Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên CNXH: Thực sự vì con người
Cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đúc kết thành tựu phát triển lý luận và tổng kết thực tiễn mới nhất của Đảng ta về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dày gần 500 trang, gồm tập hợp hệ thống 29 bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư từ khi chuẩn bị xây dựng Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đến nay.
Ngay sau khi ra mắt, cuốn sách đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân, bởi đây là những tác phẩm đã đúc kết thành tựu phát triển lý luận và tổng kết thực tiễn mới nhất của Đảng ta về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội
Các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá, cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một công trình có tầm khái quát lý luận cao, tổng kết thực tiễn sâu sắc về những phát triển sáng tạo riêng có của Đảng ta về mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam, trên cơ sở vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Các bài viết đã phân tích, thấu triệt bản chất, giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội trên các bình diện chính trị, kinh tế, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… bằng những ngôn ngữ giàu hình ảnh, cách diễn đạt hết sức dung dị, gần gũi, dễ hiểu đối với mọi tầng lớp nhân dân.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương Tạ Ngọc Tấn, các bài viết, bài nói được tuyển chọn trong cuốn sách gồm bốn nội dung cơ bản: Chủ nghĩa xã hội là gì? Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa; Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; Thực tiễn công cuộc đổi mới, đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong thời gian qua có ý nghĩa gì và đặt ra vấn đề gì.
Về chủ nghĩa xã hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khái quát những thành tựu quan trọng, cơ bản của Đảng ta trong việc vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin phù hợp với điều kiện lịch sử, cụ thể của nước ta.
Từ một lý thuyết khoa học của K.Marx và Friedrich Engels, sau Cách mạng Tháng Mười Nga, chủ nghĩa xã hội hiện thực đã ra đời, trở thành một động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển của lịch sử nhân loại theo con đường tiến bộ, nhân văn, vì công bằng, hạnh phúc cho con người.
Do những giá trị vô cùng tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các nhà cách mạng tiền bối nước ta đã lựa chọn con đường phát triển theo chủ nghĩa xã hội cho Việt Nam, tổ chức và rèn luyện Đảng Cộng sản để lãnh đạo nhân dân ta vượt qua muôn vàn gian khổ hy sinh, từng bước hiện thực hóa những giá trị đó thành thực tế sinh động trên đất nước ta.
Những giá trị ấy không chỉ được tổng kết về lý luận, mà đã được kiểm chứng bằng chính thực tiễn công cuộc xây dựng, phát triển đất nước của chúng ta. Đó là: “một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người;” “sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội;” “một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn;” “sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai;” “một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân.”
Chính những giá trị đích thực ấy của chủ nghĩa xã hội đã trở thành mục tiêu, định hướng con đường cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn, tin tưởng và đang kiên định thực hiện.
Trên con đường từng bước xây dựng chủ nghĩa xã hội, từ thực tiễn của công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, Đảng ta đã tổng kết, rút ra những nhận thức tổng quát về chủ nghĩa xã hội với 8 đặc trưng cơ bản.
Các đặc trưng ấy là nội dung của mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam, một thành tựu phát triển sáng tạo lý luận riêng có của Đảng ta. Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là kết quả tìm tòi về lý luận, tổng kết thực tiễn của Đảng ta, là mô hình phát triển đặc thù của Việt Nam, phù hợp với điều kiện của giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội và đặc điểm của đất nước.
Trên cơ sở phân tích, lý giải về kinh tế thị trường nói chung, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm rõ nhận thức của Đảng ta về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chỉ ra và khẳng định thuộc tính quan trọng, đặc trưng cơ bản làm nên sự khác biệt của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam với những nền kinh tế thị trường khác. Đó là nền kinh tế “gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.”
Bàn về văn hóa trong mối quan hệ với kinh tế nói riêng và với các lĩnh vực đời sống xã hội nói chung, đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Chúng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.”
Như vậy, văn hóa không chỉ được khẳng định là một trong bốn trụ cột chính sách quyết định của Đảng về xây dựng, phát triển đất nước, mà văn hóa còn là sự bảo đảm cho định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế, thể hiện tính nhân văn, ưu việt của chế độ với mục đích hướng tới con người, vì hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của con người.
Nội dung về phát triển kinh tế-xã hội được thể hiện trong nhiều bài nói, bài viết khác nhau trong cuốn sách. Khi phát biểu trước Chính phủ nhiệm kỳ mới, Tổng Bí thư đề cập toàn diện, khái quát về những nội dung, nhiệm vụ kinh tế-xã hội chung nhất. Nội dung vấn đề kinh tế-xã hội cũng gắn với trách nhiệm của từng ngành, lĩnh vực trong việc trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia giải quyết các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Về vấn đề phát triển văn hóa, con người, xuất phát từ luận điểm nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi,” đồng chí Tổng Bí thư đã phân tích, chỉ ra quá trình phát triển, hoàn thiện nhận thức của Đảng ta về văn hóa và con người, trong đó văn hóa được coi là một trong bốn trụ cột chính sách, là nền tảng tinh thần, đồng thời cũng là nguồn lực nội sinh, động lực phát triển kinh tế-xã hội. Từ đó, Tổng Bí thư đi đến nhận định: “Đảng ta khẳng định: Trọng tâm xây dựng và phát triển văn hóa là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.”
