Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dự Hội nghị cấp cao Doanh nghiệp APEC 2010 và tiếp Ðoàn đại biểu Liên minh các nghị sĩ hữu nghị Nhật - Việt
Theo đặc phái viên TTXVN, chiều 12-11, tại TP Y-ô-kô-ha-ma (Nhật Bản), nhân dịp tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 18, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tới dự và phát biểu tại Hội nghị cấp cao Doanh nghiệp APEC 2010 (APEC CEO Summit 2010) do Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Nippon Keidanren) tổ chức. Bài phát biểu "Vai trò của liên kết kinh tế ASEAN tại châu Á - Thái Bình Dương" của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết là một trong năm bài phát biểu tại APEC CEO Summit 2010.APEC CEO Summit 2010 diễn ra trong các ngày 12 và 13-11, tập trung vào chủ đề 'Châu Á - Thái Bình Dương, động lực tăng trưởng toàn cầu: Phấn đấu vì sự thịnh vượng sau khủng hoảng'. Tham dự hội nghị có khoảng 500 lãnh đạo các tập đoàn, công ty hàng đầu khu vực. Trước đông đảo các Chủ tịch, Tổng Giám đốc điều hành các tập đoàn, công ty lớn của 21 nền kinh tế thành viên APEC, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết...
Theo đặc phái viên TTXVN, chiều 12-11, tại TP Y-ô-kô-ha-ma (Nhật Bản), nhân dịp tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 18, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tới dự và phát biểu tại Hội nghị cấp cao Doanh nghiệp APEC 2010 (APEC CEO Summit 2010) do Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Nippon Keidanren) tổ chức. Bài phát biểu “Vai trò của liên kết kinh tế ASEAN tại châu Á – Thái Bình Dương” của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết là một trong năm bài phát biểu tại APEC CEO Summit 2010.
APEC CEO Summit 2010 diễn ra trong các ngày 12 và 13-11, tập trung vào chủ đề 'Châu Á – Thái Bình Dương, động lực tăng trưởng toàn cầu: Phấn đấu vì sự thịnh vượng sau khủng hoảng'. Tham dự hội nghị có khoảng 500 lãnh đạo các tập đoàn, công ty hàng đầu khu vực. Trước đông đảo các Chủ tịch, Tổng Giám đốc điều hành các tập đoàn, công ty lớn của 21 nền kinh tế thành viên APEC, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh châu Á – Thái Bình Dương là khu vực đầu tiên phục hồi và đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất sau những tác động sâu sắc của cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu, trở thành động lực tăng trưởng của thế giới qua những thỏa thuận liên kết kinh tế và hiệp định thương mại tự do.
Từ góc nhìn thực tiễn của ASEAN, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cho rằng, ASEAN đã trở thành một thực thể chính trị-kinh tế gắn kết, một tổ chức khu vực thành công và phát triển năng động, và là đối tác không thể thiếu của các nước và các tổ chức quốc tế, khu vực. Chặng đường trưởng thành của ASEAN đã góp phần không nhỏ tạo nên những bước tiến của liên kết khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chủ tịch nước nêu rõ, nỗ lực của ASEAN đẩy nhanh liên kết kinh tế và hình thành một thị trường chung thống nhất, là một xúc tác quan trọng thúc đẩy liên kết khu vực. ASEAN đã là một trong những tổ chức khu vực thúc đẩy tự do hóa thương mại-đầu tư với quyết định thành lập Khu vực mậu dịch tự do ASEAN năm 1992. Và đó cũng là khoảng thời gian APEC thông qua các Mục tiêu Bô-go. Năm 2003, ASEAN nhất trí xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN và cũng là lúc ý tưởng xây dựng Khu vực mậu dịch tự do châu Á-Thái Bình Dương được nhen nhóm. Hàng loạt cam kết hợp tác kinh tế cốt lõi của Cộng đồng kinh tế ASEAN, cùng 'Sáng kiến liên kết ASEAN', đã từng bước đi vào cuộc sống, tạo ra một không gian kinh tế thống nhất giữa các thành viên, đưa thị trường chung ASEAN với hơn 600 triệu dân trở nên đồng nhất, là một trung tâm phát triển kinh tế của khu vực.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng khẳng định, ASEAN đã và đang trở thành tâm điểm của quan hệ kinh tế-thương mại và liên kết kinh tế giữa các đối tác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chỉ trong gần một thập kỷ qua, ASEAN đã thiết lập một mạng lưới các Khu vực mậu dịch tự do ASEAN 1 với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân. Hợp tác giữa ASEAN với các đối tác lớn khác như Hoa Kỳ, Nga, Liên hiệp châu Âu (EU), Ca-na-đa và các thành viên Diễn đàn hợp tác Đông Á – Mỹ la-tinh cũng đi vào chiều sâu. Năm 2010 là một dấu mốc quan trọng với việc ASEAN triển khai các khuôn khổ ASEAN 1 và hàng loạt các thỏa thuận thương mại tự do của ASEAN với các đối tác. Hội nghị Cấp cao ASEAN 17 vừa tổ chức tại Hà Nội đã thông qua 'Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN' với mục tiêu kết nối hạ tầng cơ sở, kết nối chính sách và kết nối con người trong ASEAN và đó sẽ là nền tảng để tiến tới mở rộng kết nối ra toàn khu vực Đông Á. Hiện nay, ASEAN tiếp tục cam kết tự do hóa và mở cửa thị trường, ủng hộ mạnh mẽ việc sớm kết thúc vòng Đô-ha, thúc đẩy liên kết kinh tế và phản đối chủ nghĩa bảo hộ dưới mọi hình thức. Nêu ra nguy cơ quá trình phục hồi kinh tế thế giới chững lại, không đồng đều và còn nhiều rủi ro, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết kêu gọi các tập đoàn hàng đầu ở khu vực đi tiên phong trong việc hỗ trợ các nền kinh tế thành viên, đặc biệt là các thành viên đang phát triển, đổi mới và chuyển giao công nghệ, xây dựng thói quen tiêu dùng cùng phương thức sản xuất tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thân thiện với môi trường, qua đó góp phần xây dựng nền kinh tế xanh, bền vững và tri thức. Thông qua các chương trình đối tác công-tư, sự tham gia của các doanh nghiệp hàng đầu khu vực vừa là đầu tư vào tương lai bền vững và thịnh vượng của chính doanh nghiệp, đồng thời thể hiện trách nhiệm xã hội. Chủ tịch nước cũng kỳ vọng các tập đoàn hàng đầu khu vực sẽ phối hợp với ASEAN để nỗ lực đẩy nhanh lộ trình hoàn thành xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và 'Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN'.
