Chủ động ứng phó với thời tiết nguy hiểm
Ngày 26/10, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã ban hành Công văn số 464/TWPCTT-VP về việc chủ động ứng phó với thời tiết nguy hiểm.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Trung ương, ngày 26/10/2017 trên khu vực Nam Biển Đông đã hình thành dải hội tụ nhiệt đới và đang gây thời tiết nguy hiểm (mưa dông, gió giật mạnh) cho các vùng biển phía Nam. Trong những ngày tới, nhiều khả năng sẽ xuất hiện thêm điều kiện nguy hiểm khác như không khí lạnh làm cho dải hội tụ nhiệt đới hoạt động mạnh hơn. Do đó không loại trừ khả năng xuất hiện áp thấp nhiệt đới và có thể là bão trên dải hội tụ nhiệt đới hoạt động ở vĩ độ thấp như đã từng xảy ra trong quá khứ với điều kiện tương tự.
Khu vực phía Nam Bộ với đặc thù địa hình bằng phẳng, cơ sở hạ tầng còn yếu và nhất là khi có bão, áp thấp nhiệt đới tác động, thường gây thiệt hại rất lớn. Đặc biệt là khi kết hợp với nước dâng cao do bão, triều cường và các hiện tượng như tố, lốc, gió xoáy cục bộ, thậm chí cả vòi rồng hay đi kèm với bão ở khu vực vĩ độ thấp. Khi xuất hiện bão, áp thấp nhiệt đới còn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động trên biển và vùng ven bờ khu vực Nam Bộ (cả vùng biển phía Đông và phía Tây) và vịnh Thái Lan.
Kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy, thời gian từ khi hình thành đến khi phát triển thành bão ở khu vực biển phía Nam khá ngắn, đôi khi chỉ khoảng 1 – 2 ngày.
Để chủ động ứng phó với thời tiết nguy hiểm, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai – Văn phòng Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung sau:
1. Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố:
– Thông báo cho các chủ phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển diễn biến của thời tiết nguy hiểm để chủ động các biện pháp phòng tránh.
– Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết nguy hiểm trên các phương tiện thông tin; giữ liên lạc với chủ các phương tiện, thông báo cho người dân, đặc biệt là khu dân cư tập trung tại các khu vực cửa sông, ven biển để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Rà soát phương án, sẵn sàng triển khai các biện pháp ứng phó với thời tiết nguy hiểm có khả năng hình thành áp thấp nhiệt đới, bão.
2. Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao sẵn sàng triển khai các biện pháp ứng phó với thời tiết nguy hiểm có khả năng hình thành áp thấp nhiệt đới và bão.
3. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Hệ thống Đài thông tin duyên hải và các cơ quan thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương tăng cường các biện pháp thông tin về diễn biến của thời tiết nguy hiểm đến các cấp chính quyền, chủ các phương tiện hoạt động trên biển và người dân được biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.
4. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()