Chủ động ứng phó khi giá điện tăng
Sản xuất thép là ngành công nghiệp sử dụng nhiều điện năng. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất thép ở Công ty cổ phần Thép Việt Đức.
Tác động mạnh đầu vào
Theo kết quả thống kê, đứng đầu về tiêu thụ điện năng là ngành xi-măng chiếm khoảng 21% tổng mức tiêu thụ toàn ngành công nghiệp tại Việt Nam, gồm các ngành chính như: sắt thép, hóa chất, dầu khí, xi-măng, vật liệu xây dựng, dệt may, thuốc lá…,
Do đó, bất cứ một tác động nhỏ nào ảnh hưởng đến giá cả đều gây bất lợi cho kế hoạch SXKD, nhất là các yếu tố đầu vào như điện, than… Dự kiến, giá bán xi-măng sẽ tăng nhẹ, khoảng 30 nghìn đồng/tấn. Tổng Giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Xi-măng Việt Nam (VICEM) Bùi Hồng Minh cho biết, khả năng tăng trưởng của các dây chuyền sản xuất của VICEM đã cạn khi tăng hơn 10% so với công suất thiết kế, do đó chi phí năng lượng tăng cao, chắc chắn sẽ tác động đến hiệu quả SXKD.
Cùng chung nhận định, Chánh Văn phòng Công ty Xi-măng VICEM Hoàng Thạch Đỗ Công Hoan cho rằng, theo tính toán sơ bộ, việc điều chỉnh giá điện lần này làm tăng khoảng 6.300 đồng/tấn clanh-ke và khoảng 4.200 đồng/tấn xi-măng, dẫn đến chi phí cho tổng sản phẩm cả năm sẽ “đội lên” khoảng 400 tỷ đồng và nếu tính cả giá than tăng, con số này còn lớn hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, một số dây chuyền, thiết bị của đơn vị đã cũ, dẫn đến mức tiêu hao nguyên, nhiên liệu còn cao… Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI) Đào Phan Long đánh giá: cơ khí là ngành có nhu cầu sử dụng điện lớn, vì thế giá điện tăng chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động SXKD của các DN ngành cơ khí.
Ngành thép là một trong những ngành chịu nhiều ảnh hưởng nhất. Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) Trịnh Khôi Nguyên cho biết, ngành thép đang phải đối mặt không chỉ với ảnh hưởng trực tiếp từ giá điện tăng làm cho giá thành sản phẩm tăng, mà còn chịu ảnh hưởng gián tiếp do giá điện cũng tác động lên giá cả vật tư, nguyên liệu và dịch vụ từ các nhà cung cấp. Hiện, công nghệ sản xuất thép có hai loại là từ lò điện và lò cao. Lò điện tiêu thụ điện năng rất nhiều và bị ảnh hưởng lớn khi giá điện tăng bởi phôi thép được sản xuất ra bằng công nghệ lò điện tốn trung bình khoảng 540 kW giờ/tấn sản phẩm. Công nghệ lò cao có chịu ảnh hưởng, nhưng nhẹ hơn do chỉ sử dụng khoảng 360 kW giờ/tấn sản phẩm. Hiện, chi phí điện năng tại các nhà máy luyện thép của VNSTEEL đang chiếm khoảng từ 9 đến 12% giá thành sản xuất phôi thép và chiếm từ 2 đến 4% trong giá thành sản xuất thép cán. Giá điện tăng 8,36% trong điều kiện các yếu tố khác ổn định, sẽ đẩy giá thành luyện phôi thép tăng thêm từ 80 nghìn đến 100 nghìn đồng/tấn, giá thành thép cán tăng thêm từ 30 nghìn đến 40 nghìn đồng/tấn.
Nhiều giải pháp linh hoạt
Giá điện tăng là không thể tránh khỏi trong bối cảnh hiện nay. Vì vậy, các DN đã có những dự liệu để ứng phó tình hình. Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nguyễn Văn Sưa cho rằng, không có cách nào khác là DN phải đổi mới công nghệ, thay đổi quy trình sản xuất, thời gian làm việc vào giờ thấp điểm, tận dụng đến mức cao nhất năng lượng thiên nhiên để giảm tiêu thụ điện năng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Bởi, trong bối cảnh xu hướng các nguyên liệu đầu vào ngành thép đều có dấu hiệu tăng giá, giờ lại thêm giá điện tăng chắc chắn các DN trong nước sẽ phải đương đầu với tình cảnh khó khăn, cho nên tiết kiệm chi phí tối đa mới bảo đảm lợi nhuận không sụt giảm. Với giá điện tăng 8,36%, ước tính giá thành sản xuất thép tăng thêm khoảng 100 nghìn đồng/tấn. Các nhà sản xuất trong nước phải tính toán thận trọng mức tăng thế nào để bảo đảm tính cạnh tranh cũng như lợi nhuận cho DN bởi nhìn tổng thể giá thép nhập khẩu từ các nước vào nước ta, đặc biệt là thép Trung Quốc đang hết sức cạnh tranh, nhiều loại còn rẻ hơn thép sản xuất trong nước. Phó Tổng Giám đốc VNSTEEL Trịnh Khôi Nguyên cho biết, như vậy, giá điện tăng, không còn cách nào khác DN phải tăng giá thép bán ra nhằm bảo đảm lợi nhuận. Tuy nhiên, để giảm bớt những tác động do giá điện tăng cao, giải pháp lâu dài của VNSTEEL vẫn là tiếp tục chỉ đạo các đơn vị sản xuất trong hệ thống phải tăng cường áp dụng các giải pháp về quản lý, tối ưu hóa sản xuất. Đẩy mạnh nghiên cứu áp dụng các giải pháp kỹ thuật như: lắp đặt các loại biến tần tiết kiệm điện; đầu tư thay thế các thiết bị đang tiêu thụ điện năng lớn; sử dụng tối đa năng lượng thu hồi từ sản xuất; tính toán đến các nguồn năng lượng thay thế khác.
