Chủ quyền không gian mạng và trí tuệ nhân tạo - hai thành phần quan trọng bảo đảm sự đột phá của cách mạng chuyển đổi số quốc gia
Những quan điểm chiến lược trong bài viết “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có ý nghĩa là nền tảng trong lý luận và thực tiễn, thể hiện tầm nhìn phù hợp xu thế phát triển của thời đại. Đó là sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, nhất là các công nghệ số trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Để bảo đảm cho sự thành công của chiến lược nêu trên, chủ quyền quốc gia trên không gian mạng phải được khẳng định và bảo vệ. Bên cạnh đó, sự đột phá của Việt Nam trong kỷ nguyên mới đến từ trình độ phát triển của lực lượng sản xuất trong không gian số, mà trong đó trình độ phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo do Việt Nam phát triển có vai trò quyết định. Do vậy, chủ quyền quốc gia trên không gian mạng và công nghệ trí tuệ nhân tạo là hai thành phần cốt yếu trong cuộc cách mạng số của chúng ta.
Công nghệ trí tuệ nhân tạo là mũi nhọn đột phá
Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề cập những quan điểm có tính khoa học trong chủ nghĩa Mác-Lênin nhưng với hơi thở của thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là chuyển đổi số. Chuyển đổi số sẽ tác động trực tiếp tới mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh của đất nước.
Bên cạnh thế giới vật lý thực tại, chuyển đổi số mở rộng không gian phát triển của mỗi quốc gia bằng việc đưa nhiều hoạt động kinh tế truyền thống lên thế giới số, tạo thêm nhiều hoạt động và giá trị vật chất trên đó và chuyển ngược trở lại thế giới thực. Thậm chí, với xu hướng phát triển như vũ bão của các công nghệ số, tỷ lệ quy mô kinh tế số với kinh tế truyền thống đang tăng nhanh và sẽ vượt qua quy mô kinh tế truyền thống trong tương lai.
Thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã làm thay đổi căn bản mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó tư liệu sản xuất chuyển mạnh từ hữu hình (trong thế giới vật lý) sang vô hình (thế giới số). Trong lý luận Mác-Lênin, lực lượng sản xuất gồm tư liệu sản xuất, công cụ sản xuất và nguồn nhân lực. Quy trình sản xuất cơ bản được hiểu là, với tư liệu sản xuất dưới dạng nguyên liệu đầu vào, nguồn nhân lực sử dụng các công cụ sản xuất để chế tạo ra những sản phẩm cuối tới người sử dụng hoặc dạng sản phẩm trung gian sử dụng trong những quy trình sản xuất tiếp theo. Những sản phẩm dù ở dạng nào cũng có giá trị kinh tế và đều được coi là tư liệu sản xuất dưới dạng đầu ra. Với thế giới số, những yếu tố này biểu hiện như thế nào?
Đầu tiên, tư liệu sản xuất đã chuyển từ dạng tài nguyên thô, quặng kim loại, than đá, dầu khí, gỗ, nông sản truyền thống sang dữ liệu. Trong quá trình chuyển đổi số, dữ liệu là nguyên liệu được sinh ra từ các hoạt động ứng dụng công nghệ số. Nó lại được sử dụng như một dạng tài nguyên với chức năng là nguyên liệu đầu vào của các quá trình sản xuất dựa trên công nghệ số khác.
Như vậy, khía cạnh tư liệu sản xuất trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ gồm các tư liệu sản xuất hữu hình (nguyên vật liệu nông sản, than đá, quặng và khoáng chất...) và các tư liệu sản xuất số (dữ liệu, bản quyền, tri thức). Dữ liệu trở thành nguồn tài nguyên quan trọng của mỗi quốc gia, thậm chí quy mô của chúng là vô hạn trên không gian mạng. Chúng được sinh ra với dung lượng lớn bởi các công cụ sản xuất tiên tiến và nguồn nhân lực trên không gian số.
