Chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay, chân, miệng
Ngày 18-8, Thủ tướng Chính phủ đã gửi công điện đến các địa phương, ngành yêu cầu khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay, chân, miệng.Toàn văn như sau:Bệnh dịch tay, chân, miệng là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với trẻ em dưới năm tuổi, đang có tốc độ lây lan nhanh, gây nguy hại rất lớn đến sức khỏe và tính mạng của trẻ nhỏ. Từ đầu năm 2011 đến nay, cả nước đã ghi nhận 32 nghìn 588 trường hợp mắc tay, chân, miệng tại 52 địa phương, trong đó đã có 81 trường hợp tử vong tại 17 tỉnh, thành phố, hiện tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố khu vực miền nam và đang có xu hướng lan rộng, trong khi một số địa phương chưa thật sự tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch; các biện pháp tuyên truyền vận động thực hiện vệ sinh phòng bệnh chưa hiệu quả. Để sớm khống chế và ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Chỉ đạo các cấp, các...
Toàn văn như sau:
Bệnh dịch tay, chân, miệng là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với trẻ em dưới năm tuổi, đang có tốc độ lây lan nhanh, gây nguy hại rất lớn đến sức khỏe và tính mạng của trẻ nhỏ. Từ đầu năm 2011 đến nay, cả nước đã ghi nhận 32 nghìn 588 trường hợp mắc tay, chân, miệng tại 52 địa phương, trong đó đã có 81 trường hợp tử vong tại 17 tỉnh, thành phố, hiện tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố khu vực miền nam và đang có xu hướng lan rộng, trong khi một số địa phương chưa thật sự tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch; các biện pháp tuyên truyền vận động thực hiện vệ sinh phòng bệnh chưa hiệu quả. Để sớm khống chế và ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Chỉ đạo các cấp, các ban, ngành, đoàn thể xã hội của địa phương, với sự tham mưu của ngành y tế tập trung làm tốt công tác thông tin tuyên truyền vận động nhân dân chủ động tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay, chân, miệng ngay tại hộ gia đình, tại cộng đồng, đặc biệt là tại các nhà trẻ mẫu giáo.
Nắm chắc tình hình dịch bệnh trên địa bàn; đồng thời căn cứ Luật Phòng chống các bệnh truyền nhiễm và Quyết định số 64/2010/QĐ-TTg ngày 25-10-2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm để thực hiện việc công bố dịch và công bố hết dịch đúng thời điểm. Tổ chức làm vệ sinh môi trường, làm sạch nền nhà, bề mặt bàn ghế, đồ chơi của trẻ em. Hướng dẫn việc thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trong các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ và trong các hộ gia đình có trẻ dưới sáu tuổi bằng nước xà phòng, hóa chất khử khuẩn thông thường hoặc Chloramin B. Tăng cường kiểm tra việc bảo đảm vệ sinh trong chế biến đồ ăn, nước uống của trẻ. Bộ Y tế chỉ đạo hệ thống y tế theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài. Chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, phương tiện điều trị và giường bệnh, tổ chức tốt phân loại bệnh nhân, phân tuyến điều trị để kịp thời tiếp nhận điều trị sớm bệnh nhân, hạn chế tối đa biến chứng và tử vong do bệnh tay, chân, miệng. Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên toàn quốc (đặc biệt là các trường mẫu giáo, mầm non, nhóm trẻ gia đình) phối hợp ngành y tế trên địa bàn triển khai các biện pháp thiết thực để phòng bệnh tay, chân, miệng trong mùa tựu trường năm học 2011 – 2012. Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông phối hợp các bộ, ngành liên quan. UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác giáo dục, truyền thông về phòng, chống dịch bệnh tay, chân, miệng để nâng cao hiểu biết, nhận thức về nguy cơ và tác hại của dịch bệnh, đồng thời chủ động, tự giác thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh có hiệu quả; nghiêm cấm đưa tin sai sự thật gây hoang mang trong cộng đồng, xã hội. Đề nghị Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các đoàn thể nhân dân tích cực và chủ động tham gia cùng chính quyền các cấp và ngành y tế thực hiện có hiệu quả các hoạt động phòng, chống bệnh tay, chân, miệng, bảo vệ sức khỏe và tính mạng nhân dân.
