đào tạo các chức danh tư pháp thuộc Bộ Tư pháp, 12 năm qua, Học viện Tư pháp đã đào tạo được gần 21 nghìn học viên nguồn bổ nhiệm các chức danh tư pháp. Đặc biệt, Học viện còn đào tạo cho nước bạn Lào bốn thẩm phán làm giảng viên nòng cốt, 20 công chứng viên… Theo Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành Trung tâm lớn về đào tạo cán bộ tư pháp” được Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày, trong giai đoạn hiện nay cho đến năm 2012, Học viện Tư pháp tiếp tục đào tạo theo mô hình hiện nay, trong đó tập trung nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu của cơ quan sử dụng cán bộ, bảo đảm quy mô đào tạo… Giai đoạn 2013-2020, Học viện sẽ thí điểm tiến tới tổ chức thi tuyển rộng rãi trong phạm vi toàn quốc với đối tượng dự thi là những người đã có bằng cử nhân luật để đào tạo nguồn bổ nhiệm các chức danh tư pháp, nhằm khắc phục chất lượng đầu vào chưa đồng đều hiện nay.
Bộ Tư pháp cũng đề nghị BCĐ CCTPT.Ư sớm xem xét, thông qua Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành Trung tâm lớn về đào tạo các chức danh tư pháp; chỉ đạo Viện Kiểm sát, Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục cử cán bộ theo học các khóa đào tạo kiểm sát viên, thẩm phán nhằm đảm bảo việc thực hiện nghiêm túc, thống nhất các định hướng và giải pháp của Nghị quyết 49/NQ-T.Ư của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”. Bộ Tư pháp cũng kiến nghị Thường trực BCĐ CCTPT.Ư cho ý kiến về việc thành lập Hội đồng Học viện Tư pháp để Bộ có cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định 23/2004/QĐ-TTg nhằm tạo cơ chế tăng cường sự phối kết hợp liên ngành thường xuyên trong hoạt động đào tạo thẩm phán, kiểm sát viên và luật sư. Hội đồng Học viện có chức năng là cơ quan quản trị của Học viện Tư pháp, có nhiệm vụ quyết định các vấn đề mang tính chủ trương, định hướng phát triển của Học viện và các vấn đề liên quan đến sự phối hợp giữa Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong công tác đào tạo.
Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết hoan nghênh và đánh giá cao những ý kiến rất thẳng thắn, cởi mở, thể hiện trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo CCTPT.Ư. Chủ tịch nước khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng Học viện Tư pháp thành Trung tâm lớn về đào tạo cán bộ tư pháp, trên cơ sở đó cũng cần nghiên cứu về mô hình đào tạo tổng thể của các cơ quan tư pháp. Chủ tịch nước đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu, đóng góp ý kiến để đi đến thống nhất về mô hình và chiến lược đào tạo của Học viện Tư pháp trong tương lai.
* Sáng cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đến thăm và làm việc với Học viện Tư pháp.
Nói chuyện với các cán bộ, giảng viên chủ chốt của Học viện, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhiệt liệt biểu dương những thành tích, nỗ lực to lớn của Học viện Tư pháp qua chặng đường 12 năm xây dựng và phát triển. Mặc dù cơ sở vật chất gặp nhiều khó khăn, số lượng giảng viên chưa đáp ứng nhu cầu đào tạo thực tế, nhưng với sự nỗ lực của tập thể cán bộ giảng viên Học viện, số lượng cán bộ có chức danh tư pháp được đào tạo ngày càng tăng. Chủ tịch nước đề nghị Học viện tập trung làm thật tốt các chức năng, nhiệm vụ hiện nay; phải làm sao để các cơ quan tư pháp yên tâm khi gửi cán bộ đến đào tạo. Cùng với đó, Học viện phải từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, bổ sung kinh nghiệm thực tiễn cho đội ngũ giảng viên thuộc biên chế, hoàn thiện và phát triển các chương trình, giáo trình đào tạo, tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành hữu quan trong hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp. Học viện cần chú trọng quan tâm đến chính sách cho cán bộ, giảng viên, xây dựng đội ngũ trong sạch. Đặc biệt, Học viện cần phải đẩy mạnh phát triển cơ sở ở thành phố Hồ Chí Minh vì đây là trung tâm kinh tế chính trị của cả nước nên nhu cầu cần đào tạo rất cao.
Ý kiến ()