Chủ tịch Hồ Chí Minh với hành trình tìm đường cứu nước và kiến tạo tương lai
LSO -Trong dặm dài lịch sử cách mạng Việt Nam, ngày 5/6/1911 là một dấu mốc lịch sử vô cùng quan trọng đối với dân tộc Việt Nam, cách mạng Việt Nam. Đó là sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước từ Bến cảng Nhà Rồng (thuộc thành phố Hồ Chí Minh ngày nay) - mở đầu cho hành trình tìm đường, dẫn đường và kiến tạo tương lai tươi sáng cho dân tộc ta, đất nước ta.
Ngược dòng lịch sử, chúng ta càng kính phục sự hy sinh to lớn, công lao trời biển của Bác trong hành trình dài đầy chông gai, gian khổ đó để “nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Đây cũng chính là quan điểm cốt lõi xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội, về cách mạng giải phóng dân tộc. Đồng thời qua đó càng thấy rõ, tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc luôn gắn bó thống nhất với tư tưởng về chủ nghĩa xã hội.
Quang cảnh bến cảng Nhà Rồng (thành phố Hồ Chí Minh) ngày nay. Ảnh: Tư liệu
Theo đó, trong quá trình tìm tòi, khảo cứu tại các nước, các châu lục đã đi qua, với khát vọng giải phóng dân tộc, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành – người chiến sĩ cộng sản Nguyễn Ái Quốc đã tìm và lựa chọn con đường chân chính nhất để giải phóng dân tộc, giành lấy độc lập, tự do cho Tổ quốc. Người đã tiếp thu chủ nghĩa Mác – Lênin và nhận rõ đặc điểm, tình hình, con đường cách mạng Việt Nam cần lựa chọn cũng như xu hướng phát triển của thời đại. Người rút ra kết luận: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Việc tìm thấy con đường giải phóng dân tộc đã đánh dấu sự hình thành cơ bản tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cách mạng Việt Nam, tạo ra bước ngoặt lịch sử cho tiến trình cách mạng Việt Nam về đường lối cứu nước và giải phóng dân tộc đi đến những thắng lợi sau này.
Có thể thấy, độc lập dân tộc là vấn đề mà Chủ tịch Hồ Chí Minh theo đuổi cả cuộc đời. Việc đặt nền móng cho con đường cách mạng Việt Nam bằng một hệ thống luận điểm cách mạnh vững chắc, biện chứng đã cho thấy lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thực hiện hết sức công phu, kỹ lưỡng, gắn lý luận với thực tiễn, đặc biệt là tình hình thực tiễn của Việt Nam. Hệ thống luận điểm vững chắc đó là: cách mạng Việt Nam vận động theo quỹ đạo của cách mạng vô sản, là một bộ phận của cách mạng thế giới… Người cho rằng cách mạng ở các nước thuộc địa có thể thành công trước cách mạng vô sản ở các nước chính quốc, quay lại giúp chính quốc. Người nêu lên phải chống chủ nghĩa thực dân ở cả nước chính quốc và nước thuộc địa… Cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa phải đi theo con đường cách mạng vô sản. Đây cũng chính là một sáng tạo rõ nét nhất của Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc ở thuộc địa, đóng góp vào kho tàng lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin.
Không chỉ tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thực hiện vai trò dẫn đường. Người đã tích cực học tập, tổ chức thực hiện, truyền bá con đường chân chính đó vào Việt Nam, dẫn dắt cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong quá trình đó, Người đã chỉ ra, phải có Đảng Cộng sản lãnh đạo… Không chỉ là người sáng lập mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp rèn luyện Đảng ta trưởng thành về mọi mặt. Khi thành lập Đảng, Bác đã nhấn mạnh tới vấn đề mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Đến những năm sau này, Bác đã viết các tác phẩm tiêu biểu như: “Sửa đổi lối làm việc”; “Đời sống mới”, “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”… Trong đó, những vấn đề Bác đề cập đến nay vẫn nguyên giá trị, luôn mang tính thời đại sâu sắc. Điều đó đã thể hiện bản lĩnh, vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc thiết kế, kiến tạo tương lai cho dân tộc, cho đất nước Việt Nam.
Nhân kỷ niệm 107 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước; kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, trong không khí sôi nổi Lạng Sơn cùng cả nước đang ra sức đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước,… chúng ta nhớ lại hành trình tìm đường cứu nước, chiêm nghiệm sâu sắc tư tưởng của Người để càng thêm quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách, xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh, phát triển như Bác hằng mong ước.
HOÀNG HÀ
Ý kiến ()