Các nhà lãnh đạo ASEAN và Hoa Kỳ đã tập trung kiểm điểm những tiến triển tích cực trong quan hệ đối thoại ASEAN – Hoa Kỳ, nhất là kể từ Hội nghị lần thứ nhất diễn ra vào tháng 11-2009 tại Xin-ga-po; đề ra phương hướng và biện pháp đẩy mạnh quan hệ Đối tác tăng cường trong thời gian tới. Các nhà lãnh đạo đều đánh giá cao và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục đối thoại ở cấp cao giữa hai bên và đồng ý tổ chức Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN – Hoa Kỳ lần thứ ba vào năm 2011 bên lề Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) tại In-đô-nê-xi-a, nhất trí thông qua việc lập Nhóm các nhân vật nổi tiếng ASEAN – Hoa Kỳ để nghiên cứu và đề xuất biện pháp tăng cường hợp tác hai bên trong thời gian tới, nhất trí hai bên cần tăng cường hợp tác hơn nữa trên các lĩnh vực cùng quan tâm. Theo đó, hai bên sẽ tiếp tục triển khai kịp thời và hiệu quả các thỏa thuận hợp tác hiện có, nhất là Kế hoạch hành động triển khai Tuyên bố Tầm nhìn chung về Quan hệ đối tác tăng cường ASEAN – Hoa Kỳ trong giai đoạn hiện nay và tiếp theo (2011-2015). Đồng thời, hai bên nhấn mạnh cần phối hợp chặt chẽ để đạt được những mục tiêu chung trong khuôn khổ các MDGs, thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư, sử dụng năng lượng hiệu quả, an ninh lương thực, nông nghiệp, trao đổi giáo dục, văn hóa và nhân dân, khoa học công nghệ, quản lý thảm họa và ứng phó thiên tai, y tế, môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, chống khủng bố, chống tội phạm xuyên quốc gia như buôn bán người, vũ khí và ma túy trái phép và các loại khác.
Tổng thống B. Ô-ba-ma khẳng định, Hoa Kỳ mong muốn tăng cường quan hệ toàn diện với ASEAN; ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN tại khu vực và các diễn đàn hợp tác khu vực do ASEAN nắm vai trò chủ đạo, bao gồm cả EAS; cam kết hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, triển khai kết nối ASEAN, thu hẹp khoảng cách phát triển và thực hiện các MDGs. Hoa Kỳ cũng đánh giá cao vai trò và những đóng góp của ASEAN đối với các diễn đàn đa phương, bao gồm tiến trình G20.
Các nhà lãnh đạo ASEAN hoan nghênh chính sách của Hoa Kỳ tăng cường quan hệ hợp tác xây dựng với khu vực; hoan nghênh Hoa Kỳ và Nga tham gia làm thành viên EAS bắt đầu từ năm 2011 và việc này sẽ được chính thức quyết định tại Hội nghị cấp cao ASEAN 17 vào tháng 10-2010; hoan nghênh Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ và Bộ trưởng Ngoại giao Nga sẽ tham dự EAS lần thứ 5 tại Hà Nội vào tháng 10-2010 với tư cách là khách mời của Chủ tịch EAS. Các nhà lãnh đạo ASEAN đánh giá cao tuyên bố của Hoa Kỳ sẵn sàng tham vấn với ASEAN về việc hướng tới tham gia Nghị định thư Hiệp ước Đông – Nam Á phi vũ khí hạt nhân; hoan nghênh Hoa Kỳ ủng hộ các hoạt động của Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền và Ủy ban ASEAN về Bảo vệ và Thúc đẩy quyền phụ nữ và trẻ em.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thông báo những kết quả đạt được trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN, cũng như quan hệ đối ngoại của ASEAN, quan hệ với Hoa Kỳ. Chủ tịch nước đề nghị hai bên cần đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác ASEAN – Hoa Kỳ theo hướng toàn diện và thực chất hơn trên cơ sở cùng có lợi trên các lĩnh vực từ chính trị – an ninh, kể cả an ninh phi truyền thống, đến kinh tế – thương mại và văn hóa – xã hội, trong đó hợp tác kinh tế – thương mại cần được xác định là một trong những lĩnh vực ưu tiên. Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hỗ trợ các nỗ lực của ASEAN trong tiến trình xây dựng Cộng đồng, thu hẹp khoảng cách phát triển, thúc đẩy liên kết khu vực cũng như triển khai Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN; đồng thời, hỗ trợ ASEAN nâng cao năng lực ứng phó với các thách thức toàn cầu, nhất là tại khu vực Tiểu vùng Mê Công thông qua cơ chế Hội nghị hằng năm giữa các Ngoại trưởng Hoa Kỳ và các nước hạ nguồn sông Mê Công. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thông báo ASEAN ủng hộ Hoa Kỳ và Nga trở thành thành viên của EAS và nhất trí việc mời Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ và Bộ trưởng Ngoại giao Nga, đại diện cho Tổng thống hai nước, tham dự EAS sắp tới tại Hà Nội với tư cách là khách mời đặc biệt của Chủ tịch EAS.
Hội nghị đã ra Tuyên bố chung, trong đó đề ra nhiều biện pháp nhằm tăng cường hợp tác nhiều mặt ASEAN – Hoa Kỳ, và nhất trí phấn đấu đưa quan hệ ASEAN – Hoa Kỳ phát triển lên tầm cao mới.
* Cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tới dự và phát biểu ý kiến tại cuộc làm việc giữa các nhà lãnh đạo Hiệp hội các quốc gia Đông – Nam Á (ASEAN) và Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN tại Niu Oóc, do Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN và Phòng Thương mại Hoa Kỳ tổ chức.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đánh giá cao việc các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ dành nhiều quan tâm, có chủ trương đẩy mạnh đầu tư vào ASEAN; bày tỏ mong muốn các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường đầu tư vào ASEAN, bởi đây là khu vực ổn định, kinh tế tăng trưởng tốt và còn nhiều tiềm năng phát triển. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN ở Hà Nội vào tháng 10 tới, các nước ASEAN sẽ thúc đẩy cơ chế liên kết các dự án lớn, tiến gần hơn tới việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015. Những điều kiện này mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư Hoa Kỳ đẩy mạnh đầu tư, tăng cường thương mại vào một thị trường lớn, tiềm năng như ASEAN.
Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Cớt Cam-ben khẳng định, chính sách của Hoa Kỳ là đẩy mạnh việc tăng cường và mở rộng quan hệ với các nước ASEAN. Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN A-lếch-xan-đơ Phên-đơ-man cho rằng, trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, Hoa Kỳ cần thăm dò, khảo sát “những đại lộ mới” để mở rộng thị trường và phát triển việc làm.
* Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN Phạm Quang Vinh đã trả lời phỏng vấn nhóm phóng viên tháp tùng Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Đoàn về kết quả của Hội nghị cấp cao LHQ kiểm điểm việc thực hiện các MDGs và Hội nghị các nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN – Hoa Kỳ lần thứ hai tại TP Niu Oóc, Hoa Kỳ.
Thứ trưởng Phạm Bình Minh cho biết, lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế tham dự Hội nghị cấp cao của LHQ kiểm điểm việc thực hiện các MDGs đều nhất trí rằng, việc thực hiện các MDGs đã có tiến bộ và khẳng định lại cam kết mạnh mẽ đối với các MDGs. Điều này cho thấy việc đạt được các MDGs vào năm 2015 là khả thi, mang lại những thay đổi thiết thực trong cuộc sống của người dân, nhất là người nghèo ở nhiều nơi trên thế giới và đã trở thành một chiến lược đồng thuận, có chỉ tiêu, thời gian triển khai cụ thể. Cộng đồng quốc tế cũng xác định những hạn chế trong việc thực hiện các MDGs ở từng khu vực, từng quốc gia, từ đó rút ra nhiều bài học kinh nghiệm. Hội nghị đã khẳng định nhân tố quyết định là chính sách phù hợp của các quốc gia, sự cần thiết của hợp tác, hỗ trợ hiệu quả hơn của cộng đồng quốc tế và đề xuất các biện pháp cụ thể cho từng mục tiêu.
Đoàn đại biểu Việt Nam do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dẫn đầu tham dự hội nghị thể hiện sự cam kết, ủng hộ ở cấp cao của Việt Nam đối với việc thực hiện các MDGs. Trong các tham luận ở các phiên thảo luận toàn thể và bàn tròn, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã chia sẻ những kinh nghiệm của Việt Nam trong quá trình thực hiện các MDGs và bày tỏ ý kiến về những ưu tiên của cộng đồng quốc tế. Đó là tăng cường hòa bình, ổn định, tạo thêm những điều kiện quốc tế thuận lợi cho các quốc gia đang phát triển và xây dựng kế hoạch thực hiện cho năm năm tới ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế. Tại các cuộc tiếp xúc với Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun và lãnh đạo của nhiều nước, Chủ tịch nước ta đã trao đổi ý kiến về các vấn đề phát huy vai trò của LHQ, kinh nghiệm và khả năng hợp tác trong các lĩnh vực liên quan đến các MDGs. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun đánh giá cao kinh nghiệm, quyết tâm của Việt Nam trong thực hiện các MDGs, những đóng góp to lớn của Việt Nam đối với LHQ. Các nước châu Phi đặc biệt quan tâm đến kinh nghiệm của Việt Nam về phát triển nông nghiệp, vì đây là điểm mạnh của Việt Nam trong quá trình thực hiện các MDGs. Việt Nam cũng đã đóng góp xây dựng Văn kiện cuối cùng của hội nghị, bổ sung những nội dung được LHQ và các nước hoan nghênh và đánh giá cao, như trong vấn đề bảo vệ hòa bình, sử dụng các nguồn nước chung một cách công bằng, bền vững, mở rộng hợp tác Nam – Nam.
Về kết quả Hội nghị các nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN – Hoa Kỳ lần thứ 2, Trợ lý Bộ trưởng Phạm Quang Vinh cho biết, trong quá trình thảo luận, các nhà lãnh đạo ASEAN và Hoa Kỳ đã đạt được sự hiểu biết và nhất trí cao về thúc đẩy hợp tác toàn diện, cùng có lợi, đưa quan hệ ASEAN – Hoa Kỳ phát triển lên tầm cao mới. Hoa Kỳ cam kết tiếp tục tăng cường hợp tác với các nước vùng hạ lưu sông Mê Công. Các nhà lãnh đạo ASEAN và Hoa Kỳ đã thông qua Tuyên bố chung, đề ra nhiều biện pháp tăng cường hợp tác toàn diện; các điều khoản về việc thành lập Nhóm các nhân vật nổi tiếng có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất các biện pháp tăng cường hợp tác ASEAN – Hoa Kỳ. Trong quá trình trao đổi ý kiến và đồng điều hành hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã nhấn mạnh: ASEAN đang bước sang giai đoạn phát triển mới, ngày càng phát huy vai trò trong việc xây dựng khu vực thịnh vượng, hòa bình; nhấn mạnh tới sự cần thiết phải tăng cường hợp tác trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi. Bên cạnh việc tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại, ASEAN và Hoa Kỳ còn nhiều lĩnh vực có thể đẩy mạnh hợp tác, như ứng phó với những thách thức về thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu…; cùng với đó là thúc đẩy sự tin cậy, đối thoại và hiểu biết, tăng cường trao đổi ở cấp cao.
Ý kiến ()