Chủ động ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất
(LSO) – Vụ mùa 2018 vừa qua, 20 hộ nông dân tại xã Thanh Lòa, huyện Cao Lộc thí điểm gieo cấy giống lúa lai 3 dòng Liên ưu 362 trên tổng diện tích 3,6 ha. Đây là giống lúa mới nằm trong dự án “Hợp tác quốc tế khảo nghiệm một số giống cây trồng mới tại Lạng Sơn” do Hội Làm vườn phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ triển khai thực hiện. Qua đánh giá cho thấy: giống lúa Liên ưu 362 có nhiều đặc điểm phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và tập quán chăm sóc của nông dân trên địa bàn tỉnh. Chính vì vậy, hội làm vườn đã vận động hội viên đưa vào sản xuất. Sau một thời gian chăm sóc, kết quả cho thấy, giống lúa Liên ưu 362 cho năng suất 72,22 tạ/ha, cao hơn 1,8 lần lúa bao thai. Đặc biệt, thời gian từ khi gieo cấy đến khi thu hoạch ngắn hơn 45 ngày so với các giống lúa thông thường. Cùng đó, chất lượng gạo cũng thơm ngon, đảm bảo các tiêu chí đề ra.
Thành công từ mô hình trồng thử nghiệm giống lúa lai 3 dòng Liên ưu 362 đã làm thay đổi nhận thức và tập quán canh tác của người dân. Việc đưa giống lúa lai 3 dòng Liên ưu 362 vào sản xuất sẽ tránh được tình trạng lúa trỗ gặp gió mùa Đông Bắc về sớm làm ảnh hưởng đến năng suất, góp phần tăng năng suất vụ mùa và thêm thu nhập cho nông dân. Đây là cơ sở để nông dân lựa chọn cơ cấu lúa lai trong vụ mùa. Không riêng dự án này, thời gian qua, nhiều dự án do hội làm vườn thực hiện đã giúp nông dân có thêm nhiều gợi ý thiết thực trong sản xuất.
Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh trao đổi kinh nghiệm trồng giống lạc L19 với chuyên gia và cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ
Bà Trình Thị Luyến, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh cho biết: Toàn tỉnh có 154 chi hội làm vườn cấp xã, 497 chi hội làm vườn cấp thôn với 12.639 hội viên tham gia sinh hoạt. Để hội viên ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, công tác tuyên truyền, hướng dẫn được hội đặc biệt quan tâm. Các buổi sinh hoạt chi hội được tổ chức tại gia đình hội viên sản xuất giỏi, có ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và mang lại hiệu quả cao. Đây là dịp để hội viên trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Cùng đó, chúng tôi cũng tích cực thông tin những thành công của các đề tài, dự án cho hội triển khai đến hội viên.
Song song với công tác tuyên truyền, Hội Làm vườn tỉnh chủ động phối hợp với các ngành liên quan đảm nhận thực hiện các đề tài, dự án. Hiện tỉnh hội trực tiếp thực hiện 4 đề tài, dự án gồm: chăn nuôi gà an toàn sinh học gắn với tiêu thụ sản phẩm; nghiên cứu khảo nghiệm, tuyển chọn một số giống lạc năng suất cao phù hợp với điều kiện sinh thái tỉnh Lạng Sơn; trồng khoai tây thương phẩm chất lượng cao kết hợp sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; khảo nghiệm một số cây trồng mới tại Lạng Sơn. Từ thành công của các mô hình thí điểm Hội Làm vườn tỉnh đã xây dựng quy trình chăm sóc, đưa ra những kết luận hữu ích giúp bà con xác định loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng mùa, vụ, loại đất.
Từ những thí điểm ban đầu, hội đã vận động hội viên áp dụng vào thực tế sản xuất. Trong năm 2018, đã có 95 mô hình áp dụng thành công các đề tài, dự án vào sản xuất, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế tích cực cho hội viên. Bà Tô Thị Hạ, xã Thạch Đạn cho biết: Vừa qua, gia đình tôi được tham gia trồng thử nghiệm 1 sào lạc giống L19. Sau 3 tháng trồng và chăm sóc năng suất giống lạc L19 cao hơn 40% so với giống thường trồng. Cùng đó, chúng tôi kết hợp một số phương pháp trồng mới nên không mất nhiều công chăm sóc song hiệu quả kinh tế tăng lên đáng kể.
Năm 2018, hội làm vườn các huyện cũng nhân rộng các mô hình trồng cam, quýt tại huyện Tràng Định; sản xuất quýt vàng theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Bắc Sơn; trồng thanh long, chanh leo, nấm linh chi, chăn nuôi bò sinh sản tại huyện Bình Gia; trồng ba kích tím tại huyện Đình Lập; trồng 80 ha rừng sản xuất tại huyện Chi Lăng. Bên cạnh đưa những cây trồng giống mới vào sản xuất, hội làm vườn các cấp khuyến khích hội viên áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Những mô hình này đã đưa ra thị trường các sản phẩm được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đánh giá cao như quýt VietGap, chanh leo, ba kích…
Tập quán canh tác của các người dân trên địa bàn tỉnh vẫn còn manh mún nhỏ lẻ, khả năng tiếp cận, áp dụng và liên kết sản xuất còn hạn chế. Vì vậy, sự chủ động vào cuộc của hội làm vườn góp phần giúp hội viên xác định hướng sản xuất, nhu cầu thị trường từ đó đưa ra những sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
HOÀNG VƯƠNG
Ý kiến ()