Chủ tịch nước đến thăm và làm việc tại Sóc Trăng
Nhằm kiểm tra tình hình phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc - tôn giáo và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn, từ ngày 1-2/6, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn công tác Trung ương đã làm việc tại tỉnh Sóc Trăng.
Nhằm kiểm tra tình hình phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc – tôn giáo và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn, từ ngày 1-2/6, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn công tác Trung ương đã làm việc tại tỉnh Sóc Trăng.
Trong hai ngày thực tế tại cơ sở, Chủ tịch nước đã trực tiếp đến khảo sát khu rừng phòng hộ chống biến đổi khí hậu tại ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình, huyện Trần Đề; thăm cơ sở nuôi tôm của Hiệp hội tôm Mỹ Thanh, xã Trung Bình, huyện Trần Đề; kiểm tra tình hình triển khai dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 – công trình nhiệt điện lớn hàng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, với công suất 1.200MW, do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư; thăm hỏi và động viên các gia đình chính sách.
Làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh, Chủ tịch nước cho rằng, năm 2012, bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, kinh tế – xã hội của tỉnh Sóc Trăng vẫn giữ được ổn định và có sự phát triển. Trong 26 chỉ tiêu chủ yếu, có 22 chỉ tiêu được tỉnh hoàn thành và hoàn thành vượt mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ đề ra. Sản xuất lúa tiếp tục được mùa với sản lượng cả năm đạt 2,25 triệu tấn, đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay.
Hoan nghênh kết quả đạt được của Sóc Trăng về sản xuất nông nghiệp, chăm lo đời sống cho đồng bào trên địa bàn, Chủ tịch nước nhấn mạnh trước khó khăn chung của kinh tế cả nước, lãnh đạo tỉnh cần hết sức chủ động xây dựng cơ chế tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện giúp nông dân chủ động trong khâu thu hoạch, phân phối lưu thông hàng hóa, giảm bớt hao hụt. Đối với một địa phương cơ cấu nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng lớn, đóng góp nhiều cho ngân sách và giải quyết việc làm cho nhiều lao động như Sóc Trăng, điều này hết sức hệ trọng.
Qua nghe báo cáo của tỉnh, Chủ tịch nước lưu ý, năm 2012, Sóc Trăng vẫn còn phát sinh hơn 4.200 hộ nghèo và 5.000 hộ cận nghèo. Chủ tịch nước đề nghị các cấp, các ngành của tỉnh cần kiên trì các giải pháp để giảm tỷ lệ hộ nghèo, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số nhằm góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Trước thực tế đang tồn tại 40% doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả hoặc tạm ngưng hoạt động; nhiều công trình dự án giao thông, thủy lợi, hạ tầng điện đường chậm triển khai vì thủ tục thẩm định, thiếu vốn, ảnh hưởng đến nhịp độ phát triển công nghiệp thương mại của tỉnh, cụ thể là trường hợp dự án Nhiệt điện Long Phú 1, Chủ tịch đề nghị, các đơn vị và bộ, ngành liên quan họp bàn phân tích rõ nguyên nhân chủ quan và khách quan để tập trung tháo gỡ.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, tinh thần nhập cuộc chủ động của địa phương là yếu tố quan trọng. Trung ương luôn quan tâm tạo điều kiện nhưng Sóc Trăng cần chủ động rà soát, giải quyết những phần việc thuộc về trách nhiệm chính quyền địa phương. Chủ tịch nêu rõ, dồn sức tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khơi thông thị trường cho nông sản – thế mạnh của Sóc Trăng, làm tốt an sinh xã hội, giảm thiểu tai nạn, tệ nạn xã hội, cùng với đấu tranh hiệu quả phòng tội phạm đang có biểu hiện gia tăng cần sức mạnh huy động của cả hệ thống chính trị; nếu làm được trong bối cảnh nhiều khó khăn là cách tốt nhất để giữ vững lòng tin, thể hiện trách nhiệm của Đảng với nhân dân, với đất nước.
Đối với tình hình biến đổi khí hậu, Chủ tịch nước nhấn mạnh, nếu nước biển dâng như kịch bản dự báo, Sóc Trăng là một trong những tỉnh sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trước nguy cơ tác động của nước biến dâng là hiện hữu và diễn biến bất thường nhanh hơn dự báo, Chủ tịch đề nghị các cấp, các ngành của tỉnh cần phối hợp với các cơ quan Trung ương, hoạch định giải pháp kịp thời, kể cả xã hội hóa những công trình, lĩnh vực tư nhân có thể tham gia đầu tư xây dựng để ứng phó và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong chuyến thăm và làm việc tại Sóc Trăng, Chủ tịch nước đã có buổi gặp gỡ nói chuyện thân mật với đại diện Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng, các hòa thượng, thượng tọa, đại đức trụ trì 92 chùa Khmer Phật giáo Nam Tông trên địa bàn. Thông báo về tình hình trong nước và thế giới, Chủ tịch nước cho rằng, tuy Việt Nam chịu tác động khó khăn chung của thế giới nhưng đất nước vẫn có bước tăng trưởng nhất định, trong thành công chung đó có sự đóng góp của đồng bào Khmer ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Chủ tịch nước khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm và có chính sách đối với đồng bào các dân tộc, xác định đoàn kết dân tộc là yếu tố quan trọng cho sự phát triển. Chủ tịch nước mong rằng các chức sắc Phật giáo Nam Tông nói riêng và đồng bào Khmer tiếp tục đoàn kết cùng các dân tộc và tôn giáo sống tốt đời, đẹp đạo đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Chủ tịch nước đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền làm tốt chính sách dân tộc, tôn giáo trên địa bàn tỉnh, khi đề ra chủ trương và kế hoạch hoạt động đều quan tâm đến việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; chăm lo đời sống vùng có đông đồng bào dân tộc, tôn giáo; nâng cao dân trí, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số.
Chủ tịch nước cũng có buổi gặp gỡ đại biểu các Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân qua các thời kỳ kháng chiến, trong đó có các đại biểu là đồng bào dân tộc Khmer sinh sống trên địa bàn. Lắng nghe những phát biểu tâm huyết của các đại biểu về vấn đề chủ quyền biển đảo, phòng chống tham những và phát triển kinh tế, Chủ tịch đề nghị các đại biểu phát huy truyền thống và phẩm chất cách mạng kiên trung, nêu gương sáng trong giáo dục lý tưởng cho thế hệ trẻ, góp phần xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước.
Chủ tịch nước cũng đã tới dự lễ khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử quốc gia Đền Thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung. Đây là đền thờ được nhân dân Sóc Trăng xây dựng ngay khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời nhằm thể hiện tấm lòng kính yêu Bác Hồ.
Công trình có tổng mức kinh phí trên 30 tỷ đồng, gồm các hạng mục: Nhà tưởng niệm, nhà trưng bày, nhà hội, sân lễ… với diện tích 22.000m2. Sau 36 tháng khẩn trương thi công, công trình hoàn thành vào dịp kỷ niệm 123 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()