Chủ động ứng phó với thiên tai, thời tiết cực đoan
– Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh thường xuất hiện các loại hình thiên tai như: rét đậm, rét hại, băng giá, mưa lớn… gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và hoạt động sản xuất của người dân. Trước diễn biến bất thường của thời tiết, việc chủ động ứng phó với thiên tai, hiện tượng thời tiết cực đoan là hết sức cần thiết.
Điển hình, mưa lớn trên diện rộng đêm 9/5 trên địa bàn tỉnh đã gây ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng nhiều nơi, làm thiệt hại lớn về người và tài sản.
Ông Triệu Văn Vượng, thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan cho biết: Do ảnh hưởng của đợt mưa lớn, lũ quét tại thị trấn vừa qua làm hư hại vật chất và thiệt hại về kinh tế. Riêng gia đình tôi thiệt hại một lồng cá giống và rô phi, ước mất gần 10 triệu đồng.
Quan trắc viên Trạm Khí tượng thuỷ văn Mẫu Sơn đo độ ẩm đất
Hiện nay, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai như: băng giá, giông lốc, lũ, sấm sét… có chiều hướng tăng lên cả về cường độ, số lượng và mức độ nguy hiểm. Trong đó, dông, lốc, sét là loại hình thiên tai gần như không thể dự báo trước, thường xảy ra bất ngờ trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 9.
Theo dự báo của Đài Khí tượng – Thuỷ văn tỉnh, trong 10 ngày tới, trên địa bàn có mưa dông, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét tại hầu hết các huyện. Đặc biệt, trong mùa mưa, bão năm nay, lượng mưa trên địa bàn tỉnh ở mức xấp xỉ và cao hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN). Trong đó, các đợt mưa lớn chủ yếu xuất hiện vào tháng 8, tháng 10 và có khả năng xuất hiện lũ lớn nhất trong năm. Số cơn bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên biển Đông có thể sớm hơn TBNN, thời tiết khu vực tỉnh Lạng Sơn có khả năng chịu ảnh hưởng từ 3 đến 4 cơn bão và ATNĐ. Do đó, các hiện tượng này có khả năng tiếp tục gây thiệt hại đến tài sản, hoạt động sản xuất của người dân.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Đài Khí tượng – Thuỷ văn tỉnh cho biết: Để phòng, chống thiên tai, giảm thiệt hại do hiện tượng thời tiết cực đoan, chúng tôi chú trọng công tác dự báo, dự tính. Hằng ngày, chúng tôi đều thu thập thông tin, xây dựng hơn 10 bản tin cảnh báo thời tiết gửi Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh và các huyện, thành phố tuyên truyền rộng rãi để Nhân dân chủ động kịp thời ứng phó.
Bên cạnh đó, để hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh và huyện đã chủ động triển khai các công tác phòng ngừa, ứng phó với lũ lụt, sạt lở đất…, phối hợp chặt chẽ với Đài Khí tượng – Thuỷ văn tỉnh nhằm theo dõi dự báo thời tiết, kịp thời thông tin các hiện tượng thời tiết cực đoan đến người dân để ứng phó. Cùng đó, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến cáo mọi người dân gia cố nhà cửa, di dời khi có hiện tượng mưa, lũ, khi mưa lớn kèm theo sấm sét, tuyệt đối không nên đi ra ngoài…
Ngoài ra, từ năm 2021 đến nay, từ nguồn dự trữ Quốc gia phục vụ công tác ứng phó sự cố, PCTT&TKCN, tỉnh đã được cấp và phân bổ cho các huyện 800 phao áo cứu sinh, 600 phao tròn cứu sinh, 15 phao bè loại nhẹ, 10 nhà bạt 16,5m2 nhằm phục vụ công tác phòng chống thiên tai. Ông Chu Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết: Năm 2022, công tác PCTT&TKCN của tỉnh thực hiện theo 3 giai đoạn: phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả. Trong đó, chú trọng công tác quản lý rủi ro thiên tai, lấy phòng ngừa là chính, bám sát phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với đặc điểm từng địa bàn. Đồng thời, chúng tôi đã tham mưu cho sở trình UBND tỉnh dự thảo ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2022 nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng trong quản lý rủi ro thiên tai, chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra…
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, ngoài sự chủ động, chú trọng của các cấp, ngành, thiết nghĩ, mỗi người dân cần nâng cao nhận thức về phòng tránh thiên tai, các hiện tượng thời tiết cực đoan để chủ động phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Ý kiến ()