Chủ động và tích cực triển khai Nghị quyết 11 của Ðảng về công tác đối ngoại
Bên lề Hội nghị Ngoại giao lần thứ 27 với chủ đề "Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và triển khai đồng bộ, toàn diện hoạt động đối ngoại, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng", một số đại biểu dự hội nghị đã trả lời phỏng vấn báo chí. Dưới đây là một số ý kiến của phóng viên Báo Nhân Dân lược ghi tại cuộc trả lời phỏng vấn này. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng phái đoàn đại diện Thường trực Việt Nam tại LHQViệt Nam thể hiện tinh thần trách nhiệm khi tham gia các cơ chế quốc tếCác nước đánh giá cao vị trí của Việt Nam vì yếu tố lịch sử về vị thế của Việt Nam, hình ảnh của Việt Nam gắn với sự nghiệp đấu tranh và thành tựu trong quá trình đổi mới. Khi tham gia các cơ chế quốc tế, Việt Nam thể hiện tinh thần trách nhiệm và đã đạt được một số thành tựu trong nhiều lĩnh vực, được LHQ hoan nghênh. Tuy nhiên, về lâu dài, chúng ta cần chuẩn...
Bên lề Hội nghị Ngoại giao lần thứ 27 với chủ đề “Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và triển khai đồng bộ, toàn diện hoạt động đối ngoại, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng”, một số đại biểu dự hội nghị đã trả lời phỏng vấn báo chí. Dưới đây là một số ý kiến của phóng viên Báo Nhân Dân lược ghi tại cuộc trả lời phỏng vấn này. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng phái đoàn đại diện Thường trực Việt Nam tại LHQ
Việt Nam thể hiện tinh thần trách nhiệm khi tham gia các cơ chế quốc tế
Các nước đánh giá cao vị trí của Việt Nam vì yếu tố lịch sử về vị thế của Việt Nam, hình ảnh của Việt Nam gắn với sự nghiệp đấu tranh và thành tựu trong quá trình đổi mới. Khi tham gia các cơ chế quốc tế, Việt Nam thể hiện tinh thần trách nhiệm và đã đạt được một số thành tựu trong nhiều lĩnh vực, được LHQ hoan nghênh. Tuy nhiên, về lâu dài, chúng ta cần chuẩn bị cơ chế, xây dựng đội ngũ để có đủ năng lực tham gia sâu hơn các công việc quốc tế.
Ngoại giao đa phương gắn chặt với ngoại giao song phương được coi là một phương thức và hoạt động mới của ngoại giao. Ngoại giao đa phương có vai trò quan trọng vì thế giới đối mặt nhiều thách thức lớn, không thể giải quyết một mình và phải tận dụng nguồn lực chung để giải quyết. Vị thế của các thể chế trong đời sống quốc tế, như WTO, IMF, Phong trào Không liên kết đang tăng lên là vì vậy. LHQ đánh giá thế giới đang bị khủng hoảng xã hội trầm trọng, ảnh hưởng an ninh chính trị của nhiều nước. Diễn biến tình hình ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi cho thấy đó là vấn đề xã hội, dù khu vực này có thu nhập đầu người cao. Chúng ta cần xem xét kỹ và sâu những vấn đề này để sớm hạn chế những mặt tiêu cực, giữ vững môi trường hòa bình, tạo điều kiện phát triển đất nước.
Đại sứ nước ta tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Cường
Kiều bào luôn hướng về Tổ quốc, mong đất nước ngày càng phát triển
Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng nhấn mạnh hội nhập quốc tế, trước đây chỉ là hội nhập kinh tế quốc tế, và nêu nhiều nội hàm về lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc. Tôi nghĩ rằng, hội nghị ngoại giao lần này chúng ta cố gắng triển khai tốt nhất các nghị quyết của Đảng khóa XI.
