Chủ tịch Hồ Chí Minh với bài học lịch sử và kinh nghiệm trọng dụng nhân tài
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, nhân tài luôn được tôn vinh, trọng dụng, kế thừa và tiếp nối, đã trở thành truyền thống tốt đẹp.Từ xa xưa, ông cha ta đã coi hiền tài là nguyên khí Quốc gia. Trong thời đại Hồ Chí Minh, truyền thống đó càng được phát huy cao độ thông qua chính sách trọng dụng nhân tài của Đảng ta, thông qua tư tưởng và hoạt động thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một thiên tài kiệt xuất kết tinh truyền thống văn hóa hàng nghìn năm của non sông đất nước ta. Trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới hiện nay để đưa nước ta sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, vấn đề phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có nhân tài (bộ phận tinh túy của nguồn nhân lực chất lượng cao) trở thành khâu đột phá chiến lược. Cần học và làm theo cách làm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cần thấm nhuần, quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân tài.Với Chủ tịch Hồ Chí Minh,...
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, nhân tài luôn được tôn vinh, trọng dụng, kế thừa và tiếp nối, đã trở thành truyền thống tốt đẹp.
Từ xa xưa, ông cha ta đã coi hiền tài là nguyên khí Quốc gia. Trong thời đại Hồ Chí Minh, truyền thống đó càng được phát huy cao độ thông qua chính sách trọng dụng nhân tài của Đảng ta, thông qua tư tưởng và hoạt động thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một thiên tài kiệt xuất kết tinh truyền thống văn hóa hàng nghìn năm của non sông đất nước ta. Trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới hiện nay để đưa nước ta sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, vấn đề phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có nhân tài (bộ phận tinh túy của nguồn nhân lực chất lượng cao) trở thành khâu đột phá chiến lược. Cần học và làm theo cách làm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cần thấm nhuần, quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân tài.
Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân tố con người luôn là quan điểm, phương pháp luận quan trọng nhất; và nhân tài có vai trò to lớn, là một động lực để phát triển đất nước, phải được phát hiện, ươm trồng, phát huy, trọng dụng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì nước, vì dân.
Cùng với việc phát hiện, phát huy vai trò và sức mạnh to lớn của nhân dân: 'Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không có gì quý bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân. Trong xã hội không có gì vẻ vang, tốt đẹp bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân…', Người cũng thấy rất rõ vai trò, động lực mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, của nhân tài đối với sự nghiệp xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc cũng như đối với sự phát triển của cả loài người. Nhân tài phải được phát huy, đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng.
Sinh thời, vấn đề đào tạo, bồi dưỡng nhân tài đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm từ rất sớm, ngay trong thời kỳ chuẩn bị mọi mặt cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cuối năm 1924, từ Liên Xô, Người đến Quảng Châu (Trung Quốc), bắt liên lạc với nhóm thanh niên yêu nước trong Tam Tâm xã, hướng dẫn cho họ về phương pháp tổ chức và hoạt động; lập ra Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, đích thân tổ chức các lớp huấn luyện cán bộ; lựa chọn những cán bộ trẻ xuất sắc gửi đi đào tạo tiếp ở những trường huấn luyện của Quốc tế Cộng sản. Nhiều người trong số đó sau này đã trở thành những cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng. Có thể nói, đây là những lớp đào tạo, bồi dưỡng thế hệ nhân tài đầu tiên của thời kỳ lập Đảng, cứu quốc trong lịch sử Cách mạng Việt Nam.
Trong những năm tháng đầu tiên của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh 76/SL ngày 20-5-1950 quy định về nghĩa vụ và quyền lợi của công chức, thể hiện rõ tư tưởng của Người về sự tôn vinh tài năng, đạo đức và yêu cầu về việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài. Từ năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị phải tuyển chọn những thanh niên có đủ những tiêu chí cần thiết, gửi sang Trung Quốc, Liên Xô, Đông Âu học tập để đào tạo thành trí thức bậc cao cho đất nước; ra quyết định mở Trường khoa học cơ bản, Trường sư phạm cao cấp trên đất bạn… để tạo dựng một lớp người có tài có đức, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc khi hòa bình lập lại.