Đây là một vấn đề có tính quy luật, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bởi xét cho cùng, mọi sự phát triển đều do con người và vì con người.
Đề cập lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong điều kiện mới của đất nước và bối cảnh chung của thế giới, đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo của Đảng ta đã được thể hiện nhất quán trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Từ quan điểm chỉ đạo chung này, các nội dung về đường lối, định hướng, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đối ngoại cụ thể đã được đồng chí Tổng Bí thư phân tích rất sâu sắc.
Từ việc tổng kết thực tiễn công tác đối ngoại, ngoại giao của Đảng, Nhà nước ta, Tổng Bí thư đã khái quát về trường phái ngoại giao “Cây tre Việt Nam” – mang đậm bản sắc dân tộc, “dĩ bất biến ứng vạn biến,” “giữ trái tim nóng, cái đầu lạnh,” “kiên quyết, kiên trì để xử lý các thách thức đối ngoại một cách mềm mại mà hiệu quả, tranh thủ các điểm tương đồng về lợi ích để thúc đẩy hợp tác và phát triển, bảo vệ tối đa lợi ích của dân tộc.
Việc xây dựng, phát triển và phát huy vai trò của trường phái ngoại giao “Cây tre Việt Nam” là điều kiện, cơ sở để hoạt động đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hoàn thành được nhiệm vụ cơ bản đặt ra là: “Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước.”
Các vấn đề về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong cuốn sách với gần một nửa số bài viết, phản ánh vai trò, vị trí có ý nghĩa quyết định của vấn đề xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đối với sự nghiệp cách mạng nói chung và công cuộc đổi mới nói riêng, cả về phương diện lý luận và trên thực tế.
Nội dung các vấn đề về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị bao quát một cách toàn diện, từ cơ sở lý luận chung đến những vấn đề cụ thể hóa về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp về công tác tư tưởng, tổ chức, cán bộ, kiểm tra, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, các tổ chức nhân dân.
Mục đích hướng tới của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là xây dựng “Một đảng cách mạng chân chính có đường lối đúng, có tổ chức chặt chẽ, có đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, gương mẫu, tận tụy, gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân ủng hộ”, một đảng “có sức mạnh vô địch, không thế lực nào ngăn cản nổi trên con đường dẫn dắt dân tộc đi lên.”
Các vấn đề lý luận và thực tiễn của cách mạng Việt Nam
Nhấn mạnh đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ là nhà lãnh đạo cao nhất, người đứng đầu của Đảng ta, mà còn là một nhà khoa học, nhà lý luận lớn của Đảng, ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ chỉ trong 2 năm gần đây, Tổng Bí thư đã có 6 tác phẩm mang giá trị lý luận và thực tiễn rất sâu sắc trên nhiều luận điểm.
Mỗi một cuốn sách của Tổng Bí thư đều đề cập rất sâu sắc các vấn đề lý luận cũng như thực tiễn của cách mạng nước ta, đúng như tinh thần Tổng Bí thư hay nói là phải bắt đầu từ tổng kết thực tiễn để trên cơ sở đó, vận dụng phát triển sáng tạo, hoàn thiện lý luận về sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Ông Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ cuốn sách trả lời rất thuyết phục cho câu hỏi mà nhiều lần Tổng Bí thư nêu ra cho giới lý luận chính trị Việt Nam: Có hay không nền lý luận cách mạng Việt Nam, lý luận về chủ nghĩa xã hội Việt Nam? Với cuốn sách này, chúng ta thấy đây là câu trả lời rất rõ ràng: Chúng ta có chủ nghĩa xã hội Việt Nam, của Nhân dân Việt Nam, do con người Việt Nam của chúng ta xây dựng. Các bài viết của đồng chí Tổng Bí thư luôn khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định thành công và cội nguồn của sức mạnh, năng lực nội sinh lực, động lực, đấy là Nhân dân Việt Nam.
“Cuốn sách đã làm sáng tỏ bản chất, đặc trưng, lộ trình, bước đi về những vấn đề có tính quy luật của chủ nghĩa xã hội Việt Nam, do nhân dân Việt Nam thực hiện, thể hiện rất nổi bật với ba trụ cột là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Do vậy cuốn sách không những là cẩm nang cho giới nghiên cứu lý luận, mà còn là chỉ dẫn hết sức quý báu cho các đồng chí lãnh đạo, quản lý mọi ngành, mọi cấp, ở cả Trung ương và địa phương trong việc nghiên cứu, quán triệt, học tập, xây dựng chương trình hành động và tổ chức triển khai thực hiện” – ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Theo Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật Phạm Minh Tuấn, qua nội dung các bài viết của Tổng Bí thư trong cuốn sách, chúng ta thêm hiểu, thêm vững tin rằng xã hội xã hội chủ nghĩa với giá trị cốt lõi, bền vững và tốt đẹp mà nhân loại hướng tới là một xã hội “thực sự vì con người; sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội; một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn; sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai; một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân.”
Đây cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và phấn đấu thực hiện./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()