Công tác với người Việt Nam ở Mỹ là một công tác trọng tâm của Đại sứ quán. Trong số bốn triệu kiều bào nước ta ở nước ngoài thì có tới hai triệu người ở Mỹ. Qua tiếp xúc và tìm hiểu tâm tư, tình cảm của bà con, tôi thấy số đông rất quan tâm tình hình đất nước, luôn hướng về Tổ quốc và mong đất nước ngày càng phát triển. Đó là điều rất đáng trân trọng. Việt Nam luôn có một vị trí đặc biệt ở Mỹ vì lịch sử quan hệ hai nước. Chúng ta có lợi thế là khi nói đến Việt Nam thì người Mỹ nào cũng biết. Tuy nhiên, nói về đổi mới của Việt Nam thì không phải ai cũng biết. Khi tôi gặp các học giả trí thức, khi nói rằng Việt Nam đang phát triển, tốc độ tăng trưởng GDP đạt từ 7 đến 8% suốt 25 năm qua thì nhiều người Mỹ rất ngạc nhiên vì họ cho rằng ở nước ta vẫn còn chiến tranh. Vậy làm sao để người Mỹ hiểu hơn về Việt Nam? Sứ quán tổ chức nhiều hoạt động, như thăm các địa phương, tổ chức tuần văn hóa, phối hợp các bang, trường ĐH của Mỹ tổ chức tuần, tháng, năm Việt Nam; tăng cường hỗ trợ các hoạt động văn hóa quảng bá đất nước chúng ta, nhưng chưa thấm vào đâu cả. Tôi cho rằng, thời gian tới Đại sứ quán sẽ phối hợp các cơ quan hữu quan tăng cường quảng bá hình ảnh Việt Nam tại địa bàn trọng yếu như Mỹ.
Những năm qua, quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Mỹ phát triển nhanh. Sau mười năm ký Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA), kim ngạch thương mại hai nước tăng 40 lần. Năm 2011, kim ngạch thương mại hai chiều đạt khoảng 20 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất siêu lớn sang Mỹ. Tiếp xúc với các doanh nghiệp (DN) Mỹ hằng tuần, tôi thấy họ ngày càng quan tâm thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, sự chủ động của DN Việt Nam vào thị trường Mỹ, nhất là sự chủ động của DN Việt Nam trong quá trình hai bên tham gia đàm phán Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) so với DN Mỹ còn kém nhiều. Các DN và hiệp hội DN Việt Nam cần chủ động hơn nữa trong đàm phán để bảo vệ quyền lợi của mình. Khi làm ăn ở thị trường Mỹ, cần lưu ý phải đúng luật, bài bản, lâu dài và sẵn sàng cho những vụ kiện tụng.
Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Phú Bình
Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Nhật Bản tiếp tục được thúc đẩy
Là thị trường lớn và có cơ cấu “dân số vàng”, nên Việt Nam có thể bổ sung cho Nhật Bản về số lượng thiếu hụt lao động. Đó là lý do khiến nhiều nhà đầu tư Nhật Bản sang Việt Nam. Hằng năm, có 7.000 lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc và có từng ấy người trở về nước vì hết thời hạn lao động ba năm. Số lao động Việt Nam trở về có thế mạnh là biết tiếng Nhật Bản, có kỹ năng làm việc và nền nếp làm việc kỷ cương, biết phối hợp và học được tính cộng đồng rất cao. Theo tôi, chúng ta nên tập hợp họ trở thành một đội ngũ lao động kỷ cương, có chất lượng, phục vụ công cuộc CNH, HĐH đất nước. Bên cạnh đó, chúng ta phải tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, một trong ba đột phá cho tương lai. Nhật Bản sẵn sàng giúp chúng ta về vấn đề này như xây dựng trường dạy nghề, đào tạo tiếng Nhật Bản hoặc sử dụng cả các trung tâm đào tạo tư nhân và có thể tranh thủ sự hợp tác của phía Nhật Bản hoặc ODA cho một số trung tâm đào tạo trọng điểm. Mở rộng thị trường xuất khẩu lao động sang Nhật Bản cũng đang được chúng ta chú trọng. Cần lưu ý rằng, người Nhật Bản rất thận trọng, suy nghĩ kỹ trước khi quyết định một điều gì đó. Hiện nay, Nhật Bản rất thiếu lao động cho việc tái thiết, song không phải vì thế mà họ quyết định vội vàng. Nguồn lao động chất lượng cao, chăm chỉ, tiếp thu nhanh và tuân thủ kỷ luật làm việc sẽ tìm được chỗ đứng trên thị trường Nhật Bản.
Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Nhật Bản tiếp tục được thúc đẩy. Nhật Bản vẫn liên tục tăng vốn ODA cho Việt Nam bất chấp thảm họa động đất, sóng thần tháng 3 vừa qua. Tôi xin tiết lộ là đợt hai của năm tài chính 2011 (kết thúc vào tháng 3-2012) Nhật Bản có thể tăng thêm 1,2 tỷ USD. Như vậy, tổng ODA ký kết cho năm tài khóa 2011 có thể lên đến 2,4 tỷ USD. Nhật Bản có định hướng sẽ cấp nguồn ODA ổn định và tăng bền vững cho đến khi Việt Nam hoàn thành mục tiêu CNH, HĐH vào 2020, trong đó tập trung cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Sau năm 2020, nguồn ODA sẽ tập trung cho nguồn nhân lực cao, xây dựng hạ tầng cơ sở – xã hội.
Đại sứ nước ta tại Hàn Quốc Trần Trọng Toàn
Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Hàn Quốc đang phát huy tác dụng tốt
Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao từ tháng 12-1992 và kể từ đó mối quan hệ giữa hai nước liên tục phát triển. Sau khi hai nước nâng lên quan hệ đối tác chiến lược vào tháng 10-2010, đến nay, mối quan hệ đó đang phát huy tác dụng rất tốt. Trước hết, trong lĩnh vực chính trị đã tạo được sự tin cậy ở cấp cao và sự phối hợp chính sách cấp cao giữa lãnh đạo hai bên. Về kinh tế, Hàn Quốc đóng vai trò là đối tác chiến lược của Việt Nam. Đến tháng 12 này, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam với mức đầu tư 23,4 tỷ USD và 3.060 công trình. Kim ngạch thương mại năm nay có khả năng đạt 18,1 tỷ USD, tăng 38% so mức 13,7 tỷ USD năm 2010. Hàn Quốc là nước cung cấp ODA lớn thứ hai cho Việt Nam, chỉ sau Nhật Bản. Trong năm nay, Hàn Quốc cam kết viện trợ ODA cho Việt Nam khoảng 411,8 triệu USD và trong năm năm tới Hàn Quốc sẽ cung cấp cho nước ta ba tỷ USD, gấp 2,5 lần so giai đoạn 1995-2010. Hàn Quốc là thị trường du lịch lớn thứ hai và thị trường lao động lớn thứ ba của Việt Nam. Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc phối hợp cung cấp thông tin cho lao động Việt Nam về các chính sách đối với lao động nước ngoài của Hàn Quốc, bảo vệ lợi ích của lao động Việt Nam, đồng thời cũng giúp họ, phối hợp với họ hạn chế số lao động ở lại quá hạn. Quan hệ về văn hóa, xã hội, ngoại giao nhân dân đều phát triển tốt. Hiện có 130 nghìn người Hàn Quốc đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam và nước ta có 116,8 nghìn người đang sinh sống, làm việc và học tập tại Hàn Quốc. Cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc rất đông và đóng vai trò tích cực cho quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Chiến lược tăng trưởng trong 60 năm tới của Hàn Quốc là tăng trưởng xanh, mà cơ bản là khoa học công nghệ cao. Và hợp tác về các ngành tăng trưởng xanh đang là hướng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới và hợp tác về lĩnh vực này thực chất là đi vào những lĩnh vực công nghệ cao. Năm 2012, năm Hữu nghị Việt Nam- Hàn Quốc sẽ bận rộn với nhiều sự kiện tổ chức nhân dịp 20 năm hai nước lập quan hệ ngoại giao, với một loạt hoạt động trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa.
Theo Nhandan
Ý kiến ()