Chủ tịch COP26: Chậm tiến độ huy động 500 tỷ USD hỗ trợ các nước nghèo
Canada và Đức dự báo các quốc gia phát triển có thể đạt tiến bộ đáng kể vào năm 2022, đồng thời bày tỏ tin tưởng vào khả năng sẽ đạt mục tiêu huy động hơn 100 tỷ USD viện trợ mỗi năm vào năm 2023.
Các quốc gia phát triển có thể sẽ chậm tiến độ khoảng 3 năm so với dự kiến trong thực hiện cam kết hỗ trợ tổng cộng 500 tỷ USD giúp các nước nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đây là phát biểu ngày 25/10 của ông Alok Sharma, Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 sắp tới (COP26).
Năm 2009, các quốc gia giàu cam kết sẽ huy động 100 tỷ USD mỗi năm trong vòng 5 năm kể từ 2020.
Tuy nhiên, theo nội dung kế hoạch do Canada và Đức soạn thảo trước thềm Hội nghị thượng đỉnh COP26 của Liên hợp quốc tại Scotland (Vương quốc Anh), sẽ chưa thể đạt được mục tiêu hằng năm này cho tới tận năm 2023.
Phát biểu họp báo qua truyền hình, ông Sharma nhận định thực tế trên có thể khiến các nước đang phát triển thất vọng sâu sắc.
Ông cho rằng mục đích của việc huy động tài chính theo cam kết là nhằm xây dựng lại lòng tin, do đó các quốc gia phát triển cần phải hiện thực hóa cam kết này.
Trong bản kế hoạch 12 trang, Canada và Đức đã trích dẫn nhiều dữ liệu, qua đó dự báo các quốc gia phát triển có thể đạt tiến bộ đáng kể vào năm 2022, đồng thời bày tỏ tin tưởng vào khả năng sẽ đạt mục tiêu huy động hơn 100 tỷ USD viện trợ mỗi năm vào năm 2023.
Tuy nhiên, bản kế hoạch cũng chỉ ra khu vực tư nhân chưa ủng hộ số tiền đúng như kỳ vọng. Trong khi đó, các tổ chức môi trường nhận định mức huy động 100 tỷ USD/năm gần như là không đủ.
Hãng tin Reuters (Anh) dẫn lời một nhà đàm phán khí hậu của châu Phi cho biết các quốc gia tại châu lục này kỳ vọng nguồn tiền hỗ trợ có thể tăng gấp 10 lần lên 1.300 tỷ USD/năm vào năm 2030.
Trong khi đó, Bộ trưởng Môi trường Canada Jonathan Wilkinson, đồng tác giả của bản kế hoạch trên, nhấn mạnh quy mô giảm thiểu rủi ro và thích nghi với những thách thức mà vấn biến đổi khí hậu đặt ra đòi hỏi cần tới hàng nghìn tỷ USD.
Ông Wilkinson cho rằng khu vực tư nhân cần hành động tích cực hơn nữa do nhiều dự án tư nhân, đặc biệt là các dự án năng lượng tái tạo, đang đóng vai trò ngày càng lớn trong nền kinh tế toàn cầu.
Bà Teresa Anderson, điều phối viên chính sách khí hậu tại tổ chức quốc tế chống đói nghèo ActionAid, nhận định việc đạt được mục tiêu huy động 500 tỷ USD là “mức tối thiểu cần để xây dựng lòng tin” trong các cuộc đàm phán về khí hậu.
Về phần mình, ông Nick Mabey, Giám đốc điều hành tổ chức E3G nghiên cứu về biến đổi khí hậu, đánh giá bản kế hoạch 12 trang nói trên “đáng tin cậy.”
Dự kiến, Hội nghị thượng đỉnh COP26 sẽ bắt đầu diễn ra từ ngày 31/10 ở thành phố Glasgow, Scoland (Vương quốc Anh).
Nguồn tài chính nhằm ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu là một vấn đề quan trọng đối với hội nghị lần này khi hội nghị hướng tới thúc đẩy các cam kết tham vọng lớn hơn của nhiều quốc gia nhằm hạn chế tình trạng ấm lên toàn cầu./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()