Thứ 3, 24/12/2024 10:29 [(GMT +7)]
Chủ tịch Hồ Chí Minh – Nhà lãnh đạo lỗi lạc Cách mạng tháng Tám
Thứ 4, 11/08/2010 | 08:10:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Tầm vóc dân tộc và thời đại, ý nghĩa quốc gia và quốc tế của Cách mạng tháng Tám đã được Đảng ta khẳng định: “Với Cách mạng tháng Tám thắng lợi, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Nhà nước dân chủ của nhân dân Việt Nam ra đời, hệ thống thuộc địa của đế quốc bị chọc thủng ở khâu yếu nhất của nó tại Đông – Nam Á, đó là thắng lợi đầu tiên của chủ nghĩa Mác – Lênin ở một nước thuộc địa nửa phong kiến thuộc Đông – Nam Á, đồng thời cũng là một chuyển biến lớn nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Lần đầu tiên lao động nước ta làm chủ đất nước mình và đem tài năng trí tuệ của mình ra xây dựng cuộc sống mới”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh – Nhà lãnh đạo lỗi lạc Cách mạng tháng Tám
Mang tầm vóc lịch sử vĩ đại như vậy, Cách mạng tháng Tám thành công do một số nguyên nhân, trong đó có sự sáng suốt, sự lãnh đạo lỗi lạc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tháng 5-1941, tại Pác Bó, Cao Bằng, Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ tám. Dưới sự chủ trì của Bác Hồ, Hội nghị đánh giá tình hình thế giới và tình hình nước ta, đã nhận định: Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không giành được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc chịu mãi kiếp ngựa trâu mà quyền lợi của giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được. Trong Hội nghị lịch sử này, theo đề nghị của Bác Hồ, Mặt trận Việt Minh được thành lập với mục đích để “liên hiệp hết thảy các tầng lớp nhân không phân biệt tôn giáo, đảng phái, xu hướng chính trị nào, giai cấp nào, đoàn kết chiến đấu để đánh đuổi Pháp – Nhật, giành độc lập cho xứ sở”. Mặt trận Việt Minh ra đời với mục đích như thế là tầm nhìn chiến lược, là sáng kiến đặc biệt của Bác Hồ về sự chuẩn bị lực lượng cách mạng trong quần chúng nhân dân, thông qua đấu tranh chính trị, từng bước xây dựng “những tiểu tổ du kích, du kích chính thức” làm nòng cốt cho khởi nghĩa vũ trang.
Sau Hội nghị Trung ương lần thứ tám, ngày 6-6-1941, Bác Hồ gửi thư kêu gọi toàn dân đoàn kết, tập trung lực lượng đánh Pháp đuổi Nhật để giành độc lập, tự do. Hơn 3 năm sau, tháng 10-1944, Bác Hồ lại gửi thư cho đồng bào cả nước. Bác chỉ rõ: “Phe xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệt. Các đồng minh quốc sắp tranh được sự thắng lợi cuối cùng. Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian gấp. Ta phải làm nhanh”.
Như tiên đoán của Bác Hồ, cơ hội cho dân tộc ta giải phóng ngày một đến gần. Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp. Ngay lập tức, ngày 9 đến 12-3-1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp tại Từ Sơn (Bắc Ninh), nhận định “những cơ hội tốt đang giúp cho những điều kiện khởi nghĩa mau chín muồi” và đã ra Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Đảng quyết định phát động cao trào chống Nhật, cứu nước. Ba tháng sau, tháng 7-1945, phát xít Đức và Ý bại trận trên chiến trường châu Âu. Ở châu Á, phát xít Nhật đang trên đường thất bại, sụp đổ. Trước tình hình trên, Hội nghị toàn quốc của Đảng đã họp từ ngày 13 đến 15-8-1945 tại Tân Trào (Tuyên Quang). Những ngày này, Bác Hồ vừa qua cơn sốt nặng, người gầy, yếu không dự Hội nghị được suốt nhưng Bác góp nhiều ý kiến, chỉ rõ, phải phát động cao trào khởi nghĩa, phải mở rộng khu giải phóng ra khắp nơi trong nước, dù lực lượng nhỏ cũng lập khu giải phóng trước khi đồng minh vào. Ngay sau Hội nghị toàn quốc của Đảng, Đại hội quốc dân đã khai mạc ngày 16-8-1945 tại đình Tân Trào. Bác Hồ được bầu vào Đoàn chủ tịch Đại hội. Bác điều khiển Đại hội. Đại hội tán thành phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, thông qua mười chính sách của Mặt trận Việt Minh và mệnh lệnh tổng khởi nghĩa của Việt Minh, bầu Ủy ban Giải phóng dân tộc tức Chính phủ lâm thời do Bác Hồ làm Chủ tịch. Ngày 17-8-1945, Ủy ban Giải phóng Dân tộc ra mắt quốc dân, làm lễ tuyên thệ tại sân đình Tân Trào. Thay mặt Ủy ban, Bác Hồ đọc lời tuyên thệ: “Chúng tôi là những người được quốc dân đại biểu bầu vào Ủy ban Giải phóng Dân tộc để lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù, giành lại độc lập cho Tổ quốc, dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng quyết không lùi bước, xin thề!”.
Đại hội quốc dân vừa bế mạc, Bác Hồ liền viết thư kêu gọi nhân dân cả nước đứng dậy tổng khởi nghĩa. Theo lời kêu gọi của Bác Hồ, nhân dân cả nước ta đã nhất tề đứng lên khởi nghĩa và Cách mạng tháng Tám đã thành công.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()