Chủ động ứng phó với diễn biến bất thường của khí hậu
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, năm nay, mùa mưa sẽ đến muộn (tháng 6 mới có mưa). Tình trạng này khiến cho xâm nhập mặn và thiếu nước phục vụ sản xuất sẽ diễn ra gay gắt tại các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Cánh đồng sả đến kỳ thu hoạch bị chết khô do thiếu nước
ở xã Vĩnh Hòa, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang. (Ảnh: K.V)
Hiện tượng El Nino đã làm cho nền nhiệt độ tăng cao, thiếu hụt lượng mưa, là nguyên nhân gây ra tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, đã gây thiệt hại nặng nề và tiếp tục đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất và dân sinh ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Theo dự báo, El Nino tiếp tục ảnh hưởng và kéo dài đến giữa năm 2016. Do lượng mưa năm 2015 thấp, dung tích trữ của một số hồ chứa thủy lợi, thủy điện bị thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, tại Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều diện tích cây trồng vụ Đông Xuân 2015 – 2016 đã bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn và khả năng tiếp tục ảnh hưởng đến vụ Hè Thu năm 2016.
Có thể thấy, tại Đồng bằng sông Cửu Long, mùa mưa năm 2015 đến muộn và kết thúc sớm, dòng chảy thượng nguồn sông Mê Kông bị thiếu hụt, mực nước thấp nhất trong vòng 90 năm qua nên xâm nhập mặn đã xuất hiện sớm hơn so với cùng kỳ hằng năm gần hai tháng, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Tình trạng xâm nhập mặn trong hệ thống sông, kênh, rạch ở khu vực này càng ngày càng gay gắt. Tại khu vực sông Vàm Cỏ, độ mặn lớn nhất đạt từ 8,1 đến 20,3 g/l, cao hơn trung bình nhiều năm từ 5,9 đến 6,2 g/l; phạm vi xâm nhập vào đất liền của độ mặn 4g/l (mức bắt đầu ảnh hưởng đến cây lúa) lớn nhất là 90 km đến 93 km, sâu hơn trung bình nhiều năm từ 10 đến 15 km.
Khu vực các cửa sông thuộc sông Tiền, độ mặn lớn nhất đạt từ 14,6 đến 31,2 g/l, cao hơn trung bình nhiều năm từ 3,2 đến 12,4 g/l; phạm vi xâm nhập vào đất liền của độ mặn 4g/l lớn nhất từ 45 đến 65 km, sâu hơn trung bình nhiều năm từ 20 đến 25 km. Khu vực các cửa sông thuộc sông Hậu, độ mặn lớn nhất đạt từ 16,5 đến 20,5 g/l, cao hơn trung bình nhiều năm từ 5,9 đến 9,3 g/l; phạm vi xâm nhập vào đất liền của độ mặn 4g/l lớn nhất từ 55 đến 60 km, sâu hơn trung bình nhiều năm từ 15 đến 20 km…
Do xâm nhập mặn, từ cuối năm 2015 đến nay, nhiều diện tích cây trồng ở Đồng bằng sông Cửu Long đã bị ảnh hưởng. Vụ Đông Xuân 2015 – 2016, có trên 100 nghìn ha lúa bị ảnh hưởng nặng đến năng suất, chiếm 11% diện tích gieo trồng 8 tỉnh ven biển đang bị ảnh hưởng nặng của xâm nhập mặn. Dự báo, trong thời gian tới, diện tích bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn và thiếu nước là khoảng 340 nghìn ha, chiếm 35,5% diện tích 8 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tiếp giáp với biển.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Long An, đến thời điểm này, Long An đã có trên 8.600 ha lúa bị ảnh hưởng khô hạn và mặn xâm nhập, trong đó, mất trắng trên 2.100 ha, thiệt hại khoảng 100 tỷ đồng. Ông Nguyễn Khánh Hoan, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai tỉnh Bến Tre cho biết, đến nay, địa phương này đã có 19.774 ha lúa bị thiệt hại, cùng với đó là trên 500 ha rau màu cũng mất trắng. Tại các huyện Chợ Lách, Giồng Trôm, Ba Tri, Bình Đại…có trên 100 nghìn cây giống và gần 6.000 ha cây ăn quả bị ảnh hưởng, trong đó cây giống bị thiệt hại nặng nề. Một số vùng giáp biển như Tiền Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang… nước mặn và khô hạn đã làm cháy hầu hết các diện tích lúa, người nông dân mất trắng không thể thu hoạch được gì.
Để chủ động ứng phó, hạn chế khó khăn, giảm thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị các bộ, ngành, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương theo dõi sát tình hình, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị để tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn. Theo đó, các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhanh chóng triển khai các biện pháp cấp bách phù hợp với điều kiện từng địa phương để chủ động ứng phó với xâm nhập mặn như: chủ động vận hành hệ thống thủy lợi kiểm soát soát mặn, nạo vét kênh rạch, khơi thông dòng chảy, đắp đập tạm khoanh vùng ngăn mặn, giữ ngọt… bảo vệ sản xuất, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại cây trồng và diện tích nuôi trồng thủy sản. Các ngành chức năng thông tin kịp thời, hướng dẫn, chỉ đạo sản xuất vụ Hè Thu phù hợp với khả năng nguồn nước; những nơi không bảo đảm nguồn nước cần tuyên truyền, hướng dẫn người dân không gieo sạ để hạn chế thiệt hại, hướng dẫn kỹ thuật để đẩy mạnh phát triển thủy sản trong điều kiện xâm nhập mặn sâu, kéo dài, nguồn nước ngọt hạn chế.
Để kiểm soát xâm nhập mặn trong khu vực, nhiều hệ thống công trình thủy lợi ngăn mặn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã được quan tâm đầu tư xây dựng trong thời gian qua, đó là hệ thống thủy lợi Quản Lộ – Phụng Hiệp, Tứ giác Long Xuyên, Ô Môn – Xà No, Gò Công… Các công trình này đã phát huy hiệu quả, góp phần kiểm soát xâm nhập mặn hằng năm.
Theo các chuyên gia về thủy lợi, vấn đề thiếu hụt nguồn nước ngọt sẽ tác động tiêu cực đến các mặt đời sống kinh tế – xã hội ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Riêng đối với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc thiếu nguồn nước gây ra những khó khăn, tổn thất lớn như thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, trồng cây ăn quả và dân sinh; thiếu nguồn nước ngọt phục vụ cho nuôi trồng thủy sản. Theo dự báo, trong những năm tới, mực nước biển sẽ ngày một dâng cao, khả năng xâm nhập mặn sẽ rất lớn. Lưu lượng nước thượng nguồn về bị giảm sút sẽ không đủ lưu lượng đẩy mặn, nước mặn sẽ xâm nhập sâu vào nội địa.
Bên cạnh đó, nhiệt độ trung bình khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng tăng dần theo thời gian ở tất cả các mùa trong năm, trong đó mức tăng nhiệt độ trong mùa hè và mùa thu cao hơn so với hai mùa đông và xuân. Lượng mưa qua các thập kỷ trong mùa đông và xuân có xu hướng giảm.
Vì vậy, hơn lúc nào hết, cần phải có một giải pháp căn cơ, sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị, của toàn dân, từ Trung ương đến địa phương, để ứng phó những thách thức nói trên, nhất là tình trạng biến đổi khí hậu đang ngày càng tác động xấu đến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và nước ta nói chung.
Theo Dangcongsan.vn

Ý kiến ()