Chủ động ứng phó lũ lớn ở đồng bằng sông Cửu Long và mưa lũ tại Bắc Bộ
Ngày 31-8, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1127/CÐ-TTg chỉ đạo ứng phó lũ lớn ở đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) và mưa lũ tại Bắc Bộ. Theo đó, để hạn chế thiệt hại về người và tài sản của nhân dân và Nhà nước, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Tổng cục Khí tượng – Thủy văn theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động phối hợp các tổ chức quốc tế, các nước trong khu vực và các cơ quan liên quan dự báo sát diễn biến lũ ở ÐBSCL, kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan, địa phương có liên quan để chỉ đạo, ứng phó hiệu quả. |
Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai (PCTT) kịp thời chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan và các địa phương triển khai thực hiện các giải pháp ứng phó thiên tai. Các tỉnh, thành phố khu vực ÐBSCL chủ động chỉ đạo, triển khai ngay các biện pháp phòng, chống lũ để bảo đảm an toàn tính mạng và bảo vệ sản xuất cho người dân. Huy động lực lượng, phương tiện bảo vệ các tuyến đê bao, bờ bao trọng điểm; rà soát lại phương án chủ động bảo đảm an toàn cho dân cư, trường học ven sông, ven kênh rạch và tại các khu vực ngập lụt; Hỗ trợ nhân dân thu hoạch sớm các diện tích lúa hè thu, nhất là tại các khu vực thấp trũng theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để hạn chế thiệt hại. Triển khai phòng, tránh đuối nước trong mùa lũ, nhất là bảo đảm an toàn cho trẻ em và học sinh, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn người, phương tiện đi lại qua các khu vực bị ngập sâu để bảo đảm an toàn… Các tỉnh miền núi phía bắc và Bắc Trung Bộ tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các Chỉ thị: số 19/CT-TTg ngày 13-7-2018 và số 22/CT-TTg ngày 7-8-2018 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, tránh lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và tăng cường quản lý, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước, tập trung khắc phục hậu quả thiên tai. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức vận hành an toàn các hồ đập và công trình thủy lợi, chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp bảo vệ đê điều, sản xuất nông nghiệp giảm thiệt hại cho người dân. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo khắc phục nhanh sự cố sạt lở trên các tuyến giao thông; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện tại các khu vực trọng điểm, xung yếu, sẵn sàng khắc phục sự cố; bảo đảm an toàn đối với các hoạt động giao thông tại vùng ngập lũ. Bộ Giáo dục và Ðào tạo chủ động triển khai các phương án bảo đảm an toàn cho học sinh và học tập của học sinh, nhất là tại vùng ngập lũ ÐBSCL. Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam và các đơn vị quản lý hồ thủy điện triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hồ đập, vận hành an toàn hồ chứa và hệ thống điện. Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị liên quan chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng hỗ trợ địa phương phòng, chống lũ… * Theo Trung tâm Dự báo Khí Tượng – Thủy văn quốc gia, từ ngày hôm nay 1-9, mưa lớn trên diện rộng chấm dứt trên khu vực Bắc Bộ. Tuy nhiên, trong hai đến ba ngày tới, ở vùng núi phía bắc có khả năng có mưa dông rải rác, cục bộ có nơi mưa vừa, mưa to. Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn: cấp 1; tại các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Ðiện Biên: cấp 2. * Hiện, lũ trên sông Thao đang lên nhanh; lũ hạ lưu sông Bưởi, trung hạ lưu sông Mã và sông Cả đang lên. Lũ trên sông Ðà đến hồ Hòa Bình đạt đỉnh ở mức 10.550 m3/s, trên BÐ2 550 m3/s và đang giảm; lũ trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương đạt đỉnh ở mức 5,79 m, trên BÐ2 0,49 m và đang xuống; lũ trên sông Cầu lên chậm và dao động ở mức đỉnh lũ. Ðáng chú ý, lũ trên sông Mã tại Cẩm Thủy (Thanh Hóa) 21,84 m (vượt BÐ3 1,34 m, tương đương lũ lịch sử năm 2007); tại Lý Nhân (Hà Nam) 11,42 m (trên BÐ2 0,42 m). Dự báo, hôm nay 1-9, lũ trên sông Thao tại Yên Bái sẽ đạt đỉnh ở mức 32,60 m (trên BÐ3 0,60 m); tại Phú Thọ lên mức 18,10 m (dưới BÐ2 0,10 m). Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt: cấp 2; riêng tại các tỉnh Thanh Hóa, Yên Bái, Phú Thọ cấp 3. * Tình trạng sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt vùng trũng tiếp tục diễn ra ở vùng núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, đặc biệt tại các tỉnh như: Hòa Bình, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Ðiện Biên, Sơn La, Hà Giang, Bắc Cạn, Thanh Hóa và Nghệ An. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ: cấp 1; tại các tỉnh Hòa Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Lai Châu, Ðiện Biên và Sơn La: cấp 2. * Mưa to liên tục đã làm ngập úng ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Sơn La. Nước lũ đã khiến xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn La bị chia cắt, cô lập từ ba ngày nay; hàng trăm nhà dân tại xã Tạ Bú, huyện Mường La bị ngập nước. Tuyến huyết mạch QL 6 có hàng chục điểm tắc nghẽn do nước ngập cục bộ. Tính đến ngày 31-8, vẫn còn 269 trạm biến áp và 27.301 khách hàng bị mất điện. * Ðêm 30 và sáng 31-8, tại tỉnh Ðiện Biên có mưa rất to khiến hàng trăm hộ dân ở TP Ðiện Biên Phủ, huyện Ðiện Biên bị ngập úng nghiêm trọng. Nước suối Hồng Líu dâng cao gây ngập úng nhiều tài sản, hoa màu của các gia đình ở tổ dân phố 24, 25 phường Mường Thanh bị cuốn trôi. Tại huyện Ðiện Biên, mưa lớn kèm theo lũ từ suối Huổi Lé đã khiến quốc lộ 279 (đoạn qua xã Noong Hẹt) ngập úng nghiêm trọng. Mưa lũ cũng làm quốc lộ 12 (đoạn qua xã Keo Lôm, huyện Ðiện Biên Ðông) bị tắc nghẽn; đường từ TP Ðiện Biên Phủ đi trung tâm huyện Ðiện Biên Ðông tắc hoàn toàn. * Theo Ban Chỉ huy PCTT tỉnh Hòa Bình, mưa lũ, sạt lở đã làm hư hỏng 20 nhà dân tại huyện Ðà Bắc; chín nhà và 114 ha lúa và hoa màu bị ngập tại huyện Kỳ Sơn; huyện Mai Châu, Tân Lạc bị ngập úng, vùi lấp và cuốn trôi hơn 400 ha… Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình vừa ban hành công điện chỉ đạo các sở, ngành địa phương chủ động phòng, chống mưa lũ trên địa bàn, bảo đảm an toàn tuyệt đối các khu vực sạt lở đất, lũ quét; triển khai biện pháp bảo vệ đê điều, công trình thủy lợi, sản xuất nông nghiệp, giảm thiệt hại cho người dân… * Mưa lớn gây lũ ống, làm thiệt hại 11 nhà, trong đó ba nhà ở huyện Sa Pa và Văn Bàn (Lào Cai) bị sập. Ngay trong đêm 30-8, xã Văn Sơn và xã Võ Lao (Văn Bàn) di chuyển gấp 22 nhà ở của người dân do bị ngập… Các quốc lộ 4, 4D, 279 bị sạt lở ta-luy dương, với khối lượng hơn 4.000 m3 đất đá; sạt ta-luy âm tại bốn điểm, với chiều dài hơn 80 km. Tỉnh lộ 151 nối TP Lào Cai với huyện Văn Bàn bị ách tắc cục bộ tại các điểm ngầm Võ Lao, Văn Sơn và Phú Nhuận. Ước tính tổng thiệt hại hơn năm tỷ đồng… * Tại tỉnh Thanh Hóa, do mưa to kéo dài kết hợp một số hồ thủy điện xả lũ đã gây ngập lụt nghiêm trọng trên diện rộng, làm hàng nghìn hộ dân phải di dời khẩn cấp. Nước lũ làm nhiều tuyến đường giao thông bị ngập lụt, nhiều xã thuộc 3 huyện gồm: Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Cẩm Thủy bị chia cắt. Chính quyền các địa phương đã phải sơ tán hàng nghìn hộ dân, với hàng chục nghìn người ra khỏi vùng ngập lụt. Huyện Yên Ðịnh di dời gần 1.400 hộ, huyện Vĩnh Lộc di dời 1.600 hộ đến nơi an toàn. Hiện nay, công tác theo dõi, bám địa bàn và chỉ đạo công tác phòng, chống ngập lụt của các huyện và địa phương trong vùng bị ảnh hưởng vẫn đang được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc nhằm hạn chế thiệt hại. Ở huyện Bá Thước, mưa lũ đã làm năm xã Ðiền Trung, Lâm Xa, Hạ Trung, Lũng Cao và Lưu Trung bị cô lập hoàn toàn, tuyến đường 521B bị ngập trắng nước. Toàn huyện có 145 hộ dân phải di dời khẩn cấp. Huyện đã huy động lực lượng xuống các xã, khẩn trương di dời người dân, tài sản đến nơi an toàn. Tại huyện Quan Hóa, mưa lớn đã làm hơn 200 ngôi nhà bị sập, ngập, hư hỏng nặng, hai cầu treo đổ sập. Toàn huyện có 22 tuyến đường bị tắc và sạt lở, bốn xã bị cô lập hoàn toàn. * Sáng 31-8, tỉnh An Giang mở cửa xả hai đập tràn Tha La và Trà Sư thuộc xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên. Ðây là quy trình vận hành, kiểm soát lũ vùng Tứ giác Long Xuyên có sự thống nhất của các tỉnh An Giang, Kiên Giang và TP Cần Thơ. Tại thời điểm xả đập, mực nước lũ cao nhất lên đến 4m, trong khi thân đập chỉ có thiết kế 3,8 m. Do lũ đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên nhanh, chênh lệch giữa mực nước trong và ngoài thân đập khá cao, gây áp lực lớn nên buộc phải xả đập sớm hơn dự kiến ba ngày nhằm giảm áp lực nước để bảo vệ an toàn đập và các vùng ngoài đê bao. Theo Tổng cục Thủy lợi, khu vực Bắc Bộ có 111 trong số 289 hồ chứa lớn và 1.112 trong số 2.696 hồ chứa nhỏ tích đầy nước; khu vực Bắc Trung Bộ có 27 trong số 135 hồ chứa lớn và 1.175 trong số 1.785 hồ chứa nhỏ tích đầy nước. Hiện, các hồ chứa đang chủ động vận hành bảo đảm an toàn; các hồ chứa nhỏ do các địa phương quản lý tăng cường kiểm tra, theo dõi diễn biến mực nước và hiện trạng công trình. Ðến nay, các hồ chứa đều bảo đảm an toàn. |
Theo Nhandan
Ý kiến ()