Tiếp theo, nguồn nhân lực (sức lực cơ bắp và trí tuệ) được hình thành thông qua việc số hóa các biểu diễn của tri thức, trí tuệ của con người. Về bản chất, tri thức và trí tuệ được mô phỏng bởi những mô hình số với lượng dữ liệu tri thức vô cùng lớn nằm trong não bộ con người cũng như cách thức não bộ vận hành, suy diễn. Một số công nghệ trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence-AI) mô phỏng não bộ điển hình là các mạng nơ-ron thần kinh (neural network), mạng học sâu (deep learning).
Trong thời đại hiện nay, nguồn nhân lực chính là thành tố quan trọng nhất của lực lượng sản xuất. Do đó, AI chính là chất lượng của nguồn nhân lực trên không gian số. Nó là thành phần quyết định sự đột phá của năng suất lao động, đặc biệt cấp độ sáng tạo của lao động, trên tổng thể quy mô kinh tế số của mỗi quốc gia. Đối với Việt Nam, công nghệ AI được phát triển và ứng dụng phục vụ kinh tế số sẽ có vai trò tiên quyết, tạo dựng nên sự đột phá về giá trị kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thế giới, đưa Việt Nam tiến mạnh trong kỷ nguyên mới.
Đối với các công cụ sản xuất trên không gian số, chúng là các công nghệ nền tảng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư như AI, Internet vạn vật (Internet of Things-IoT), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud)... Sự đặc biệt của AI nằm ở chỗ, nó vừa là nguồn nhân lực, vừa là công cụ sản xuất trong không gian số. IoT có thể được hiểu là các “mỏ” dữ liệu vì các thiết bị tương thích IoT, như máy quan trắc môi trường, vệ tinh viễn thám, camera giao thông, các thiết bị đo đếm công-tơ điện tại mỗi hộ gia đình, các thiết bị smartphone của mỗi người dân..., đều liên tục thu thập thông tin chung quanh và tạo ra dữ liệu từ thế giới thực.
Thông qua kênh kết nối internet, nguồn tài nguyên dữ liệu được tải thẳng từ các “mỏ quặng” về các bãi tập kết, trạm trung chuyển trước khi đưa về kho chứa trung tâm. Cuộc sống số thời đại ngày nay với đầy đủ tiện ích của chúng ta là khu mỏ vô tận dữ liệu được sinh ra hàng ngày, hàng giờ. Khi công nghệ số ngày càng phổ biến trong cuộc sống của chúng ta (quy mô kinh tế số và sức phổ biến của xã hội số lên tầm cao mới), dữ liệu thậm chí được tạo ra với tốc độ cấp số nhân.
Dung lượng khổng lồ dữ liệu được tạo ra trong không gian mạng và cần có nơi cất giữ, lưu trữ trước khi chúng được đưa vào các dây chuyền sản xuất. Thời điểm này thể hiện vai trò của dữ liệu lớn - các nhà kho thông minh dùng cho việc lưu trữ vật tư dữ liệu với dung lượng cực lớn, có khả năng quản lý xuất nhập vật tư một cách thông minh, hiệu quả và đưa vật tư đến đúng công xưởng, dây chuyền sản xuất phù hợp. Điện toán đám mây và tính toán hiệu năng cao với các siêu chip AI tốc độ cực lớn chính là những công xưởng sản xuất thông tin dữ liệu.
Bằng việc coi các vật tư số trong các kho lưu trữ dữ liệu lớn là nguyên liệu đầu vào, các siêu chip AI này kết hợp các mô hình AI tích hợp trên các hạ tầng chip đó vận hành, khai thác, sản xuất sản phẩm số trên các dây chuyền tính toán siêu nhanh. Về bản chất, các siêu chip và mô hình AI chính là các não bộ để tạo ra các sản phẩm số, các tri thức mới ở đầu ra của dây chuyền sản xuất. Các tri thức này có giá trị vật chất rất cao khi nó được truyền tải trở về thế giới thực.
