Chủ động từ công tác dự báo
LSO-Trong hội nghị rút kinh nghiệm công tác phòng, chống bão số 2 vừa qua, đồng chí Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: chủ động là yếu tố quyết định trong phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Tất nhiên là phải chủ động ngay từ khâu dự báo, cảnh báo, bởi từ đó các cơ sở mới có thể dự liệu để chủ động các khâu tiếp theo.
Cán bộ Trung tâm Khí tượng thủy văn Lạng Sơn thảo luận trực tuyến với các trung tâm trong khu vực Đông Bắc |
Hội chẩn bệnh của …Trời
Vừa trải qua cơn bão số 2 với những thiệt hại nặng nề, nên mấy ngày qua nghe dự báo thời tiết về vùng áp thấp nhiệt đới có thể gây mưa lớn trên địa bàn, nhiều người dân Xứ Lạng thấp thỏm không yên. Đúng 14h30’ ngày 8/9/2014, khi tôi có mặt tại Trung tâm khí tượng thủy văn Lạng Sơn, Giám đốc Trung tâm Hà Văn Tiên mời luôn: mời Nhà báo tham dự cuộc thảo luận trực tuyến của sáu trung tâm trực thuộc Đài khí tượng thủy văn Khu vực Đông Bắc (bao gồm Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng).
Người “ngoại đạo” như tôi nghe một lúc đâm ra… rối trí. Ngồn ngộn trong cuộc thảo luận ấy là những từ chuyên môn. Gọi đây là cuộc hội chẩn cũng chẳng ngoa, bởi mọi “triệu chứng” của trời được phân tích từ các bản đồ; ảnh mây vệ tinh; tổng hợp bản tin dự báo hạn ngắn, hạn vừa và dài của Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương, Phòng dự báo khí tượng thuỷ văn khu vực Đông Bắc; giản đồ dự báo mưa… đều được các Trung tâm thảo luận, phân tích.
Điều đáng lo là tất cả các Trung tâm thuộc Đài khí tượng thủy văn Khu vực Đông Bắc đều chung nhận định là do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, sẽ có mưa tập trung ở khu vực Lạng Sơn, Quảng Ninh. Nhưng điều mừng là áp thấp nhiệt đới đã đổi hướng và sẽ sớm suy yếu thành vùng áp thấp, do vậy mặc dù có mưa nhưng cũng chỉ ở mức mưa vừa đến mưa to. Khó có khả năng gây lũ, lụt hay sạt lở. Những thông tin ấy được cán bộ Trung tâm thảo luận và phân tích, xem xét thêm một lần nữa để ra được bản dự báo có tính chính xác cao nhất, một mặt tham mưu cho Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, mặt khác phát bản tin rộng rãi thông qua phương tiện thông tin đại chúng cho nhân dân nắm được để họ yên tâm.
Không bị động trước thời tiết cực đoan
Về hạ tầng phục vụ công tác dự báo, Lạng Sơn còn rất nhiều hạn chế. Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 9 trạm đo mưa. Khoảng cách rất thưa, lên tới 60-70 km mới có một trạm. Chỉ riêng yếu tố này cũng đã gây rất nhiều khó khăn cho công tác dự báo. Trong các cuộc họp về phòng chống lụt bão, sạt lở đất vừa qua, tỉnh cũng đã kiến nghị với Trung ương về đầu tư, hiện đại hóa các trang thiết bị phục vụ cho công tác dự báo. Tuy nhiên những trang bị này không phải một sớm một chiều có thể trang bị được.
Mỗi bản tin dự báo, cảnh báo phát ra rất quan trọng. Cảnh báo chưa tới, hay cảnh báo quá mức đều gây ra thiệt hại về kinh tế, bất an trong nhân dân. Ông Hà Văn Tiên, Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn tâm sự: người làm công tác khí tượng thuỷ văn cần thiết phải hội đủ 2 yếu tố là kiến thức và kinh nghiệm. Kiến thức chuyên môn vững vàng để đưa ra những nhận định lý tính từ những con số khô khan, những biểu đồ, bản đồ “nhằng nhịt”. Đồng thời người làm dự báo vẫn cần có sự nhạy cảm với thời tiết, hay nói đúng hơn đó là kinh nghiệm công tác để có thể kết hợp giữa cảm tính và lý tính đưa ra những kết luận chính xác và kịp thời nhất. Khi có dấu hiệu bất thường, tất cả cán bộ của Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn đều phải trực 24/24h, các trạm đo cũng phải hoạt động với tần suất gấp 3 bình thường.
Ông Hà Văn Tiên khẳng định: trong điều kiện nào thì cũng phải cố gắng ở mức cao nhất, dự báo một cách chính xác nhất. Không để các cấp, ngành và nhân dân bất ngờ, bị động trước các hiện tượng cực đoan của thời tiết.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()