Đây là lễ hội điều đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam nhằm tôn vinh và khẳng định thương hiệu ngành điều Việt Nam với bạn bè quốc tế; đồng thời để tôn vinh, khuyến khích người trồng điều, các hiệp hội, tổ chức, công ty, cơ sở chế biến hạt điều trong cả nước đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển ngành điều Việt Nam. Lễ hội “Quả điều vàng Việt Nam – Bình Phước” năm 2010 diễn ra trong bốn ngày với nhiều hoạt động như: Hội chợ triển lãm thương mại ngành điều, khai trương sàn giao dịch điều, các hội thảo chuyên đề “Chiến lược phát triển ngành điều Việt Nam”, “Xây dựng phát triển thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu địa phương, thương hiệu ngành điều Việt Nam”, hội nghị chuẩn bị thành lập Hiệp hội Điều thế giới,… Hiện cả nước có hơn 400 nghìn ha điều, riêng tỉnh Bình Phước chiếm gần 40% diện tích điều cả nước, với năng suất bình quân đạt từ 1,5 đến 2 tấn/ha. Từ năm 2006 đến nay, ngành điều Việt Nam đã vượt qua Ấn Độ để trở thành nước xuất khẩu điều nhân số một thế giới, với kim ngạch xuất khẩu tăng từ 504 triệu USD lên 850 triệu USD vào năm 2009. Năm 2010, ngành điều Việt Nam phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu một tỷ USD.
Phát biểu ý kiến tại Lễ khai mạc, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, đặc điểm cây điều là cây dễ chăm sóc, dễ phát triển, nhất là tại vùng Đông Nam Bộ và là cây có thời gian thu hoạch sớm nên phù hợp cho những vùng nghèo, ít vốn, sớm đem lại đời sống kinh tế cho nhân dân. Chủ tịch nước nhắc nhở ngành điều cần đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hơn nữa năng suất, sản lượng điều Việt Nam; nâng cao giá trị hạt điều ngày càng cao để đem lại hiệu quả thiết thực cho đời sống kinh tế của nhân dân; mong muốn ngành điều ba nước Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia cùng hợp tác chặt chẽ để phát triển vùng thành một trung tâm về điều của thế giới. Nhân dịp này, Chính phủ Việt Nam đã trao tặng 200.000 cây điều giống cho Chính phủ Cam-pu-chia và Chính phủ Lào.
* Cùng ngày, tại tỉnh Bình Phước, Công ty TNHH Nhiên liệu Sinh học Phương Đông (OBF) cùng với các nhà đầu tư, gồm: Tập đoàn ITOCHU Nhật Bản, Tổng công ty dầu Việt Nam (PV OIL) và Công ty LICOGI 16, tổ chức Lễ khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất Ethanol. Tới dự có Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng; đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam; đại diện các bộ, ngành và lãnh đạo địa phương.
Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất Ethanol tại tỉnh Bình Phước do Công ty OBF làm chủ đầu tư nằm trong “Kế hoạch và Chương trình triển khai các dự án Nhiên liệu sinh học” của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) nhằm triển khai “Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015 tầm nhìn 2025” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Các nhà đầu tư tham gia dự án, gồm: Tập đoàn ITOCHU (49%), PV OIL (29%) và Công ty LICOGI 16 (22%). Nhà cung cấp công nghệ là Công ty PRAJ INDUSTRIES (Ấn Độ). Nhà tổng thầu EPC là liên danh Công ty TOYO Thái (Thái-lan) và Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Thiết kế dầu khí (PV Engineering). Tổng công ty cổ phần Tài chính Dầu khí Việt Nam (PVFC) là nhà thu xếp vốn. Thời gian xây dựng nhà máy dự kiến là 21 tháng.
Nhà máy Ethanol Bình Phước có công suất thiết kế 100 triệu lít/năm, tiêu thụ khoảng 240.000 tấn sắn lát khô/năm, tổng mức đầu tư hơn 80 triệu USD. Sản phẩm của nhà máy là ethanol biến tính sẽ được pha trộn với xăng của Nhà máy lọc dầu Dung Quất để phân phối trên thị trường cả nước.
Phát biểu ý kiến tại lễ khởi công, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh: Nhiên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt, trong khi nhu cầu nhiên liệu phục vụ con người ngày càng tăng, chính vì vậy sản xuất nhiên liệu sinh học là rất cần thiết và cấp bách.
Việc xây dựng nhà máy sẽ góp phần giúp người dân ổn định cuộc sống, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết lưu ý, trong quá trình xây dựng và đưa nhà máy vào hoạt động, cần đặc biệt chú ý vấn đề môi trường khi sử dụng nguồn nguyên liệu chính là từ cây sắn, cần xử lý thật tốt chất thải trước khi đưa ra môi trường, tránh ảnh hưởng tới môi trường sống của người dân. Chủ tịch nước đề nghị tỉnh Bình Phước tạo điều kiện thông thoáng cho nhà đầu tư hoạt động, bảo đảm nguồn nguyên liệu cung cấp cho nhà máy.
* Cùng ngày 20-3, tại huyện Lộc Ninh, UBND tỉnh Bình Phước đã công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch chung và khánh thành Trạm Kiểm soát liên hợp Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Vương quốc Cam-pu-chia Men Sam On, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, thành phố Hà Nội và lãnh đạo các tỉnh của Cam-pu-chia, CHDCND Lào đã dự.
Phát biểu ý kiến tại lễ công bố, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng nhấn mạnh: Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư có vị trí chiến lược chính trị quan trọng, là cầu nối giao lưu phát triển kinh tế giữa vùng kinh tế trọng điểm phía nam (Việt Nam) với các tỉnh Cam-pu-chia và Nam Lào. Do đó, tỉnh Bình Phước, nhất là bộ máy quản lý khu kinh tế, phải nắm bắt kịp thời những chuyển biến của tình hình kinh tế trong nước cũng như quốc tế để phát huy tối đa tiềm lực của cửa khẩu này. Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bình Phước cần đưa vào hoạt động hiệu quả Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư và quan tâm chăm lo đời sống vật chất của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực cửa khẩu, giải quyết các vấn đề xã hội nảy sinh khi khu kinh tế đi vào hoạt động.
Theo quy hoạch, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư được quy hoạch bao gồm bốn xã Lộc Thái, Lộc Tấn, Lộc Hòa, Lộc Thạnh và thị trấn Lộc Ninh thuộc huyện Lộc Ninh với tổng diện tích hơn 28.300 ha. Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư sẽ mang lại bước phát triển quan trọng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách của tỉnh. Khu kinh tế này góp phần tạo việc làm cho người lao động, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của dân cư chung quanh, tạo ra diện mạo mới cho vùng biên cương từng là vùng sâu, vùng xa, thúc đẩy quá trình đô thị hóa ở huyện Lộc Ninh và tỉnh Bình Phước.
Công trình Trạm kiểm soát liên hợp là một trong các dự án đầu tư phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư được xây dựng với kinh phí hơn 19 tỷ đồng, nằm trên quốc lộ 13, cách biên giới Việt Nam – Cam-pu-chia 1,2 km. Trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu Hoa Lư sẽ đáp ứng nhu cầu giao lưu phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và vận chuyển hàng hóa giữa các nước trong khu vực; tạo điều kiện khai thông, mở rộng thị trường, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Bình Phước và cả nước.
Nhân dịp này, UBND thành phố Hà Nội cũng đã quyết định gắn biển công nhận Trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu quốc tế Hoa Lư là công trình chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Ý kiến ()