Hy sinh lợi ích cá nhân, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn, vì lợi ích của Tổ quốc và nhân dân là một trong những phẩm chất cao quý của các bậc hiền tài trong lịch sử nước ta, được nhân dân đánh giá rất cao và trân trọng ghi nhận, kể cả tôn làm Thành Hoàng, tôn làm Thánh để thờ cúng muôn đời. Kế thừa và phát huy truyền thống quý báu đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thường xuyên quan tâm bồi dưỡng đối với các thế hệ cán bộ cách mạng, và chính bản thân Người đã nêu gương sáng về phẩm chất này. Trong thời kỳ Đảng ta còn hoạt động trong vòng bí mật, mỗi cán bộ, đảng viên đều phải xác định rõ tinh thần sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Hàng trăm, hàng nghìn cán bộ, đảng viên và quần chúng yêu nước đã kiên cường đấu tranh và hy sinh anh dũng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao những tấm gương hy sinh đó. Người nói: 'Máu đào của các liệt sỹ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do'.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn căn dặn cán bộ, đảng viên phải hết sức cẩn trọng, quý trọng sinh mạng của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, quý trọng nhân tài, tuyệt đối tránh những hy sinh không cần thiết. Đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt thì càng phải chú trọng vấn đề này, vì 'cán bộ là cái gốc của mọi công việc'. Câu chuyện sau đây của các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt có thể coi như một minh chứng cho quan điểm này của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Sau khi Hội nghị Trung ương 8 (1941) bế mạc, Người căn dặn các cán bộ về xuôi không được mang theo bất cứ tài liệu gì trong người để đề phòng trường hợp bị địch bắt, tránh thiệt hại chung cho cách mạng. Tài liệu sẽ được chuyển cho các đồng chí đó sau bằng đường giao thông đặc biệt. Mặc dù đã căn dặn như vậy, nhưng khi các đại biểu ra về, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiểm tra kỹ từng người; khi phát hiện một vài đồng chí vẫn cố giấu, mang theo tài liệu, Người đã nhắc nhở nhẹ nhàng mà rất nghiêm khắc: 'Các đồng chí, người ít tuổi cũng trên hai mươi, người nhiều tuổi đã ngoài ba mươi. Đảng và nhân dân tốn bao công sức mới đào tạo được các đồng chí. Nay giả dụ các đồng chí bị địch bắt, sẽ ảnh hưởng tới phong trào cách mạng như thế nào'. (1)
Sau này, trong quá trình lãnh đạo Đảng và Nhà nước, mỗi lần được tin về sự tổn thất, hy sinh của cán bộ, đảng viên và nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều rất đau lòng. Người đặc biệt đau lòng mỗi khi nghe tin một cán bộ tài năng được đồng bào, đồng chí tín nhiệm cao chẳng may hy sinh hay qua đời. Đó là trường hợp của các Cụ Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Hồ Tùng Mậu; của các đồng chí Hoàng Hữu Nam, Nguyễn Chí Thanh… Trong thư gửi đồng bào cả nước sau ngày Cụ Huỳnh Thúc Kháng tạ thế (tháng 4-1947), Người viết: 'Cả đời cụ Huỳnh không cầu danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập… Chúng ta thương tiếc cụ Huỳnh vô cùng'. Năm 1951, khi được tin đồng chí Hồ Tùng Mậu hy sinh, Người đã có văn thư gửi điếu: 'Tôi gạt nước mắt, thay mặt Chính phủ nghiêng mình trước linh hồn chú… Mất chú, là đồng bào mất một người lãnh đạo tận tụy, Chính phủ mất một người cán bộ lão luyện, Đoàn thể mất một người đồng chí trung thành, và tôi mất một người anh em chí thiết. Mấy nguồn thương tiếc cộng vào trong một lòng tôi'…
Như thế có thể thấy, quý trọng nhân tài, quý trọng cán bộ là một tư tưởng, một phẩm chất cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư tưởng này được toát lên từ thực tiễn lãnh đạo cách mạng của Người, thông qua những việc làm rất cụ thể và với tình cảm yêu thương, nhân ái bao la.