Đề cập sự phát triển của Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 7-8% trong 25 năm qua, kim ngạch thương mại với thế giới tăng 15-20%. Thành tựu này có phần đóng góp quan trọng của nỗ lực hội nhập quốc tế của Việt Nam ở mọi tầng nấc, như các chương trình hợp tác Mê-công-ASEAN, ASEAN với các đối tác, Cấp cao Đông Á, APEC, ASEM và WTO. Là thành viên chủ động và có trách nhiệm của Cộng đồng ASEAN và châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam luôn đánh giá cao đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp đối với sự phát triển đất nước những năm qua. Chủ tịch nước mong muốn, trong giai đoạn 2011-2020, các tập đoàn kinh tế trong khu vực tiếp tục hợp tác và hỗ trợ Việt Nam triển khai ba đột phá phát triển kinh tế-xã hội: cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và cải cách thể chế. Chủ tịch nước khẳng định, Nhà nước Việt Nam cam kết tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài hoạt động thành công tại Việt Nam.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thông báo việc Việt Nam đã quyết định tham gia đàm phán Hiệp định đối tác về kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) với tư cách thành viên chính thức, và sẽ tiếp tục tham gia đàm phán Hiệp định này với tinh thần chủ động và tích cực. Đồng thời, Việt Nam cũng đang chuẩn bị khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với EU.
* Cùng ngày, tại TP Y-ô-kô-ha-ma (Nhật Bản), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tiếp thân mật Đoàn đại biểu Liên minh các nghị sĩ hữu nghị Nhật – Việt. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bày tỏ vui mừng về quan hệ Việt Nam – Nhật Bản đang phát triển toàn diện, nhất là trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giao lưu nhân dân. Đặc biệt, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam mới đây của Thủ tướng Nhật Bản Na-ô-tô Can, hai nước đã nhất trí hợp tác thăm dò, khai thác đất hiếm, xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam, những dự án có ý nghĩa quan trọng góp phần đưa quan hệ đối tác chiến lược ngày càng phát triển. Khẳng định Nhật Bản là đối tác quan trọng của Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đồng thời đánh giá cao việc Nhật Bản tăng nguồn vốn ODA, góp phần quan trọng giúp Việt Nam thực hiện xóa đói, giảm nghèo; cảm ơn QH, Chính phủ và nhân dân Nhật Bản luôn dành cho Việt Nam sự giúp đỡ quý báu, thể hiện tình hữu nghị và sự tin cậy giữa hai nước. Chủ tịch nước mong muốn trên cương vị và trọng trách của mình, các thành viên trong Liên minh các nghị sĩ hữu nghị Nhật – Việt tiếp tục đóng góp hơn nữa vào việc tăng cường quan hệ giữa hai nước nói chung, và sự hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội Nhật Bản nói riêng.
Thay mặt Liên minh các nghị sĩ hữu nghị Nhật-Việt, Chủ tịch Liên minh, Hạ nghị sĩ Chư-tô-mư Ta-kê-bê nhiệt liệt chào mừng Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sang Nhật Bản dự Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 18, góp phần thúc đẩy liên kết kinh tế của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời thắt chặt quan hệ hữu nghị và đối tác chiến lược giữa Nhật Bản và Việt Nam.
* Chiều 12-11, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tiếp nguyên Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Nô-ri-ô Hát-tô-ri đến chào xã giao.
* Cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tiếp lãnh đạo hai tập đoàn Mitsubishi Corporation và JGC Corporation. Đây là các tập đoàn kinh tế lớn của Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam trong các lĩnh vực dầu khí, hóa chất, năng lượng…
* Chiều 12-11, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tiếp các doanh nghiệp Hoa Kỳ thuộc Liên minh doanh nghiệp Mỹ-APEC do Chủ tịch Liên minh, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng kinh doanh Mỹ – ASEAN A.Phen-đơ-man dẫn đầu.
* Tối 12-11, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tới thăm và nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.
Theo Nhandan
Ý kiến ()