Chủ động ứng phó với hiện tượng thời tiết cực đoan
(LSO) – Từ đầu năm đến nay, thời tiết trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, đặc biệt xuất hiện mưa đá kèm theo giông lốc gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và hoạt động sản xuất của người dân. Trước tình hình đó, việc chủ động các phương án phòng, chống thời tiết cực đoan rất quan trọng.
Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 đợt giông lốc kèm theo mưa đá và các đợt mưa to gây thiệt hại về tính mạng và nhiều tài sản của nhân dân. Cụ thể, các đợt mưa đá, giông lốc làm 1 người thiệt mạng và 2 người bị thương, gần 3.000 ngôi nhà bị hư hỏng từ 30 – 50%; 227 ha lúa mới cấy cùng 47 ha rau màu và 151 ha cây trồng lâu năm bị thiệt hai ước tỉnh tổng thiệt gần 65 tỷ đổng.
Ông Vy Văn Hoan, thôn Nà Đom, xã Đội Cấn, huyện Tràng Định cho biết: Mới đầu năm, tại thôn đã xảy ra giông lốc kèm mưa lớn làm tốc mái nhà, hư hại vật chất và làm gãy nhiều cây hồi. Riêng gia đình tôi đã thiệt hại hơn 10 triệu đồng.
Cán bộ Trạm Thủy văn thành phố Lạng Sơn kiểm tra mực nước và nhiệt độ nước sông Kỳ Cùng
Hiện nay, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, các hiện tượng thời tiết cực đoan như: nắng nóng kéo dài, giông lốc, sấm sét… xảy ra với tần suất tăng lên và cường độ mạnh hơn. Theo dự báo của Đài Khí tượng – Thủy văn tỉnh, trong mùa mưa, bão năm nay, trên địa bàn tỉnh có lượng mưa ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN), trong đó, tháng 5, tháng 7, tháng 9 có lượng mưa thấp hơn TBNN và cao hơn năm 2019, các đợt mưa lớn chủ yếu tập trung vào thời kỳ tháng 6, tháng 8. Nhiệt độ trung bình các tháng mùa mưa bão ở mức cao hơn so với TBNN, nắng nóng có khả năng xuất hiện sớm hơn TBNN, nhiệt độ cao nhất có thể đạt từ 35 đến 37 độ C. Số cơn bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trong biển Đông ở mức xấp xỉ TBNN, số cơn bão và ATNĐ ảnh hưởng đến nước ta từ 5 đến 6 cơn, khu vực Lạng Sơn có khả năng chịu ảnh hưởng 1 đến 2 cơn bão hoặc ATNĐ.
Bên cạnh đó, xu thế chung mùa lũ trên các sông suối dao động ở mức cao hơn năm 2019 và TBNN, đỉnh lũ cao nhất dao động từ báo động 2 đến báo động 3, thời gian xuất hiện vào khoảng tháng 8. Các hiện tượng thời tiết cực đoan này có khả năng tiếp tục gây thiệt hại lớn đến tài sản và con người, hoạt động sản xuất của Nhân dân.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Đài Khí tượng – Thủy văn tỉnh cho biết: Mùa mưa bão năm nay, hiện tượng giông lốc, lũ quét có khả năng xảy ra rất cao, đặc biệt người dân cần chủ động đề phòng mưa đá, lũ quét, lũ ống, sấm sét… Mỗi ngày, chúng tôi đều xây dựng hơn 10 bản tin cảnh báo thời tiết, thiên tai gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh và các huyện, thành phố nhằm tuyên truyền rộng rãi đến nhân dân để chủ động ứng phó.
Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã chủ động triển khai các công tác phòng ngừa, ứng phó với lũ lụt, sạt lở đất, giông lốc, sấm sét…, theo dõi sát sao dự báo thời tiết, cảnh báo các hiện tượng thời tiết cực đoan của các cơ quan chuyên môn nhằm thông tin kịp thời đến mọi người dân để có những cách phòng tránh tốt nhất. Cùng với đó, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, khuyến cáo, hướng dẫn người dân gia cố nhà cửa phòng chống giông lốc, khi mưa lớn kèm theo sấm sét, người dân không nên đi ra ngoài hoặc chủ động bảo vệ sức khỏe trong những ngày nắng nóng. Đồng thời chỉ đạo cơ quan chức năng tiến hành chặt tỉa các cành cây cao để tránh đổ, gãy khi mưa bão.
Ông Chu Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết: Năm 2020, công tác PCTT&TKCN của tỉnh chú trọng vào việc xây dựng và thực hiện các biện pháp phòng chống thiên tai theo từng cấp độ; tuyên truyền mức độ nguy hiểm của các hiện tượng thời tiết cực đoan và hướng dẫn người dân biện pháp phòng ngừa thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, chúng tôi tiếp tục hướng dẫn các huyện, thành phố triển khai thực hiện biện pháp phòng tránh, ứng phó trong mọi tình huống với phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với đặc điểm từng địa bàn nhằm giảm thiểu thiệt hại về tài sản, kịp thời di dời người dân đến nơi an toàn, tránh thiệt hại về người.
THÙY DUNG
Ý kiến ()