Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quảng Tây trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp
LSO- Dưới sự lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân đã tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thành công. Ngày 2 tháng 9 năm 1945 tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà. Cuối năm 1946 thực dân Pháp chưa chịu từ bỏ dã tâm xâm lược, nhân dân Việt Nam với tinh thần “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh” lại bước vào cuộc trường chinh máu lửa, kháng chiến 9 năm ròng cho đến khi Hiệp định Giơnevơ về lập lại hoà bình ở Đông Dương được ký kết (tháng 7/1954), miền Bắc Việt Nam hoàn toàn được giải phóng.Trong lúc nhân dân Việt Nam kháng chiến trường kỳ, gian khổ cũng là lúc nhân dân và quân giải phóng Trung Quốc phải tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng anh dũng chống lại tập đoàn Tưởng Giới Thạch được đế quốc Mỹ giúp sức. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đứng bên cạnh Đảng cộng...
LSO- Dưới sự lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân đã tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thành công. Ngày 2 tháng 9 năm 1945 tại Quảng trường Ba Đình – Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà. Cuối năm 1946 thực dân Pháp chưa chịu từ bỏ dã tâm xâm lược, nhân dân Việt Nam với tinh thần “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh” lại bước vào cuộc trường chinh máu lửa, kháng chiến 9 năm ròng cho đến khi Hiệp định Giơnevơ về lập lại hoà bình ở Đông Dương được ký kết (tháng 7/1954), miền Bắc Việt Nam hoàn toàn được giải phóng.
Trong lúc nhân dân Việt Nam kháng chiến trường kỳ, gian khổ cũng là lúc nhân dân và quân giải phóng Trung Quốc phải tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng anh dũng chống lại tập đoàn Tưởng Giới Thạch được đế quốc Mỹ giúp sức. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đứng bên cạnh Đảng cộng sản và nhân dân Trung Quốc, giúp đỡ lẫn nhau, đoàn kết chiến đấu và đã viết nên những bài ca đẹp về tình hữu nghị Việt – Trung. Đầu năm 1946, vào thời điểm quân đội Quốc dân đảng vào Việt Nam giải giáp vũ khí của quân đội Nhật, khi rút về nước thì xảy ra sự kiện hơn 700 người của đội du kích kháng Nhật mang tên “Lão Nhất Đoàn” do Đảng cộng sản Trung Quốc lãnh đạo ở Nam Lộ – Quảng Đông (bao gồm một phần đất Quảng Tây ngày nay), bị một sư đoàn thuộc phái phản động Quốc dân Đảng bao vây và truy kích. Sau khi được sự đồng ý của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đội du kích đã rút khỏi vùng Động Trung, huyện Phòng Thành, Quảng Tây tiến về khu giải phóng của Việt Nam để nghỉ ngơi và chỉnh đốn lực lượng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị cho Đảng bộ cơ sở ở địa phương phải sắp xếp, ổn định đời sống cho các đồng chí du kích “Lão Nhất Đoàn”. Khi quân Quốc dân đảng vào Việt Nam, biết được tin ấy bèn ép Hồ Chí Minh phải giao đội du kích “Lão Nhất Đoàn” cho chúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh với bản lĩnh chính trị sáng suốt đã chống lại sức ép ngang ngược của bọn Quốc dân đảng, tiếp tục cho phép “Lão Nhất Đoàn” ở lại Việt Nam để chỉnh đốn đội ngũ. Thời kỳ này cũng là những năm tháng gian khổ của cuộc kháng chiến chống Pháp, ngay đến lực lượng vũ trang của mình là Vệ Quốc đoàn cũng chưa được cung cấp đủ về hậu cần, nhưng với tinh thần đoàn kết gắn bó keo sơn, nhường cơm sẻ áo, được sự quan tâm của chủ tịch Hồ Chí Minh, du kích quân “Lão Nhất Đoàn” vẫn được chăm sóc chu đáo tại Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam cho phép “Lão Nhất Đoàn” tổ chức đội tự vệ Hoa kiều chống Pháp ở những nơi có Hoa kiều sinh sống để tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp. Đến tháng 9 năm 1947, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng cộng sản Trung Quốc, “Lão Nhất Đoàn” trở về nước tham gia cuộc chiến tranh giải phóng và trở thành đội quân vũ trang nhân dân quan trọng của quân khu Vân Nam – Quảng Tây- Quý Châu. Đồng thời đáp lại đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, một bộ phận “Lão Nhất Đoàn” tiếp tục ở lại Việt Nam tham gia kháng chiến và triển khai công tác Hoa vận, góp sức vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp.
Sầm Cảnh Dũng
Ý kiến ()