Chủ thể của sản phẩm OCOP tích cực tham gia phát triển kinh tế số
Sản xuất sản phẩm OCOP rau cải làn tại HTX rau, củ, quả sạch Gia Cát, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc
– Theo số liệu từ Chi cục Phát triển nông thôn, trên địa bàn tỉnh hiện có 61 sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm). Trong quá trình triển khai phát triển kinh tế số, rất nhiều chủ thể của sản phẩm OCOP đã tích cực tham gia mở cửa hàng số. Từ đó, hướng đến xây dựng kênh tiêu thụ mới cho sản phẩm.
Chi Lăng là một trong năm huyện đầu tiên trên địa bàn tỉnh triển khai phát triển kinh tế số giai đoạn 1 (từ ngày 20/7 đến 20/9/2021). Đây cũng là một trong những huyện có số lượng sản phẩm OCOP lớn nhất tỉnh với 11 sản phẩm. Xác định tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế số đối với việc thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm OCOP, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện đã phối hợp với các đơn vị thực hiện triển khai tập huấn, tuyên truyền về nội dung trên đến các chủ thể OCOP.
Chị Hàn Thị Hạnh (thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng), chủ cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP lạp sườn Bích Trâm cho biết: Sau khi được tuyên truyền về lợi ích của việc phát triển kinh tế số, tôi nhận thấy các sàn thương mại điện tử sẽ là kênh tiêu thụ rất tiềm năng. Với sự hỗ trợ của các đơn vị liên quan, tôi đã mở tài khoản trên sàn postmart.vn từ đầu tháng 8/2021 và đăng bán sản phẩm thành công. Bước đầu mỗi tháng, cơ sở tiêu thụ khoảng 100 kg sản phẩm thông qua cửa hàng số. Hiện nay, lượng khách đặt hàng ngày càng tăng, dự kiến trong 2 tháng cuối năm, lượng sản phẩm tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử có thể tăng gấp 2 đến 3 lần.
Ông Lương Thành Chung, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chi Lăng cho biết: Từ khi biết đến chương trình phát triển kinh tế số, toàn bộ các chủ thể OCOP trên địa bàn đều đã chủ động đề nghị hỗ trợ mở cửa hàng số, tài khoản thanh toán điện tử. Đến nay, 100% chủ thể đều đã có cửa hàng số, tài khoản thanh toán điện tử. Đồng thời, các sản phẩm OCOP của huyện đều đã được đăng bán trên 2 sàn thương mại điện tử là voso.vn và postmart.vn. Trong đó, một số gian hàng của chủ thể OCOP đã trở thành gian hàng đầu tàu. Trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp với các ngành, lĩnh vực tập huấn chuyên sâu về nội dung phát triển kinh tế số đến các chủ thể OCOP. Đồng thời, giám sát các chủ thể nhằm đảm bảo về tiêu chuẩn chất lượng, quy trình sản xuất an toàn. Từ đó, các cửa hàng số mới có thể tạo niềm tin cho khách hàng và góp phần quảng bá, khẳng định thương hiệu sản phẩm địa phương. Trong thời gian tới, huyện phấn đấu xây dựng 100% chủ thể OCOP sẽ trở thành cửa hàng đầu tàu.
Không chỉ tại Chi Lăng, tại 4 huyện còn lại triển khai phát triển kinh tế số giai đoạn 1, hầu hết các chủ thể OCOP đều đã có cửa hàng số, tài khoản thanh toán điện tử.
Còn tại các huyện, thành phố triển khai phát triển kinh tế số giai đoạn 2 (từ ngày 20/9 đến 20/12/2021), nhiều sản phẩm OCOP đã được đăng bán trên các sàn thương mại điện tử và phát sinh đơn hàng. Điển hình như các sản phẩm: vịt cổ xanh Đình Lập (huyện Đình Lập); miến dong Minh Khai (huyện Bình Gia); khoai lang Lộc Bình (huyện Lộc Bình)… Đối với một số sản phẩm, do chưa đến thời điểm thu hoạch hoặc đã qua vụ thu hoạch nên chưa thể đăng bán các sản phẩm trên các sàn. Dù vậy, các cấp, ngành cũng đã tuyên truyền và hỗ trợ đến các chủ thể OCOP mở cửa hàng số, tài khoản thanh toán điện tử và hướng dẫn cách sử dụng.
Hiện nay, việc mở cửa hàng số cho các chủ thể OCOP đang tiếp tục được thực hiện. Một số chủ thể dù chưa có sản phẩm đăng bán trên cửa hàng số nhưng đã có định hướng trong việc phát triển cửa hàng số. Ông Hoàng Văn Thuận, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Rau, củ, quả sạch Gia Cát, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc cho biết: Việc xây dựng cửa hàng số rất cần thiết để góp phần mở rộng thị trường, quảng bá sản phẩm. Dự kiến cuối tháng 11/2021, HTX sẽ đưa các sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Trong quá trình phát triển cửa hàng số, chúng tôi sẽ lựa chọn các sản phẩm tiêu thụ tốt để tập trung mở rộng quy mô sản xuất đối với các sản phẩm đó.
Mặc dù không có thống kê cụ thể từ các đơn vị song theo tìm hiểu từ phòng NN&PTNT các huyện, tính đến đầu tháng 11, đã có khoảng 40 sản phẩm OCOP được đăng bán trên 2 sàn thương mại điện tử là voso.vn và postmart.vn. Trong đó, có gần 30 sản phẩm tại 5 huyện đã triển khai phát triển kinh tế số giai đoạn 1 (Chi Lăng, Hữu Lũng, Văn Quan, Tràng Định, Bắc Sơn).
Theo đánh giá từ Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, chương trình phát triển kinh tế số có tác động rất tích cực đến việc thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm OCOP. So với các sản phẩm thông thường, sản phẩm OCOP có lợi thế rất lớn để tiêu thụ qua các sàn thương mại điện tử. Trong đó, toàn bộ các sản phẩm đều có quy trình sản xuất rõ ràng, đáp ứng tốt về tem truy xuất nguồn gốc, nhãn mác, mẫu mã, bao bì… Trên cơ sở đó, chắc chắn các sản phẩm OCOP sẽ dễ dàng hơn trong việc tạo niềm tin đối với khách hàng trên các sàn thương mại điện tử.
Ông Phạm Tuyến, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết: Là đơn vị phụ trách triển khai trương chình OCOP, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với Phòng NN&PTNT các huyện phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền, vận động các chủ thể OCOP tích cực tham gia phát triển kinh tế số. Qua đó, các chủ thể nhận thức rõ lợi ích của việc đưa các sản phẩm lên sàn trong việc quảng bá sản phẩm của mình và phát triển thị trường rộng hơn nữa. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để các chủ thể chú trọng chất lượng sản phẩm. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị thực hiện giám sát quy trình sản xuất đối với các sản phẩm và kịp thời vận động các chủ thể đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử ngay khi được công nhận là sản phẩm OCOP. Qua đó, hướng đến việc đưa 100% sản phẩm OCOP lên sàn trong tương lai.
Trong phát triển kinh tế số, các chủ thể của sản phẩm OCOP là những nhân tố hàng đầu, có tiềm năng lớn để xây dựng các cửa hàng đầu tàu, siêu đầu tàu. Do vậy, hiện nay, các cấp, ngành và các đơn vị liên quan đang tiếp tục rà soát, kịp thời hỗ trợ các chủ thể trên tham gia các sàn thương mại điện tử. Từ đó, góp phần thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm OCOP
Ý kiến ()