Chủ quyền Gibraltar: Chưa có dấu hiệu giảm nhiệt
Ngày 16/8, Thủ tướng Anh David Cameron đã đề nghị Liên minh châu Âu (EU) cử lực lượng giám sát viên tới tuyến đường biên giới giữa vùng lãnh thổ Gibraltar và Tây Ban Nha để đảm bảo rằng sẽ không còn những biện pháp tăng cường kiểm soát người và phương tiện giao thông qua lại khu vực này.
Ngày 16/8, Thủ tướng Anh David Cameron đã đề nghị Liên minh châu Âu (EU) cử lực lượng giám sát viên tới tuyến đường biên giới giữa vùng lãnh thổ Gibraltar và Tây Ban Nha để đảm bảo rằng sẽ không còn những biện pháp tăng cường kiểm soát người và phương tiện giao thông qua lại khu vực này.
Trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) José Manuel Barroso, ông Cameron tái khẳng định lập trường của Anh rằng việc nhà chức trách Tây Ban Nha áp dụng những biện pháp bổ sung nhằm tăng cường kiểm soát người và phương tiện qua lại khu vực biên giới với Gibraltar là “không phù hợp” và “thiếu cân đối.”
Ông còn cáo buộc những biện pháp này “mang động cơ chính trị,” trái với quy định về tự do đi lại của EU.
Yêu cầu cử giám sát viên được đưa ra trong bối cảnh tranh cãi ngoại giao giữa Anh và Tây Ban Nha về chủ quyền đối với vùng lãnh thổ Gibraltar chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.
Chính phủ Anh đã bắt đầu thu thập các chứng cứ để chứng minh rằng việc Tây Ban Nha áp dụng biện pháp bổ sung là trái luật, và đang cân nhắc khả năng khởi kiện nước này.
Theo người phát ngôn Chính phủ Anh, ông Cameron nhấn mạnh rằng EC có trách nhiệm cử lực lượng giám sát viên tới Gibraltar, bởi đây cũng chính là chức năng và vai trò của cơ quan này trong quá trình thực thi luật pháp của EU.
Đáp lại, ông Barroso khẳng định rằng EC vẫn đang theo dõi sát sao những diễn biến liên quan đến vấn đề Gibraltar, và sẽ không ngần ngại áp dụng các biện pháp cần thiết để duy trì luật lệ của EU.
Gibraltar là vùng lãnh thổ hải ngoại nằm dưới quyền kiểm soát của Anh kể từ năm 1713. Từng là thuộc địa của Tây Ban Nha, vùng lãnh thổ này có vị trí chiến lược quan trọng, bởi nó án ngữ lối vào Địa Trung Hải, mặc dù chỉ rộng 6,8km2 và có 30.000 dân.
Tranh cãi bắt đầu nổ ra từ cuối tháng 7/2013 khi chính quyền Gibraltar thả 70 khối bê tông xuống biển nhằm xây dựng rặng san hô nhân tạo.
Tây Ban Nha cáo buộc hành động này đã gây cản trở hoạt động đánh bắt cá của ngư dân ở những vùng biển xung quanh. Và họ đã đáp trả bằng cách siết chặt an ninh ở khu vực biên giới giáp với Gibraltar, hạn chế máy bay từ bán đảo này bay vào không phận Tây Ban Nha, kiểm tra tài chính những người Gibraltar sở hữu tài sản ở Tây Ban Nha, thậm chí còn dọa áp phí 50 euro mỗi lần đối với những người qua lại cửa khẩu biên giới./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()