Thứ 7, 23/11/2024 05:42 [(GMT +7)]
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quốc hội đầu tiên
Thứ 6, 20/05/2011 | 08:25:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Một ngày sau, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ vào ngày 3-9-1945, Chính phủ đã thảo luận và tán thành sáu vấn đề cấp bách nhất do Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra, trong đó có vấn đề: “Tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu, soạn thảo Hiến pháp dân chủ”. Ngày 8 tháng 9 Bác ký Sắc lệnh số 14 quyết định tổ chức Tổng tuyển cử trên phạm vi cả nước. Không lâu sau, ngày 20-9-1945, Người ký Sắc lệnh số 34 thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp gồm bảy thành viên. Tiếp đó, vào ngày 26-9-1945, Người ký tiếp Sắc lệnh số 39 về việc thành lập Ủy ban dự thảo thể lệ Tổng tuyển cử. Ngày 17-10-1945, Người ký tiếp Sắc lệnh số 51 quy định thể lệ Tổng tuyển cử, ấn định ngày 23-12-1945, sẽ mở cuộc Tổng tuyển cử trong toàn quốc. Ngày 16-11-1945, tham dự phiên họp Hội đồng Chính phủ, Người nêu vấn đề dân chủ bầu cử, ứng cử, đề nghị Chính phủ ra thông báo nói rõ ai cũng có quyền ứng cử, dù ở đảng phái hay không đảng phái. Cũng trong phiên họp này, để cho công tác chuẩn bị bầu cử được chu đáo hơn, Người đã đề nghị hoãn ngày Tổng tuyển cử đến ngày 6-1-1946.
Bác Hồ tham gia bỏ phiếu – Ảnh: Tư liệu |
Để kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng và tham gia một cách đầy đủ ngày hội Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người viết bài “Ý nghĩa Tổng tuyển cử” đăng trên báo Cứu Quốc số 130, ra ngày 31-12-1945. Bài báo nêu rõ: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử… hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó. Vì lẽ đó, cho nên Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết. Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân…”. Ngày 1-1-1946, trong “Tuyên bố chính sách của Chính phủ liên hiệp lâm thời”, Người cũng nêu rõ: “Từ nay đến Quốc hội, Chính phủ liên hiệp lâm thời bàn đến các vấn đề thực tế như sau: … về chính trị: Làm cho cuộc Tổng tuyển cử toàn quốc được mỹ mãn…”. Đặc biệt, một ngày trước khi diễn ra cuộc Tổng tuyển cử, Người đã có “Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu”, đăng trên báo Cứu Quốc số 134, ngày 5-1-1946. Rất giản dị, Người đi vào vấn đề cụ thể, gọn rõ: “Ngày mai mồng 6 tháng giêng năm 1946. Ngày mai, là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ. Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình… Ngày mai, dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình, và gánh vác việc nước. (…). Ngày mai, tất cả các bạn cử tri, đều phải nhớ đi bầu cử. Ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do”. Cũng vào chiều ngày 5-1-1946, trước hơn hai vạn đồng bào Thủ đô đang mít-tinh ủng hộ cuộc bầu cử, Người căn dặn: “… Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu. Ngày mai không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện các quyền dân chủ ấy”.
Ngày 6-1-1946, lần đầu tiên mọi công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt nam nữ, được hưởng quyền bầu cử và ứng cử vào Quốc hội. Hơn 90% tổng số cử tri đã đi bỏ phiếu. Ngay trong vùng có chiến tranh, đồng bào vẫn tìm cách tham gia bầu cử. Riêng đối với Bác kính yêu, vào ngày 6-1-1946, ngay từ sáu giờ sáng, Người đã xuất hành làm nhiệm vụ công dân của mình ở thùng phiếu số 10 phố Hàng Vôi. Người vui vẻ trình thẻ cử tri, nhận phiếu bầu, ra bàn ngồi ghi rồi gấp phiếu lại ngay ngắn, cẩn thận bỏ vào thùng phiếu. Sau đó, Người đến thăm một số phòng bỏ phiếu ở phố Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Trống, Thụy Khuê, làng Hồ Khẩu, Ô Đông Mác. Buổi trưa, Người ghé thăm các cháu thiếu nhi đang đi cổ động cho Tổng tuyển cử ở phố Lò Đúc. Kết quả, toàn dân đã bầu được 333 đại biểu Quốc hội. Trong đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trúng cử với 98,4% tổng số phiếu bầu. Sau thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử, để ứng phó kịp thời với tình hình mới, Bác Hồ đã chủ trương triệu tập cuộc họp Quốc hội. Ngày 2-3-1946, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I đã diễn ra tại Thủ đô Hà Nội. Gần 300 đại biểu Quốc hội của cả nước đã về dự kỳ họp. Kỳ họp đã công nhận Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập; bầu Ban Thường trực Quốc hội, Tiểu ban dự thảo Hiến pháp, Kháng chiến ủy viên hội và Đoàn Cố vấn tối cao…
Chào mừng cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII sẽ diễn ra vào ngày 22-5-2011 này, nhắc lại những dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quốc hội chúng ta càng cảm nhận sâu sắc tư tưởng của Người về vai trò, nhiệm vụ của Quốc hội và trách nhiệm của người đại biểu nhân dân trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. Mong muốn lớn nhất của Người và cũng chính là của mỗi một người dân Việt Nam yêu nước là xây dựng được một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của dân, do dân, và vì dân; một Nhà nước thực sự trong sạch, vững mạnh và hoạt động có hiệu quả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()