Chủ động và tích cực trong hoạt động Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN
Là một trong ba trụ cột quan trọng trong Cộng đồng ASEAN, Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN có mục tiêu cơ bản là góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN lấy con người làm trung tâm và có trách nhiệm xã hội, nhằm xây dựng tình đoàn kết và thống nhất bền lâu giữa các quốc gia và dân tộc ASEAN bằng cách tiến tới một bản sắc chung và xây dựng một xã hội chia sẻ, đùm bọc và rộng mở, nơi mà cuộc sống, mức sống và phúc lợi của người dân được nâng cao.Nhằm thực hiện được mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội, các nhà lãnh đạo ASEAN đã phê duyệt Kế hoạch Tổng thể Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC) tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 14 tổ chức ngày 1-3-2009 tại Hua Hin, Thái-lan. Như vậy, Kế hoạch Tổng thể ASCC được thực hiện chính thức kể từ ngày 2-3-2009.Sự phát triển của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội được xem xét và đánh giá trên cơ sở việc tổ chức thực hiện và triển khai kế hoạch tổng thể của...
Là một trong ba trụ cột quan trọng trong Cộng đồng ASEAN, Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN có mục tiêu cơ bản là góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN lấy con người làm trung tâm và có trách nhiệm xã hội, nhằm xây dựng tình đoàn kết và thống nhất bền lâu giữa các quốc gia và dân tộc ASEAN bằng cách tiến tới một bản sắc chung và xây dựng một xã hội chia sẻ, đùm bọc và rộng mở, nơi mà cuộc sống, mức sống và phúc lợi của người dân được nâng cao.
Nhằm thực hiện được mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội, các nhà lãnh đạo ASEAN đã phê duyệt Kế hoạch Tổng thể Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN (ASCC) tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 14 tổ chức ngày 1-3-2009 tại Hua Hin, Thái-lan. Như vậy, Kế hoạch Tổng thể ASCC được thực hiện chính thức kể từ ngày 2-3-2009.
Sự phát triển của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội được xem xét và đánh giá trên cơ sở việc tổ chức thực hiện và triển khai kế hoạch tổng thể của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội. Kế hoạch Tổng thể ASCC gồm sáu lĩnh vực trọng tâm: Phát triển con người; phúc lợi và bảo hiểm xã hội; các quyền và bình đẳng xã hội; bảo đảm môi trường bền vững; tạo dựng bản sắc ASEAN; và thu hẹp khoảng cách phát triển. Kế hoạch của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội thực hiện trong giai đoạn 2009-2015 gồm 40 cấu phần với 340 hoạt động.
Năm 2010 với vai trò là Chủ tịch Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN, Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN lần thứ 21, Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Phúc lợi xã hội và Phát triển ASEAN lần thứ sáu, Việt Nam đã đóng góp tích cực trong hoạt động của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội thông qua việc đưa ra các sáng kiến, xác định ưu tiên cho hoạt động của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội và ưu tiên cho lĩnh vực hoạt động hợp tác chuyên ngành về lao động và xã hội. Trong nhiệm kỳ là chủ tịch của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN lần thứ ba (ASCC 3) vào ngày 7-4-2010 trước thềm Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 16 tại Hà Nội, và Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Văn hóa – xã hội ASEAN lần thứ tư tại Đà Nẵng với sự tham gia của các bộ trưởng phụ trách văn hóa – xã hội của các nước ASEAN. Các hội nghị của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN năm 2010 đã thống nhất tiến trình thực hiện các ưu tiên của Cộng đồng trong năm 2010, đó là đối phó với thách thức toàn cầu; phát triển nguồn nhân lực trong phục hồi kinh tế; tăng cường phúc lợi xã hội và phát triển cho phụ nữ và trẻ em ASEAN; tăng cường hợp tác văn hóa nhằm tạo dựng nhận thức về ASEAN và xây dựng Cộng đồng ASEAN. Đặc biệt, trong năm 2010, các bộ trưởng ASEAN phụ trách Hội đồng Cộng đồng Văn hóa – Xã hội đã thể hiện quyết tâm và sự cam kết mạnh mẽ trong việc thực hiện các ưu tiên của Cộng đồng thông qua việc xây dựng dự thảo hai tuyên bố: Tuyên bố của các nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN về Phát triển Nguồn nhân lực và Kỹ năng cho phục hồi kinh tế và tăng trưởng bền vững và Tuyên bố Hà Nội về Thúc đẩy Phúc lợi và Phát triển cho phụ nữ và trẻ em ASEAN. Việt Nam nỗ lực tham vấn, vận động các nước thành viên thống nhất về nội dung và hoàn thiện các dự thảo tuyên bố này để Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 17 thông qua tại Việt Nam.
