Chủ động ứng phó diễn biến bất thường của thời tiết
Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư cho biết, do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía tây cho nên khu vực đồng bằng Bắc Bộ, một số nơi ở tây Bắc Bộ (tập trung ở hai tỉnh Sơn La và Hòa Bình) sẽ xảy ra nắng nóng cộng với độ ẩm không khí hơn 60% tạo cảm giác oi bức về trưa và chiều.
Nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến 35 đến 36oC, có nơi cao hơn 36oC. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên đã xảy ra nắng nóng trên diện rộng với nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến 35 đến 37oC, có nơi hơn 37oC. Từ ngày 25-6, nắng nóng ở các tỉnh miền trung sẽ dịu dần
* Trước diễn biến bất thường của thời tiết, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ban hành Chỉ thị số 1627/CT-EVN về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2017. Theo đó, tập đoàn yêu cầu các công ty thủy điện trực thuộc kiểm tra và thực hiện nghiêm các quy định về quản lý an toàn đập, công trình, thiết bị đóng mở ở đập tràn, nguồn điện đi-ê-den dự phòng, bảo đảm có đầy đủ số liệu thủy văn để vận hành hồ chứa. Bên cạnh đó, các đơn vị rà soát, đánh giá, cập nhật, sửa đổi, bổ sung phương án phòng, chống lũ lụt vùng hạ du, quy chế phối hợp với địa phương và các cơ quan liên quan (bao gồm cả cơ quan khí tượng thủy văn), cơ chế phối hợp vận hành, điều tiết xả lũ các hồ chứa trên cùng lưu vực để sát với thực tế…
* Sáng 23-6, khu vực trung tâm TP Thái Nguyên và một số huyện của tỉnh Thái Nguyên có mưa rất to gây ngập úng nhiều tuyến đường, đe dọa an toàn nhiều đoạn đê, hồ, đập. UBND tỉnh Thái Nguyên đã yêu cầu UBND thành phố Thái Nguyên khẩn trương lập phương án phòng, chống lụt bão tuyến đê hữu sông Cầu qua TP Thái Nguyên, đoạn Km2 600 đến Km4 800; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp các cơ quan chức năng chuẩn bị kỹ các phương án xấu có thể xảy ra tại các điểm đập chính của hồ Núi Cốc, hiện có hiện tượng thấm vai đập phía bờ hữu từ cao trình 45m đến 46m; một số vị trí thấm ở khu vực giữa mái hạ lưu đập ở cao trình 38m với chiều rộng khoảng 150 m. Các ngành công an, quân sự của tỉnh, huyện Phú Bình căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ đã khẩn trương xây dựng kế hoạch ứng phó, tổ chức lực lượng kịp thời giúp đỡ nhân dân khi cần thiết.
* Từ nay đến năm 2020, tỉnh Điện Biên tiếp tục di dời 74 hộ dân đặc biệt khó khăn sống tại những vị trí có nguy cơ sạt lở, lũ quét ở các bản Suối Lư I, II (xã Keo Lôm), bản Suối Lư III (xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông) đến định cư tại khu vực bãi Huổi Po, xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông. Trong đó, 54 hộ dân di chuyển sẽ được hỗ trợ và đền bù đất đai, di chuyển đồ đạc, mua nguyên vật liệu làm nhà với định mức hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ; 20 hộ ổn định tại chỗ được hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ.
* Hiện nay, một số liên kết giữa các khối bê-tông bảo vệ mái kè đoạn đê xung yếu bờ biển xã Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh bị sụt lún phá vỡ, khi sóng đánh vào bờ cuốn trôi cát nền bên trong thân kè, gây hư hỏng, sụp lún khoảng 70 vị trí, với tổng diện tích khoảng hơn 2.500 m2. Trong số này, có 11 vị trí sụt lún nghiêm trọng, với diện tích khoảng 700 m2, độ lún sâu khoảng 0,6 m so với mặt phẳng của mái kè hiện tại. Ngoài ra, các đợt sóng to với áp lực lớn cũng đã làm bong tróc các lớp bê-tông bảo vệ tường chắn sóng. Để bảo vệ thân kè, UBND tỉnh Trà Vinh đã chi 980 triệu đồng từ quỹ phòng, chống thiên tai để sửa chữa khẩn cấp.
Theo Nhandan
Ý kiến ()