Cách mạng Tháng Tám thành công, đất nước ta đứng trước cơ hội hồi sinh, chấn hưng và phát triển, Đảng ta trở thành đảng cầm quyền. Đồng thời, sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc cũng phải đương đầu với nhiều thử thách khốc liệt. Hơn bao giờ hết, mọi nguồn lực của dân tộc, trong đó có nguồn lực trí tuệ và đội ngũ nhân tài cần được khơi dậy, quy tụ và phát huy. Trọng dụng nhân tài, nhất là các nhân sĩ, trí thức tài năng ngoài Đảng khi đó có ý nghĩa quan trọng trong việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân để đấu tranh chống thù trong giặc ngoài, bảo vệ chính quyền cách mạng.
Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã kiên quyết thực hiện và thực hiện rất thành công chủ trương trọng dụng nhân tài vì đại nghĩa dân tộc, vì sự nghiệp cách mạng. Ngày 28-8-1945, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam tự cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Một số cán bộ lãnh đạo của Đảng, kể cả Tổng Bí thư Trường Chinh đã tự nguyện rút lui để nhường vị trí cho một số trí thức, nhân sĩ tiến bộ có đức, có tài tham gia Chính phủ, như Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Mạnh Hà, Vũ Đình Hòe, Vũ Trọng Khánh… Đây là quyết định táo bạo và dũng cảm của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đáp ứng đúng yêu cầu khách quan của cách mạng nước ta khi đó và mở đường cho đội ngũ khá đông đảo nhân sĩ, trí thức tài năng, trong đó có cả những người từng làm đại quan trong triều đình Huế yên tâm đem tài năng, trí tuệ, sức lực và nhiệt huyết cống hiến cho Tổ quốc, cho nhân dân, cho chế độ mới. Có thể kể ra một số gương mặt tài năng tiêu biểu đã sớm đứng dưới ngọn cờ đại nghĩa của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh thời đó: Huỳnh Thúc Kháng, Bùi Bằng Đoàn, Nguyễn Văn Tố, Phan Kế Toại, Phạm Khắc Hòe, Vũ Đình Hòe, Phan Anh, Vũ Văn Hiền, Nghiêm Xuân Yêm, Hoàng Minh Giám, Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di, Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Mạnh Hà, Trịnh Văn Bính, Vũ Trọng Khánh…
Cần phải nói thêm rằng, để thu hút và trọng dụng được những trí thức, nhân sĩ tài năng như thế thì không chỉ cần có chủ trương và chính sách đúng, mà vai trò, uy tín của cá nhân Lãnh tụ Hồ Chí Minh đóng vai trò hết sức quan trọng. Người không những tự mình nêu gương sáng mà còn biết vận dụng những biện pháp, những tác động cá nhân cần thiết để thu hút, khích lệ nhân tài yên tâm cống hiến. Xin nhắc lại một vài câu chuyện mà nhiều người đã biết. Để mời được một nhân sĩ đức cao, vọng trọng như Cụ Huỳnh Thúc Kháng tham gia Chính phủ Liên hiệp thực không dễ dàng gì. Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại: 'Khi chúng ta cử người tới mời, lúc đầu cụ tỏ ra ngần ngại. Một phần vì cụ thấy mình tuổi đã quá cao; một phần vì cụ chưa hiểu những người lãnh đạo mới 'thuộc lớp trẻ này' ra sao. Đến lúc nghe nói rõ Hồ Chủ tịch chính là đồng chí Nguyễn Ái Quốc, cụ mới quyết định ra Hà Nội'. Gặp Bác, sau khi hai người đã hiểu rõ về nhau, cùng ôn lại những ký ức cá nhân sâu đậm nghĩa tình, cụ Huỳnh đã hoàn toàn tin cậy Hồ Chủ tịch, yên tâm tham gia Chính phủ và tận tâm, tận lực vì sự nghiệp chung. 'Cụ đã đặt vào Người một sự tin cậy hoàn toàn. Mặc dầu hơn tuổi Bác nhiều, nhưng khi nhắc tới Hồ Chủ tịch, cụ thường nói đó là vị 'Cha già dân tộc'. (2)
Khác với trường hợp Cụ Huỳnh, việc thu hút nhân tài là trí thức Tây học danh tiếng lại khác. Với những người trước đây đã tham gia Nội các Trần Trọng Kim như Phan Anh, Hoàng Xuân Hãn, Vũ Văn Hiền… Chủ tịch Hồ Chí Minh lại tìm cách thuyết phục và tạo niềm tin, giúp họ vượt qua mặc cảm cá nhân thông qua mối quan hệ bằng hữu, anh em của họ với các trí thức nổi tiếng đã tham gia cách mạng từ trước, như: Vũ Đình Hòe, Nghiêm Xuân Yêm, Dương Đức Hiền, Phan Mỹ. Kết quả là cả ba vị cựu bộ trưởng nổi tiếng của Nội các cũ đã tham gia nhiệt thành Chính phủ cách mạng. Với một số trí thức tiêu biểu như Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Văn Huyên thì Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lại có cách trọng dụng riêng. Cả ba vị này đều là con rể Tổng đốc Vi Văn Định, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chân thành mời Vi Văn Định tham gia kháng chiến, kiến quốc. Cảm kích trước thái độ này mà Vi Văn Định cùng đại gia đình đã vững tâm tham gia cách mạng, có nhiều cống hiến cho đất nước, cho chế độ mới.
