Chủ tịch Cuba công bố thời điểm bắt đầu tiến trình cải cách tiền tệ
Lãnh đạo Cuba nhấn mạnh việc thống nhất tiền tệ và hối đoái “không phải là giải pháp kỳ diệu” cho mọi vấn đề, song sẽ tăng cường năng suất và tạo thuận lợi cho lĩnh vực kinh doanh.
Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel (trái) và Đại tướng Raul Castro, Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba.
Theo phóng viên TTXVN tại Cuba, tối 10/12 (theo giờ địa phương), Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel thông báo kể từ ngày 1/1/2021, chính phủ nước này sẽ bắt đầu quá trình cải cách tiền tệ, đồng thời công bố thiết lập tỷ giá hối đoái 24 peso nội tệ cho 1 USD.
Với sự hiện diện của Đại tướng Raul Castro, Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch Diaz-Canel đã có bài phát biểu được phát trực tiếp trên truyền hình nhà nước Cuba, trong đó ông đề cập đến tầm quan trọng của quá trình điều tiết tiền tệ đối với sự phát triển kinh tế của đất nước.
Lãnh đạo Cuba nhấn mạnh mặc dù việc thống nhất tiền tệ và hối đoái “không phải là giải pháp kỳ diệu” cho mọi vấn đề, song bước đi này sẽ tăng cường lợi ích lao động, tăng năng suất và tạo thuận lợi cho lĩnh vực kinh doanh.
Chủ tịch Cuba cho hay các quy định pháp lý hỗ trợ cho tiến trình này đã sẵn sàng, cũng như quá trình đào tạo để thực thi tiến trình cải cách tiền tệ-vốn đã được đưa ra trong Chính sách kinh tế và xã hội của Đảng Cộng sản Cuba.
Chủ tịch Diaz-Canel khẳng định kế hoạch cải tổ hệ thống tiền tệ là một trong những nhiệm vụ phức tạp nhất mà đảo quốc Caribe phải đối mặt và thậm chí càng khó khăn hơn trong bối cảnh suy thoái toàn cầu do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, cũng như lệnh cấm vận ngày càng siết chặt từ Mỹ.
Người đứng đầu Nhà nước Cuba tuyên bố trong tiến trình cải cách tiền tệ, sẽ “không có người dân nào bị bỏ rơi” bởi chính phủ sẽ “không áp dụng liệu pháp sốc.” Bên cạnh đó, ông khẳng định sẽ không cho phép và sẽ áp dụng các hình phạt nghiêm khắc đối với vấn nạn đầu cơ.
Kể từ tháng 10 vừa qua, chính quyền Cuba đã thông báo về kế hoạch thống nhất tiền tệ, kế hoạch nằm trong Chiến lược kinh tế-xã hội của quốc gia vùng Caribe này, bao gồm việc xoá bỏ hệ thống tiền tệ kép và hối đoái, xóa bỏ một phần các khoản trợ cấp quá mức và không phù hợp, cũng như thay đổi trong thu nhập của người dân.
Từ năm 1994 tới nay, Cuba đã lưu hành song song đồng peso Cuba và đồng peso chuyển đổi. Hệ thống tiền tệ kép này giúp tạo thuận lợi cho những người hoạt động trong ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn và ngoại thương, nhưng lại gây ra khó khăn cho những người dân phải nhận lương bằng đồng peso.
Các chuyên gia kinh tế nhận định cải cách tiền tệ sẽ ảnh hưởng đến người dân Cuba trong thời gian ngắn, song sẽ đóng vai trò quan trọng trong dài hạn bởi việc tồn tại nhiều tỷ giá khác nhau sẽ khiến nền kinh tế khó vận hành thực sự./.
Ý kiến ()