Chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống dịch “sớm hơn 1 bước, cao hơn 1 mức”
– Chiều nay (17/8), UBND tỉnh tổ chức cuộc họp trực tuyến 3 cấp về tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Cuộc họp được kết nối với 11 điểm cầu tại các huyện, thành phố trên địa bàn và kết nối với điểm cầu các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Lạng Sơn; các huyện: Văn Lãng, Cao Lộc.
Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 (BCĐ) tỉnh chủ trì cuộc họp. Tham dự có đồng chí Đoàn Thị Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các thành viên BCĐ tỉnh và BCĐ các cấp.
Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận
Theo báo cáo của BCĐ tỉnh, từ ngày 6/5/2021 đến ngày 16/8/2021, toàn tỉnh ghi nhận 152 trường hợp mắc COVID-19, 3.568 F1, 24.504 F2 liên quan. Hiện trên địa bàn toàn tỉnh tiếp tục theo dõi điều trị, cách ly 33 F0, 239 F1 và 939 F2. Lạng Sơn đứng thứ 39/63 tỉnh, thành phố trên cả nước về số ca mắc COVID-19. Đặc biệt, tại huyện Văn Lãng, tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp với một số ổ dịch có nhiều ca mắc COVID-19 như: ổ dịch tại xã Tân Thanh có 19 F0; ổ dịch tại thị trấn Na Sầm có 7 F0 (chưa xác định được nguồn lây ban đầu).
Đối với công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19, từ ngày 26/4/2021 đến 16/8/2021, toàn tỉnh đã tổ chức tiêm được 113.652 liều/158.991 liều vắc xin đã nhận, trong đó có 17.652 người được tiêm đủ 2 mũi; 96.000 người được tiêm mũi 1. Hiện nay, Lạng Sơn đứng thứ 14 trong cả nước về tỷ lệ tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin/dân số từ 18 tuổi trở lên đạt 20,56%.
BCĐ nhận định nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và lây lan trong cộng đồng là rất lớn do biến chủng mới của SARS-CoV-2 có nguy cơ lây lan nhanh, thời gian ủ bệnh lâu; nhiều ca mắc COVID-19 được ghi nhận xuất phát từ các lái xe tải đường dài vận chuyển hàng hóa từ các vùng có dịch đến các cửa khẩu trên địa bàn; một bộ phận nhỏ người dân vẫn có tâm lý chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã đề xuất một số biện pháp để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch như: siết chặt công tác quản lý đội ngũ lái xe đường dài, lái xe chuyên trách và các trường hợp từ vùng có dịch trở về; ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch; huy động các nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại từng địa phương.
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh tình hình dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp, do vậy, nhiệm vụ phòng, chống dịch luôn phải được thực hiện nghiêm túc, tuyệt đối không lơ là, chủ quan. Các địa bàn có dịch cần tăng tốc truy vết, cách ly, khoanh vùng dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng; tiếp tục duy trì hoạt động nghiêm túc, chặt chẽ, có hiệu quả của các chốt kiểm tra liên ngành tại các cửa ngõ đi vào địa bàn tỉnh và khu vực cửa khẩu.
Đặc biệt, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố kịp thời rà soát, xây dựng phương án phòng, chống dịch sát với tình hình thực tế của đơn vị để chủ động phòng chống dịch đạt hiệu quả với phương châm “sớm hơn 1 bước, cao hơn 1 mức”. Đồng thời, các đơn vị cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19; tiếp tục tăng cường thực hiện “mục tiêu kép”- vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo phát triển kinh tế – xã hội.
Đối với huyện Văn Lãng, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu đơn vị cần chủ động, linh hoạt trong công tác phòng, chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ”; siết chặt quản lý các lái xe đường dài và lái xe chuyên trách để đảm bảo công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả cao nhất tại khu vực cửa khẩu, góp phần cho hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra ổn định, an toàn. Bên cạnh đó, đơn vị cần chủ động huy động các nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch; kịp thời hỗ trợ, đảm bảo cung ứng đầy đủ nhu yếu phẩm phục vụ đời sống Nhân dân tại các khu vực cách ly, phong tỏa trên địa bàn.
TRIỆU THÀNH
Ý kiến ()