Chính những cách tôn vinh, trọng dụng, đối xử nhân hòa, thành thực của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ cách mạng đối với đội ngũ nhân sĩ, trí thức tài danh đã góp phần củng cố uy tín của chính quyền cách mạng, củng cố khối đại đoàn kết, cô lập các thế lực thù địch. Đây là những minh chứng hùng hồn giúp cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục nhận được sự ủng hộ to lớn, mạnh mẽ hơn của giới nhân sĩ, trí thức yêu nước và tiến bộ. Trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm nước Pháp từ tháng 5 đến tháng 10 năm 1946, Người đã thuyết phục thành công thêm nhiều nhân tài xuất sắc về nước tham gia kháng chiến, trong đó có những nhà khoa học tài ba như: Trần Đức Thảo, Trần Đại Nghĩa, Trần Hữu Tước,… Cũng nhờ chính sách trọng dụng nhân tài vì đại nghĩa mà từ khi Cách mạng Tháng Tám bùng nổ đến khi toàn quốc kháng chiến, cả một thế hệ văn nghệ sĩ nổi tiếng, tài hoa đã hăng hái tham gia cách mạng, đi tiên phong trên mặt trận văn hóa, xây nền đắp móng cho nền văn học nghệ thuật mới của nước nhà.
Tài đức phải song toàn, đức là gốc là quan điểm, tư tưởng nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh: 'Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân'. Ra sức thu hút nhân tài, đối xử thành thực, nhân ái và trọng dụng nhân tài, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất chú trọng đến việc nhắc nhở, chỉnh đốn, giáo dục nhân tài để họ thực sự trở thành những 'người tài đức', cống hiến được nhiều nhất cho dân tộc và cho cách mạng. Ngay ở trang đầu của tác phẩm 'Đường Kách mệnh', Người đã chỉ rõ 'Tư cách một người cách mệnh', trong đó có yêu cầu về những phẩm chất cốt yếu cần có là cần kiệm, hy sinh, cả quyết sửa lỗi mình, không hiếu danh, không kiêu ngạo, vị công, vong tư, quyết đoán, dũng cảm… Mỗi người, nhất là những nhân tài thường có tính nết với những ưu, khuyết điểm riêng. Đối với mỗi người, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại có cách thức tác động phù hợp để họ nhận ra những nét chưa hoàn thiện trong nhân cách hay ứng xử. Đối với một số người, nhất là cán bộ của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh có khi phải nhắc nhở trực tiếp. Trần Văn Giàu là một trường hợp như thế. Đến tận những năm tháng cuối đời, ông còn nhớ rõ lần được Cụ Hồ 'chỉnh'. Ông kể: 'Cuối năm 1945, tôi ở chiến trường Sài Gòn mới ra Thủ đô. Báo cáo xong, tôi được Cụ Hồ bảo là cùng ăn cơm trưa với chi bộ Phủ Chủ tịch. Đạm bạc quá! Cơm đủ hai bát lưng, cà pháo thì đủ, cá thì chỉ vài khứa mỏng, canh trong vắt. Hôm sau, tới bữa ăn, tôi ra nhà ông bạn học (Đỗ Đình Thiện, nhà giàu ở phố Hàng Gai). Tới giờ ăn, Cụ hỏi ông Huỳnh: 'Chú Giàu đâu?' Ông ta đáp: 'Thưa Bác, nó ra thăm nhà Đỗ Đình Thiện ạ!'. Hôm sau lại được ngồi ăn với Cụ Hồ, Cụ hỏi: 'Ở Phủ Chủ tịch, chú chê cà muối hả? Lúc này đồng bào đang đói, chú không chia cái khổ với đồng bào được à?' Nghe Cụ nói, tôi hơi xấu hổ một chút'.
