Ngày 11-6-1948, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta bước vào giai đoạn gay go, quyết liệt, vào dịp kỷ niệm một nghìn ngày toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua yêu nước. Mục đích của cuộc thi đua yêu nước là: “diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”.
Cách làm là dựa vào “lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây: hạnh phúc cho dân”, “thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân, và sẽ giúp ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng”.
Nhân ngày 1-5, Ngày Hội lao động thế giới năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở công nhân và quân đội: “Hôm nay cả nước đang mở một phong trào thi đua ái quốc. Mỗi một người và toàn thể công nhân ta, phải ra sức xung phong trong cuộc thi đua ấy”.
Trong Thư chúc Tết Xuân Kỷ Sửu 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Người người thi đua, ngành ngành thi đua, ngày ngày thi đua, ta nhất định thắng, địch nhất định thua”. Trong Lời kêu gọi thi đua chuẩn bị Tổng phản công, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Hôm nay là ngày phát động thi đua ái quốc tiếp theo kỳ trước, cho nên tôi chỉ nói chuyện thi đua. Từ ngày Cách mạng Tháng Tám, thế giới đã ngạc nhiên và kính phục dân tộc ta vì ba điều: Điều thứ nhất là ta đã cách mạng thành công, đã phá tan xiềng xích thực dân, đã đánh đổ chế độ phong kiến, đã lập nền dân chủ cộng hòa. Điều thứ hai là ta chẳng những có sức kháng chiến mà lại chắc chắn kháng chiến thắng lợi. Điều thứ ba là ta vừa kháng chiến vừa Thi đua ái quốc”. Người cũng nêu rõ: “Vì nhiều thành tích cho nên chúng ta càng thấy rõ nhiều khuyết điểm. Tôi nêu ra đây những khuyết điểm chính để chúng ta cùng nhau sửa chữa.
Còn nhiều nơi nhân dân mà trước hết là cán bộ chưa hiểu thật rõ ràng ý nghĩa của phong trào thi đua ái quốc. Do đó, mà có những khuyết điểm như sau:
Tưởng lầm thi đua là một việc khác với những công việc làm hàng ngày. Thật ra, công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua. Thí dụ: Từ trước đến giờ ta vẫn ăn, vẫn mặc, vẫn ở. Nay ta thi đua ăn, mặc, ở cho sạch sẽ, cho hợp vệ sinh, cho khỏi đau ốm.
Xưa nay, ta vẫn làm ruộng. Nay ta thi đua làm cho đất tốt hơn, sản xuất nhiều hơn. Mọi việc đều thi đua như vậy.
Tưởng lầm rằng thi đua chỉ nhất thời. Thật ra thi đua là phải trường kỳ. Ta phải thi đua để kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công. Nhiều nơi đặt những kế hoạch thi đua không sát với hoàn cảnh, không sát với địa phương. Nơi đặt kế hoạch to quá, rồi không làm nổi. Nơi thì ban đầu làm quá ồ ạt, đến nỗi ít lâu thì đuối sức đi không tiếp tục thi đua được.
Nơi thì mỗi một đoàn thể, mỗi một ngày đều có một kế hoạch riêng mà các kế hoạch thì không ăn khớp với nhau thành thử “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Nhân dân thì bù đầu, không đủ sức mà theo các kế hoạch và không biết nên theo kế hoạch nào.
Nhiều nơi có kinh nghiệm, hoặc kinh nghiệm thành công, hoặc kinh nghiệm thất bại, nhưng không biết trao đổi cho nơi khác để tránh cái dở, học cái hay của nhau… Ái quốc cần phải nêu rõ tinh thần cần, kiệm, liêm, chính… Khẩu hiệu thi đua ái quốc hiện nay là: “Tất cả để chiến thắng, chiến thắng giặc thực dân, chiến thắng giặc dốt, chiến thắng giặc đói, chiến thắng mọi tính xấu trong mình ta”.
Vào tháng 3-1952, trong Lời kêu gọi nhân dịp phát động phong trào sản xuất, tiết kiệm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định chiều sâu của thi đua: “Phải đặt phong trào sản xuất và tiết kiệm làm trung tâm của phong trào thi đua ái quốc. Mỗi địa phương, mỗi đơn vị, mỗi gia đình đều nên ký giao kèo thi đua thực hiện kế hoạch sản xuất và tiết kiệm riêng của mình để hoàn thành kế hoạch chung của Chính phủ. Để thực hiện kế hoạch sản xuất và tiết kiệm, các cơ quan, bộ đội, nhà máy, trường học phải chống nạn tham ô, lãng phí. Phải sử dụng tiền của, sức lực và thời giờ của nhân dân cho hợp lý. Phải chống bệnh quan liêu, vì đó là nguồn gốc của nạn tham ô lãng phí”.
Từ năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi xướng phong trào Người mới việc mới trên báo Đảng, sau này gọi là Người tốt, việc tốt. Theo Người: “Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu mất dần đi”, “lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”.
Những vấn đề nêu trên cũng chính là những quan điểm cơ bản và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua, khen thưởng. Đồng thời nó càng có ý nghĩa thời sự chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XI của Đảng, thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế – xã hội năm 2010 và hướng về Đại lễ kỷ niệm Thăng Long – Hà Nội nghìn năm văn hiến.
Ý kiến ()