* Ngày 18-8, Bộ trưởng Y tế có chỉ thị yêu cầu tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh tay, chân, miệng có hiệu quả, hạn chế tỷ lệ mắc và tử vong, không để dịch lớn xảy ra. Theo đó, ngành y tế các địa phương cũng như các đơn vị có liên quan khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, từ tổ chức việc giám sát, xử lý ổ dịch, không để dịch lan rộng kéo dài đến tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, làm sạch nền nhà, bề mặt bàn ghế, đồ chơi, vật dụng của trẻ trong các hộ gia đình, nhóm trẻ tập trung, nhà trẻ, mẫu giáo; thống kê phân tích đặc điểm dịch tễ, các yếu tố nguy cơ để tập trung hoạt động phòng, chống dịch có hiệu quả. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục phòng, chống dịch bệnh với các hình thức đa dạng, phong phú để mọi người dân nhận thức đúng, đủ về nguy cơ và tác hại của dịch bệnh, đồng thời chủ động, tự giác thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh có hiệu quả. Các bệnh viện chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị y tế và các phương tiện cần thiết khác để kịp thời hỗ trợ các địa phương trong việc chẩn đoán, thu dung và điều trị bệnh nhân; cử cán bộ chuyên môn hỗ trợ các địa phương xảy ra dịch.
* Trước diễn biến phức tạp của bệnh tay, chân, miệng (TCM), ngành y tế khuyến cáo, bên cạnh các biện pháp khẩn trương phòng, chống dịch bệnh của các ngành chức năng, người dân cần chủ động, tự giác thực hiện phòng bệnh tại gia đình. Theo Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Ninh Thuận Nguyễn Nhị Linh, do hiện nay chưa có vắc-xin phòng bệnh và không có thuốc điều trị đặc hiệu, cho nên để kiểm soát và hạn chế dịch bệnh TCM, điều quan trọng nhất là sự chủ động phòng ngừa của người dân, nhất là những phụ huynh có trẻ nhỏ. Người lớn có thể mang vi-rút nhưng không phát bệnh, tuy nhiên lại có khả năng lây truyền cho trẻ nhỏ, vì vậy bên cạnh giữ vệ sinh cho trẻ em, người lớn cũng phải chủ động giữ vệ sinh cho bản thân. Người dân cần nắm được những triệu chứng cơ bản của bệnh TCM để kịp thời phát hiện bệnh sớm.
Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng, từ đầu năm đến nay, tỉnh Ninh Thuận đã ghi nhận 203 trường hợp mắc bệnh TCM. Số ca mắc bệnh TCM có tăng, tuy nhiên số ca mắc mới không nhiều.
Trước tình hình bệnh TCM đang diễn biến hết sức phức tạp, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang đã chỉ đạo các trường học phổ thông phối hợp ngành y tế tiến hành tổng vệ sinh, chủ động phòng ngừa dịch bệnh, tuyên truyền và có giải pháp phòng ngừa không để dịch bệnh TCM, sốt xuất huyết ảnh hưởng việc học tập của học sinh. Đối với các lớp bán trú mầm non, ngành chỉ đạo làm vệ sinh sạch sẽ bếp ăn, chỗ ở, bảo đảm sức khỏe học sinh, phối hợp y tế dự phòng tập huấn phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết và TCM cho cán bộ, giáo viên nhằm theo dõi kiểm soát dịch bệnh trong suốt thời gian học. Đến nay, tỉnh An Giang đã có hơn 510 trường hợp mắc bệnh TCM, một ca đã tử vong.
* Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, ngày 18-8, thành phố có thêm hai bé gái chết do bệnh TCM. Trường hợp đầu tiên bé N.L.B.N, bốn tuổi, ngụ tại phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân. Ngày 14- 8, bé N khởi phát bệnh với triệu chứng sốt, đau họng, sau đó được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Trường hợp thứ hai là bé V.L.Đ, một tuổi, ngụ tại phường 14, quận 6. Ngày 15-8 bé khởi phát bệnh với triệu chứng nôn ói nhiều và được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Trước khi về sống tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 8-8, bé Đ có sống tại TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.
Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh đã tiến hành điều tra dịch tễ và vệ sinh khử khuẩn khu vực sinh sống của hai ca tử vong do bệnh TCM. Trung tâm đang tiếp tục điều tra dịch tễ tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 và 2; đồng thời cấp hóa chất vệ sinh khử khuẩn và giám sát việc vệ sinh khử khuẩn tại các hộ trong khu phố nơi hai bé sinh sống.
Theo Nhandan
Ý kiến ()