Đối với một số nhân sĩ, trí thức, nhất là những người còn có những vướng mắc, mặc cảm nào đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại có cách thuyết phục thật tế nhị. Đó có thể là những lời tâm tình, chia sẻ; cũng có thể là những bài thơ, bao thuốc lá hay mấy quả cam, nhưng tất cả đều có sức lay động lòng người mạnh mẽ và sâu sắc, khiến họ cảm phục, tin cậy, cả quyết sửa lỗi mình để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.
Từ thực tiễn lãnh đạo công cuộc kháng chiến và kiến quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng tư tưởng cho chiến lược thu hút, trọng dụng nhân tài phục vụ sự nghiệp chấn hưng đất nước. Tháng 11-1946, Người đã viết bài: 'Tìm người tài đức' đăng trên Báo Cứu quốc số 411. Toàn văn bài viết đó như sau:
'Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận. Nay muốn sửa đổi điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước, lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết.
Báo cáo phải nói rõ: tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó.
Hạn trong một tháng, các cơ quan địa phương phải báo cáo cho đủ.
Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Hồ Chí Minh'
Bài viết cực kỳ ngắn gọn, súc tích, đã tuyên bố rõ ràng chủ trương thu hút và trọng dụng nhân tài vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quan trọng hơn, ở cương vị Chủ tịch Chính phủ, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, việc 'trọng dụng những kẻ hiền năng' trước hết là nhiệm vụ của hệ thống chính quyền cách mạng các cấp. Sau này, Hồ Chủ tịch còn tiếp tục đúc kết, phát triển tư tưởng đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài và đặt công việc này trong công tác tổ chức và cán bộ nói chung của Đảng. Người căn dặn: 'Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài ngày càng phát triển càng thêm nhiều' 'Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta'.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, điều cốt yếu nhất trong chiến lược nhân tài là sử dụng nhân tài sao cho đúng người, đúng việc, tạo môi trường, điều kiện để nhân tài làm việc, cống hiến và phát triển tài năng. Người nói: 'Người nào có năng lực làm việc gì thì đặt vào việc ấy. Nếu dụng không đúng, người giỏi nghề thợ mộc thì giao cho việc thợ rèn, người giỏi nghề thợ rèn thì giao cho việc thợ mộc, như thế thì hai người đều thất bại cả hai'. Người nhấn mạnh: 'Lãnh đạo khéo, tài nhỏ có thể hóa ra tài to. Lãnh đạo không khéo, tài to cũng hóa ra tài nhỏ… Mình có quyền dùng người thì phải dùng những người có tài năng, làm được việc. Chớ vì bà con, bầu bạn mà kéo vào chức nọ chức kia. Chỉ vì sợ mất địa vị mà dìm những kẻ có tài năng hơn mình'.
Đồng thời, Người yêu cầu Đảng và Nhà nước phải thường xuyên xem xét, kiểm tra công tác cán bộ, công tác sử dụng nhân tài, bởi lẽ 'Mỗi lần xem xét lại nhân tài, một mặt thì tìm thấy những nhân tài mới, một mặt khác thì những người hủ hóa cũng lòi ra'.
Tư tưởng và kinh nghiệm về đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tài sản vô cùng quý báu. Ngày nay, nhân loại đang tiến vào kỷ nguyên văn minh trí tuệ; đất nước ta đang thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ động hội nhập, vươn lên sánh vai cùng các cường quốc năm châu, thì Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phải xây dựng và thực hiện thành công Chiến lược phát triển nhân tài, sao cho mỗi người Việt Nam phát huy được tối đa tài năng và nhiệt huyết, cống hiến được nhiều nhất cho sự nghiệp chấn hưng đất nước. Trong bối cảnh đó, tư tưởng và kinh nghiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về ươm trồng đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài càng sáng ngời chân lý, tiếp tục soi đường cho Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
(1) Xem Con đường theo Bác – Hoàng Quốc Việt, NXB Thanh Niên, Hn 2003.
(2) Xem cuốn sách Những chặng đường lịch sử – Võ Nguyên Giáp, NXB CTQG, Hn, 1994, trang 336-337.
Theo Nhandan
Ý kiến ()