Chủ động và tích cực hơn nữa triển khai việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, ngày 14-5-2011, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 03-CT/T.Ư về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, với mục đích phát huy những kết quả bước đầu qua bốn năm thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; tạo chuyển biến mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa về ý thức tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội thực dụng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn tham nhũng, tiêu cực, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.Thực hiện nhiệm vụ do Bộ Chính trị giao, ngày 1-7-2011, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Kế hoạch số 03-KH/T.Ư triển khai thực hiện Chỉ thị số 03-CT/T.Ư, ngày 14-5-2011, của Bộ chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh từ nay đến năm 2015. Một...
Thực hiện nhiệm vụ do Bộ Chính trị giao, ngày 1-7-2011, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Kế hoạch số 03-KH/T.Ư triển khai thực hiện Chỉ thị số 03-CT/T.Ư, ngày 14-5-2011, của Bộ chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh từ nay đến năm 2015. Một trong những yêu cầu của Kế hoạch đó là: Xác định rõ việc chỉ đạo học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng và xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, có ý nghĩa rất quan trọng của các tổ chức đảng, cấp ủy đảng, trực tiếp là Ban Thường vụ và đồng chí bí thư cấp ủy, đồng thời là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị, của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân.
Chấp hành Chỉ thị của Bộ Chính trị và Kế hoạch của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương đã gửi Hướng dẫn số 12-HD/BTGT.Ư, ngày 27-7-2011, đến các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, Ban Tuyên giáo các Tỉnh, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương để hướng dẫn việc triển khai quán triệt Chỉ thị của Bộ Chính trị, thực hiện kế hoạch của Ban Bí thư; đồng thời, trực tiếp giúp Ban Bí thư tổ chức hai Hội nghị (phía nam và phía bắc) quán triệt Chỉ thị của Bộ Chính trị. Đến nay, hầu hết các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương đã hoàn thành việc quán triệt Chỉ thị của Bộ Chính trị, đang tiếp tục tổ chức quán triệt ở cấp quận, huyện; kiện toàn tổ chức bộ phận giúp việc, bộ phận chuyên trách; bước đầu triển khai, tập trung vào một số công việc trọng tâm, đó là: định hướng, chỉ đạo việc xây dựng chuẩn mực đạo đức đối với từng cơ quan, đơn vị; lựa chọn nội dung đưa vào sinh hoạt thường kỳ của tổ chức đảng theo tinh thần gắn với những vấn đề về tư tưởng, đạo đức, lối sống ở cơ quan, đơn vị mình; quy định về trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị; xác định vấn đề bức xúc, nổi cộm để tập trung chỉ đạo, giải quyết dứt điểm; tiếp tục phát hiện, xây dựng và tuyên truyền các điển hình tiêu biểu, cách làm sáng tạo, hiệu quả. Một số địa phương đã chủ động và sáng tạo trong tổ chức quán triệt Chỉ thị của Bộ Chính trị, Kế hoạch của Ban Bí thư như Khánh Hòa, Gia Lai, Thái Nguyên, Sóc Trăng, Đảng ủy Khối cơ quan Trung ương, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…
Tuy nhiên, từ thực tế triển khai việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh những tháng vừa qua, đã bộc lộ một số điểm cần được cấp ủy các cấp sớm chỉ đạo để chủ trương của Nghị quyết Đại hội XI của Đảng về nội dung này nhanh chóng đi vào cuộc sống:
Thứ nhất, nhận thức của một số cán bộ, đảng viên giữa Cuộc vận động đã triển khai những năm trước đây với nhiệm vụ thường xuyên hiện nay (hiểu là nhiệm vụ thường xuyên của các tổ chức đảng, cấp ủy đảng, trực tiếp là Ban Thường vụ và đồng chí bí thư cấp ủy, đồng thời là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị, của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân) chưa thật đầy đủ. Do vậy, trong quá trình triển khai của các cấp ủy có biểu hiện lúng túng, chờ hướng dẫn của trên, tạo ra sự gián đoạn trong chuỗi, mạch các hoạt động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Thứ hai, xác định công việc thường xuyên đó có ý nghĩa rất quan trọng chưa đúng với yêu cầu xây dựng Đảng nêu trong Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, đó là: Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức; tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác cán bộ, kiểm tra, giám sát và tư tưởng; thường xuyên học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Do vậy, khi triển khai một số nội dung như: lựa chọn vấn đề bức xúc, nổi cộm về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống để tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm; xây dựng quy định cụ thể về trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, chủ trì cấp ủy, cơ quan, đơn vị… chưa rõ, còn chung chung.
Thứ ba, một số nơi lúng túng trong việc chọn nội dung đưa vào sinh hoạt thường xuyên của chi bộ, chờ tài liệu của cơ quan chức năng trong khi tài liệu đó chỉ mang tính định hướng, giúp cấp ủy có cơ sở chỉ đạo, chọn nội dung phù hợp với tình hình của chi bộ, cơ quan, đơn vị mình để đưa vào sinh hoạt chi bộ thường kỳ.
Thứ tư, thực hiện Hướng dẫn số 13-HD/BTGT.Ư, ngày 7-9-2011 của Ban Tuyên giáo Trung ương về trách nhiệm, biên chế của Bộ phận chuyên trách chưa thống nhất, chưa đúng tinh thần hướng dẫn trên. Một số địa phương băn khoăn, lo ảnh hưởng đến biên chế chung của cơ quan, đơn vị mình, chưa chủ động trong phối hợp với văn phòng cấp ủy và các cơ quan liên quan để kịp thời tham mưu cho bộ phận giúp việc mà trực tiếp, thường xuyên là lãnh đạo Ban Tuyên giáo cùng cấp trong triển khai các hoạt động tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Khi việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã được xác định là công việc thường xuyên, rất quan trọng của cả hệ thống chính trị của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, cũng đồng thời nhận thức rằng đó không chỉ là yêu cầu trước mắt, không chỉ tiến hành trong giai đoạn cụ thể nào, ý nghĩa sâu sắc của công việc thường xuyên đó chính là nhằm giải quyết cơ bản, lâu dài vấn đề đạo đức, xã hội.
Theo Nhandan
Ý kiến ()