Chữ ký số quản lý thuế: Đừng để nước đến chân mới nhảy
LSO - Cùng với tiến trình cải cách hiện đại hóa thuế thì chữ ký số quản lý thuế trở thành một nhu cầu tất yếu của các doanh nghiệp. Thế nhưng sau một thời gian triển khai, chữ ký số không được số đông doanh nghiệp đón nhận mặn mà. Đây thực sự là một rào cản trong hiện đại hóa thuế, thực hiện Luật Quản lý thuế. Và hơn thế là chậm đổi mới trong khi hiện đại hóa thuế ngày một quyết liệt.
LSO – Cùng với tiến trình cải cách hiện đại hóa thuế thì chữ ký số quản lý thuế trở thành một nhu cầu tất yếu của các doanh nghiệp. Thế nhưng sau một thời gian triển khai, chữ ký số không được số đông doanh nghiệp đón nhận mặn mà. Đây thực sự là một rào cản trong hiện đại hóa thuế, thực hiện Luật Quản lý thuế. Và hơn thế là chậm đổi mới trong khi hiện đại hóa thuế ngày một quyết liệt.
Hiện toàn tỉnh Lạng Sơn có 1.432 doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Các doanh nghiệp ở Lạng Sơn chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Phần lớn số doanh nghiệp này làm dịch vụ xuất nhập khẩu hàng hóa. Thực hiện Luật Quản lý thuế, hiện đại hóa thuế, các doanh nghiệp bắt buộc phải kê khai thuế điện tử, tiến tới kê khai thuế tự động. Để đồng bộ, ngành thuế, kho bạc, ngân hàng, hải quan đã kết nối mạng quản lý thống nhất mã số thuế, trùng mã số hải quan. Điều đó sẽ rất thuận tiện cho các doanh nghiệp nộp thuế, quản lý xuất nhập khẩu. Với tiện ích ấy, doanh nghiệp có thể ở mọi nơi, mọi lúc nộp thuế, kê khai hải quan điện tử, đóng thuế qua ngân hàng. Và như vậy sẽ tiết kiệm thời gian, chi phí doanh nghiệp, hạn chế tiếp xúc trực tiếp. Theo ông Hứa Thanh Hà, Cục trưởng Cục Thuế Lạng Sơn, đây là mối lợi với người nộp thuế tới mức không gì lợi hơn được nữa. Để hiện đại hóa, các doanh nghiệp bắt buộc phải có chữ ký số. Hiện nay toàn tỉnh có 5 đơn vị được cấp phép cung cấp, quản lý, bảo mật chữ ký số đã tham gia cung cấp. Ở giai đoạn đầu hầu hết các đơn vị này thực hiện miễn phí. Chỉ cần doanh nghiệp đủ tư cách pháp nhân, có máy tính nối mạng. Thế nhưng trong quá trình thực hiện các doanh nghiệp không mấy mặn mà với chữ ký số. Năm 2012, Lạng Sơn được Tổng Cục Thuế giao chỉ tiêu thực hiện 200 doanh nghiệp có chữ ký số. Ở giai đoạn đầu triển khai, Công ty Mi Sa, Công ty FPT thực hiện đào tạo, hướng dẫn triển khai khá đồng bộ. Chật vật mãi mới có 60 doanh nghiệp tham gia mở chữ ký số. Theo ông Trần Đăng Định, kỹ thuật viên Công ty Mi Sa, phần lớn các doanh nghiệp ngại động chạm đến công nghệ thông tin. Trong khi họ vẫn có thể khai thủ công được nên cứ theo nếp cũ. Thứ nữa doanh nghiệp ngại đầu tư công nghệ, ngại kê khai các thủ tục mà họ chưa làm bao giờ chứ hoàn toàn không phải lý do tài chính. Bởi tài chính cho chữ ký số rất nhỏ, thậm chí miễn phí ở giai đoạn đầu. Hiểu đơn giản chữ ký số là chữ ký của người đại diện được số hóa và xác nhận, đảm bảo trên Internet. Như vậy không có gì phức tạp. Trong năm 2012 và 3 tháng đầu năm 2013, Lạng Sơn có gần 2.000 doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua địa bàn. 70% số doanh nghiệp đó đã kê khai thuế điện tử, khai hải quan từ xa, không ít doanh nghiệp đã khai hải quan tự động, kê khai thuế qua mạng. Ông Lê Đình Tường, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty Hà Tường Hà Nội khẳng định, kê khai thuế sử dụng chữ ký số, khai báo điện tử là một tất yếu khách quan trong tiến trình hiện đại hóa thuế và doanh nghiệp. Vì vậy anh không làm trước cũng phải làm sau. Và càng làm nhanh càng có lợi trong quản lý thuế, được hưởng các chính sách ưu tiên. Nói một cách hình ảnh, mọi người đi bằng phương tiện hiện đại, còn anh mãi vẫn đi bộ thì sẽ chậm thôi.
Để hiện đại hóa thuế, chữ ký số trong quản lý thuế là một tất yếu khách quan. Luật Quản lý thuế quy định bắt buộc doanh nghiệp phải dùng chữ ký số, kê khai nộp thuế qua mạng chậm nhất từ ngày 1/7/2013. Thế nhưng hiện doanh nghiệp Lạng Sơn đăng ký chữ ký số còn quá ít. Con số 60/1.432 doanh nghiệp đã phản ánh điều đó. Nhưng thời gian không còn bao xa, nếu không chủ động thì chắc chắn nhiều doanh nghiệp sẽ bị chậm chân, trong khi làn sóng hiện đại hóa đang dâng trào.
ĐÔNG BẮC
Ý kiến ()