Trong thời điểm bùng nổ của công nghệ trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI) hiện nay, các sản phẩm tri thức đầu ra từ dây chuyền sản xuất số phổ biến dưới dạng các phản hồi chính xác, hiệu quả của những trợ lý ảo thông minh tới người dùng (dựa trên các dữ liệu có trong hàng triệu văn bản, tài liệu, sách báo đã được số hóa và huấn luyện, thí dụ: ChatGPT của OpenAI).
Các tri thức này cũng có thể là các dự báo biến đổi khí hậu, ảnh hưởng mưa bão, nguy cơ sạt lở đất tại những vùng có khả năng chịu ảnh hưởng (dựa trên hình ảnh viễn thám từ các vệ tinh, AI có thể phân tích, phỏng đoán đường đi và quy mô của những cơn bão, sau đó phối hợp với dữ liệu thông tin địa lý GIS và môi trường để đánh giá nguy cơ của bão lũ lên từng khu vực chịu ảnh hưởng). Các dự báo này có thể giảm thiệt hại, số lượng nạn nhân thương vong nếu chúng ta có hành động phòng ngừa thảm họa kịp thời dựa trên những kịch bản mà AI dự đoán.
Thậm chí, AI có thể chỉ ra các lỗ hổng quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính, phát hiện các giao dịch tài chính khả nghi trong một mạng lưới các pháp nhân liên kết chặt chẽ, nhiều giao dịch mua bán hàng hóa dịch vụ nhằm thực hiện các hành vi gian lận, trốn thuế. Dựa trên hàng tỷ các hóa đơn tài chính được số hóa tại Việt Nam hiện nay, AI có thể phân tích một đồ thị siêu lớn với hàng triệu nút đại diện cho hàng triệu các tổ chức, doanh nghiệp trong nền kinh tế, và hàng tỷ mối liên kết có hướng giữa chúng, từ doanh nghiệp xuất hóa đơn tài chính tới doanh nghiệp nhận hóa đơn.
Các phân tích học sâu trên siêu đồ thị này giúp chúng ta phát hiện ra nhóm các nút doanh nghiệp khả nghi (cluster, thậm chí quy mô tới hàng trăm doanh nghiệp) mua bán hóa đơn lòng vòng với nhau để trốn thuế... Việc phân tích đồ thị liên kết các doanh nghiệp để phát hiện ra các mạng lưới doanh nghiệp khả nghi kể trên là bất khả thi trong phương thức sản xuất cũ dựa vào việc rà soát thủ công bởi nhân lực cán bộ ngành thuế. Tóm lại, tất cả những tri thức này được tạo ra, phát hiện bởi AI trong không gian mạng và đem lại giá trị kinh tế-xã hội, an ninh-trật tự to lớn cho thế giới thực.
Trong cuộc cạnh tranh toàn cầu trong kỷ nguyên mới dựa trên khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo với chất liệu chính là trí tuệ, với kinh tế số, mỗi quốc gia phải hết sức quan tâm công nghệ nào (tức là công cụ sản xuất) đem lại sự gia tăng giá trị cao nhất. Ở đây, AI, IoT, Big Data và Cloud là các công cụ sản xuất quan trọng.
Tất cả lại dựa vào AI (nguồn nhân lực trong thế giới số) để vận hành, chuyển hóa các tài nguyên dữ liệu thành tri thức, sản phẩm trí tuệ đem lại giá trị vật chất to lớn trong nền kinh tế thực của quốc gia. Điều này khẳng định vai trò đột phá của AI đối với năng lực kinh tế số nói riêng, tổng thể kinh tế Việt Nam nói chung. Nó hoàn toàn nhất quán với quan điểm lý luận trong bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: “Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn và điện toán đám mây đang dần trở thành những công cụ sản xuất quan trọng trong nhiều ngành, lĩnh vực”.
Ý kiến ()