Tổng Giám đốc VICEM cho biết, việc tăng giá điện than đều đã được Tổng công ty tính toán kỹ và xác định phải có nhiều giải pháp đồng bộ mới có thể bảo đảm tăng trưởng. Cụ thể, Tổng công ty tiếp tục rà soát nhằm giảm chi phí, nhất là chi phí năng lượng, bảo đảm hiệu suất các dây chuyền hiện tại, nâng cao năng suất lao động, đầu tư mở rộng năng lực sản xuất. Hiện, VICEM đang tập trung nghiên cứu kế hoạch tổng thể xây dựng hệ thống thu hồi nhiệt khí thải lò nung để phát điện cho các dây chuyền trong toàn Tổng công ty hiệu quả nhất. Công tác này đòi hỏi phải có những tính toán hợp lý và cũng cần sự hỗ trợ, nhất là về nguồn vốn. Tăng cường sử dụng tro, xỉ nhà máy nhiệt điện vào sản xuất xi-măng theo đúng cơ chế thị trường, triển khai tốt chương trình tiết kiệm tài nguyên, năng lượng thông qua thử nghiệm đốt rác thải cho các lò nung. Đồng thời, tiếp tục đổi mới mô hình quản trị, tái cơ cấu theo hướng Tổng công ty chỉ hỗ trợ, giao mục tiêu, giám sát, tăng cường phối hợp chứ không can thiệp trực tiếp công việc của các đơn vị thành viên.
Trong khi đó, Công ty Xi-măng VICEM Hoàng Thạch tập trung nghiên cứu, triển khai chương trình cải tạo các dây chuyền theo chiều sâu, từng bước cải tiến công nghệ, tăng cường hợp lý hóa sản xuất nhằm nâng cao năng suất, giảm tiêu hao nguyên, nhiên liệu và điện năng. Công ty đã triển khai siết và khoán chi phí điện năng đến từng bộ phận, công đoạn sản xuất. Các biện pháp chạy máy nghiền được điều chỉnh linh hoạt, chủ động tránh các giờ cao điểm tiêu thụ điện, đẩy mạnh áp dụng các sáng kiến kỹ thuật nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí. Hiện, công ty đang tích cực cùng VICEM nghiên cứu triển khai hệ thống thu hồi nhiệt khí thải lò nung để phát điện, tuy nhiên khó khăn lớn nhất là vốn, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt hiện nay. Chủ tịch VAMI Đào Phan Long nhận định, để hạn chế bớt tác động, các DN cơ khí cần nhanh chóng thay đổi thiết bị công nghệ, chuyển sang sử dụng các công nghệ tiêu hao năng lượng ít hơn. Hạn chế việc sử dụng lại các công nghệ lạc hậu tiêu tốn nhiều điện năng. Bên cạnh đó, từng DN cũng cần chú trọng vào việc quản lý nhu cầu dùng điện, giảm tải thất thoát để giảm chi phí điện năng.
Cục trưởng Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) Nguyễn Anh Tuấn cho biết, năm 2018, ngành điện có hơn 400 nghìn khách hàng kinh doanh. Khi giá điện tăng, bình quân mỗi khách hàng sẽ phải trả thêm 500 nghìn đồng/tháng. Chúng ta cũng đang có hơn 1,4 triệu khách hàng sản xuất và theo tính toán, họ sẽ phải trả bình quân 12,39 triệu đồng/tháng, tăng thêm khoảng 870 nghìn đồng/tháng so với trước. Cục Điều tiết điện lực đã khảo sát khoảng 40 DN sản xuất sắt thép và xi-măng, là những DN có nhu cầu sử dụng điện rất lớn. Căn cứ vào độ chênh lệch giá điện giữa giờ thấp điểm và cao điểm, khi các DN SXKD hợp lý sẽ giúp giảm đáng kể chi phí sử dụng điện.
Cụ thể với các khách hàng xi-măng, khi giá điện tăng, có khách hàng sẽ phải trả thêm 7,19% cho chi phí tiền điện mỗi tháng, nhưng cũng có khách hàng phải trả thêm đến 8,44%. Điều này phụ thuộc chủ yếu đến việc sử dụng điện hợp lý, tránh giờ cao điểm. Ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cần tiếp tục vận động người dân cũng như các khách hàng sử dụng điện tham gia tích cực Chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu điện giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2030 để việc sử dụng điện được tiết kiệm, hiệu quả và mang lại hiệu suất cao nhất.
Theo Nhandan
Ý kiến ()