Với vị trí là Chủ tịch của Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN lần thứ 21 (ALMM 21), Việt Nam đã chủ động và tích cực trong việc thực hiện các cam kết cũng như đưa ra các sáng kiến thúc đẩy và mở rộng hợp tác của ASEAN trong hoạt động chuyên ngành thuộc Cộng đồng Văn hóa – Xã hội như tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN lần thứ 21 tại Việt Nam, Hội nghị phát triển nguồn nhân lực ASEAN lần thứ hai. Cũng trong năm 2010, trong khuôn khổ của Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN lần thứ 21, gần 20 các hội nghị cấp quan chức đã được tổ chức tại Việt Nam như: cuộc họp Nhóm Công tác ASEAN nhằm thực hiện Tuyên bố ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của lao động di cư (ACMW); Diễn đàn lao động di cư ASEAN lần thứ ba với những khuyến nghị về việc nâng cao nhận thức về vấn đề di cư an toàn và việc làm bền vững; Hội nghị Thanh tra lao động ASEAN với Khuyến nghị Hạ Long về chia sẻ kinh nghiệm trong công tác thanh tra lao động. Đặc biệt, tại Hội nghị ALMM 21, các bộ trưởng đã thông qua hai văn kiện quan trọng, gồm: Chương trình làm việc của Bộ trưởng Lao động ASEAN giai đoạn 2010 – 2015; Bộ Hướng dẫn của ASEAN về những kinh nghiệm quan hệ lao động hài hòa làm cơ sở cho các hoạt động mở rộng hợp tác của ASEAN trong lĩnh vực lao động.
Với cương vị là Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Phúc lợi xã hội và Phát triển ASEAN lần thứ sáu, Việt Nam đã tích cực tham gia vào quá trình hình thành và ra mắt Ủy ban Bảo vệ và Thúc đẩy quyền của phụ nữ và trẻ em ASEAN (ACWC). Đây là cơ sở quan trọng cho việc thúc đẩy và phát triển quyền phụ nữ và trẻ em trong ASEAN. Tháng 11-2010, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng Phúc lợi xã hội và Phát triển ASEAN lần thứ 7 tại Bru-nây. Tại hội nghị này, các nước đã đánh giá cao vai trò chủ động, tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam trong nhiệm kỳ làm Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Phúc lợi xã hội ASEAN giai đoạn 2007-2010.
Năm 2010 cũng là năm chứng kiến những hoạt động sôi động của các lĩnh vực hợp tác chuyên ngành thuộc Hội đồng Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ở cấp quốc gia và cấp khu vực như y tế, giáo dục, môi trường lao động, cụ thể:
Về biến đổi khí hậu: Các bộ trưởng Môi trường đã thông qua các Điều khoản tham chiếu của Sáng kiến ASEAN về Biến đổi khí hậu (ACCI) và thành lập Nhóm Công tác ASEAN về Biến đổi khí hậu trong Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về môi trường. Biến đổi khí hậu cũng được các ngành có liên quan như nông nghiệp và lâm nghiệp, năng lượng và giao thông, quản lý thiên tai, và khoa học và công nghệ đặc biệt chú trọng. Công tác phối hợp với các đối tác đối thoại và các tổ chức quốc tế để giải quyết vấn đề biến đối khí hậu đang được triển khai.
Về quản lý thiên tai và hỗ trợ nhân đạo: ASEAN sẽ tiếp tục đóng vai trò lớn trong điều phối công tác cứu trợ thời kỳ hậu bão Na-gít tại Mi-an-ma đến cuối năm 2010. Hiệp định ASEAN về Quản lý Thiên tai và ứng phó tình huống khẩn cấp đã có hiệu lực kể từ ngày 24-12-2009. Chương trình làm việc năm năm để thực thi hiệp định này và các hoạt động có liên quan trong khuôn khổ Kế hoạch tổng thể ASCC cũng đã được Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai thông qua để thực hiện trong giai đoạn 2010-2015. Việc thành lập Trung tâm Điều phối ASEAN về Cứu trợ Nhân đạo trong quản lý thiên tai cũng đang được tiến hành.
