Chữ ký số hỗ trợ thiết thực trong công tác quản lý giáo dục
– Chữ ký số là một dạng chữ ký điện tử được mã hóa dữ liệu, thông tin của một cá nhân, doanh nghiệp dùng thay cho chữ ký truyền thống trên các văn bản, tài liệu số khi giao dịch điện tử trên không gian mạng. Ứng dụng chữ ký số trong ngành giáo dục giúp cán bộ, quản lý giải quyết được nhiều công việc liên quan. Chính vì vậy, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Lạng Sơn đã tích cực triển khai nội dung này.
Bà Phan Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Trong thực tế công tác chuyên môn của mình, mỗi cán bộ quản lý, giáo viên phải thực hiện và quản lý nhiều loại văn bản và sổ sách (học bạ, sổ điểm, sổ báo giảng, sổ đầu bài, giáo án, kế hoạch của giáo viên…). Việc quản lý nhiều loại văn bản, tài liệu như vậy cần có không gian lưu trữ và đòi hỏi mỗi cán bộ, giáo viên cần nhiều thời gian để xử lý và đặc biệt là phải sử dụng chữ ký tươi thì mất nhiều thời gian và công sức. Trước thực tế đó, từ năm 2021, Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) triển khai thực hiện chuyển đổi số trong ngành giáo dục.
Lãnh đạo Trường THCS Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn theo dõi báo cáo điện tử thống kê số lượng học sinh nghỉ học
Cụ thể: Sở GĐ&ĐT đã phối hợp với Sở TT&TT đề nghị Ban Cơ yếu Chính phủ cấp chữ ký số cho 100% cán bộ, giáo viên trong tỉnh. Kết quả: đến thời điểm này, toàn ngành có 17.800 chữ ký số được cho cán bộ quản lý, giáo viên. Chữ ký số được Ban Cơ yếu Chính phủ hỗ trợ và miễn phí thời gian sử dụng trong 5 năm. Với kết quả này, đến hiện tại, Lạng Sơn là tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành chỉ tiêu 100% trường học ứng dụng công nghệ số, chữ ký số trong công tác quản lý dạy và học và tiến độ thực hiện công tác này đã hoàn thành xong trước 4 năm so với Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đề ra.
Thực hiện yêu cầu của Sở GD&ĐT và sau khi được cấp chữ ký số, 675/675 trường ở các cấp học trong tỉnh đã yêu cầu các cán bộ, giáo viên thực hiện ký số vào các văn bản, tài liệu điện tử theo quy định như: sổ điểm, học bạ, sổ đăng bộ… Ngoài ra, một số trường học đã chủ động chuyển đổi số, sử dụng chữ ký số để ký sổ báo giảng, sổ đầu bài, giáo án, sổ chủ nhiệm, kế hoạch dạy học, báo cáo… góp phần mang lại hiệu quả trong công tác.
Ghi nhận tại Trường THCS Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn cho thấy: từ đầu năm 2022, nhà trường triển khai việc sử dụng chữ ký số trên các văn bản, tài liệu điện tử. Đến nay, 95% cán bộ, giáo viên được cấp chữ ký số, 70% nhiệm vụ công việc hành chính và các văn bản, tài liệu được số hóa và sử dụng chữ ký số. Bên cạnh số hóa sổ đăng bộ, sổ điểm, học bạ theo quy định của Sở GD&ĐT, nhà trường đã số hóa nhiều sổ sách khác như: giáo án, kế hoạch dạy học, sổ chủ nhiệm, kế hoạch của giáo viên, báo cáo, điểm nền nếp của học sinh, điểm danh…
Thầy Đặng Tuấn Cường, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Qua sử dụng cho thấy, chữ ký số giúp cán bộ quản lý, giáo viên chủ động trong việc ký duyệt văn bản, tài liệu số. Cùng đó, công việc liên quan đến sổ sách điện tử đã được xử lý nhanh hơn so với thời điểm trước khi áp dụng; công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo điều hành đối với từng cá nhân cũng thuận lợi hơn. Nếu như trước khi áp dụng chữ kỹ số, giáo viên mất cả tuần để xử lý sổ sách dịp đầu năm học hoặc kết thúc các học kỳ thì nay, thời gian giảm xuống còn khoảng 1 buổi, giáo viên cùng lúc có thể ký hàng chục trang sổ sách với thao tác dễ dàng.
Thời gian tới, Sở GD&ĐT tiếp tục quan tâm triển khai công tác số hóa trong các trường học; yêu cầu các nhà trường tăng cường tập huấn, kỹ năng để cán bộ, giáo viên sử dụng thành thạo việc sử dụng các văn bản điện tử và sử dụng chữ ký số, đồng thời chú trọng công tác bảo mật thông tin để tạo môi trường thuận lợi và an toàn khi sử dụng.
USB chứa chữ ký số là một thiết bị đã chứa các dữ liệu mã hóa và thông tin của một tổ chức, cá nhân, dùng để xác nhận hay cho chữ ký của tổ chức, cá nhân đó trên các loại văn bản và tài liệu số được thực hiện trong các giao dịch điện tử qua mạng Internet. Chữ ký số có thể cơ động, được bảo mật 2 lớp giúp ngăn chặn khả năng giả mạo, giúp người dùng tiết kiệm thời gian vì không phải gặp mặt trực tiếp để ký tươi; giảm thiểu chi phí in ấn tài liệu, giấy tờ, lưu trữ hồ sơ giấy… Với chữ ký số, người dùng có thể cùng lúc ký nhiều tài liệu, văn bản, dễ dàng trong việc quản lý theo dõi, từ đó, nâng cao hiệu suất công việc; giúp xác định tính toàn vẹn cũng như nguồn gốc văn bản… |
Ý kiến ()