Về y tế: ASEAN đã đưa vào hệ thống mạng và truyền thông về các bệnh truyền nhiễm đang nổi lên và tồn tại trong khu vực, đồng thời tăng cường giám sát và chuẩn bị ứng phó trước nguy cơ đại dịch, tăng cường hệ thống phản ứng với trọng tâm là phương pháp phối hợp đa ngành, chia sẻ thông tin và tiếp cận đa quốc gia. Hiệp định được thực hiện trên cơ sở phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới thực hiện công tác phản ứng nhanh ASEAN và tiến hành các hành động chuẩn trong ngăn chặn, chuẩn bị ứng phó với đại dịch. Công tác tư vấn cũng được thực hiện trên cơ sở phối hợp với các công ty dược và các đơn vị tư nhân nhằm tăng cường tiếp cận nhanh hơn với các loại thuốc chống vi-rút và vắc-xin cúm đại dịch.
Hoạt động thúc đẩy và bảo vệ quyền phụ nữ, trẻ em và người lao động nhập cư đã đạt được một số tiến bộ đáng kể. Ủy ban về Thúc đẩy và Bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em đã được thành lập tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 16 vào tháng 4-2010 tại Hà Nội, Việt Nam. ASEAN cũng đã bắt đầu tiến hành soạn thảo các văn kiện về bảo vệ và thúc đẩy các quyền của người lao động nhập cư.
Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, hoạt động của Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN vẫn còn đứng trước nhiều thách thức. Những thách thức chính trong việc thực hiện kế hoạch tổng thể gồm việc huy động nguồn lực, xác định ưu tiên; tính chủ động và cam kết quốc gia của các nước trong việc tổ chức thực hiện; cách phối hợp và giám sát. Vì vậy, việc thực hiện Kế hoạch Tổng thể của Cộng đồng Văn hóa-Xã hội cần được đẩy mạnh hơn nữa thông qua việc: xây dựng ý thức tự chủ ASEAN hơn nữa trong các nước thành viên. Theo đó các nước thành viên cần tích cực hơn nữa để thực hiện các quyết định đã được đưa ra ở các diễn đàn chuyên ngành và ở hội nghị cấp cao và bảo đảm các sáng kiến ASEAN được nội hóa ở cấp quốc gia. Chủ tịch của các cơ quan chuyên môn của ASEAN cần đóng vai trò lớn hơn nữa dẫn dắt các cơ quan này hoạt động hướng tới chương trình nghị sự của ASEAN. Bên cạnh đó các nước thành viên cần tăng cường hơn nữa việc thực hiện cam kết, tăng cường các giải pháp huy động nguồn lực. Giai đoạn từ nay đến năm 2015 sẽ là giai đoạn cần rất nhiều nguồn lực. ASEAN cần tăng cường chiến lược của mình thông qua một cơ chế tốt nhằm huy động và quản lý hiệu quả các nguồn lực, từ cả các nước thành viên cũng như các đối tác của ASEAN; tăng cường cơ chế giám sát.
Hoạt động của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội năm 2010 đã thể hiện rõ nét vai trò của nước chủ nhà trong quá trình định hướng các ưu tiên cho hoạt động của Cộng đồng và xây dựng lộ trình để thực hiện các ưu tiên gắn với lợi ích và quan tâm của Việt Nam và các nước ASEAN. Thông qua hoạt động của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội trong năm 2010, chúng ta đã góp phần: khẳng định vị trí của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội trong quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN; khẳng định vai trò điều phối của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội đối với các lĩnh vực chuyên ngành để thực hiện các ưu tiên của các nước ASEAN. Với cương vị là Chủ tịch của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN năm 2010, Việt Nam đã và đang thể hiện vai trò điều phối tích cực của mình trong sự phát triển của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội. Trong thời gian tới, chúng ta cần tập trung nguồn lực để thực hiện các cam kết đã được đề ra trong khuôn khổ của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội. Đặc biệt là việc triển khai thực hiện Tuyên bố của lãnh đạo cấp cao ASEAN về Phát triển Nguồn nhân lực và Kỹ năng cho phục hồi kinh tế và tăng trưởng bền vững và Tuyên bố Hà Nội về Thúc đẩy Phúc lợi và Phát triển cho phụ nữ và trẻ em ASEAN; Chương trình hành động của các Bộ trưởng Lao động ASEAN giai đoạn 2010-2015. Việc thực hiện các cam kết đã được đề ra trong khuôn khổ của Cộng đồng Văn hóa-Xã hội đồng bộ ở cấp quốc gia và khu vực sẽ tạo những bước tiến quan trọng trong việc triển khai Kế hoạch Tổng thể Cộng đồng Văn hóa-Xã hội hướng tới việc xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.
Theo Nhandan
Ý kiến ()