Chủ động trước mùa mưa bão
LSO-Trong những năm qua, tình hình thiên tai bão lũ trên địa bàn tỉnh có những diễn biến phức tạp. Trước đây, trong mùa mưa bão, Lạng Sơn chủ yếu chịu ảnh hưởng của lũ, sét, giông lốc...Tuy nhiên năm 2014, hiện tượng lở đất lại là nguyên nhân hàng đầu gây thiệt hại về người và của.
Dọn vệ sinh môi trường sau cơn bão số 2, năm 2014 tại huyện Tràng Định |
XÂY DỰNG BẢN ĐỒ PHÂN VÙNG CÓ NGUY CƠ CAO
Năm 2014 là năm thiên tai ảnh hưởng nặng nề đến Lạng Sơn. Từ tháng 7 đến tháng 9/2014, trên địa bàn tỉnh liên tiếp chịu ảnh hưởng của cơn bão số 2 và số 3. Nhờ báo và phân tích tình hình kịp thời, toàn tỉnh đã chủ động, huy động các lực lượng ứng phó với thiên tai.
Trong hai cơn bão năm 2014, toàn tỉnh đã huy động lực lượng bao gồm công an, quân đội, thanh niên xung kích…với trên 20 nghìn người để ứng cứu, di dời người và tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm. Có trên 8.000 hộ gia đình được sơ tán ra khỏi vùng ngập sâu; hàng ngàn quầy hàng tại các chợ lớn như chợ Đông Kinh, Giếng Vuông và số lượng lớn máy móc, thiết bị tại các trường học, bệnh viện, cơ quan… được di dời đến nơi an toàn.
Mặc dù đã rất chủ động, nhưng thiệt hại do bão lũ vẫn rất lớn. Trong đó sạt lở đất trở thành nguy cơ hàng đầu gây nguy hiểm đến tính mạng người dân. Điển hình là vụ sạt lở đất trung tuần tháng 9/2014, trên địa bàn huyện Cao Lộc làm chết 6 người và bị thương 5 người. Tổng thiệt hại do thiên tai trong năm 2014, Lạng Sơn có 16 người chết, 6 người bị thương; tổng thiệt hại vật chất ước tính trên 600 tỷ đồng.
Triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2015, đồng chí Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo một trong những nhiệm vụ trọng tâm là: xây dựng bản đồ phân vùng ngập úng, lũ quét, sạt lở đất cho mỗi xã để theo dõi, chỉ đạo công tác phòng, chống và ứng phó với thiên tai, trước mắt tập trung xây dựng ở các khu vực thường bị ảnh hưởng mỗi khi có bão, lũ và ở những nơi có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét. Đây là việc rất quan trọng, đảm bảo việc di dời, sơ tán người và tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm kịp thời, giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra.
NÂNG CAO NĂNG LỰC DỰ BÁO
Các kế hoạch, phương án đưa ra cụ thể, chi tết và phù hợp, nhưng nếu dự báo, thông tin không kịp thời thì mọi phương án, kế hoạch ấy đều khó có thể triển khai. Do vậy nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và liên tục.
Ông Hà Văn Tiên, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Lạng Sơn cho biết: với biên chế chỉ có 7 người làm công tác dự báo, kiêm nhiệm quản lý đo mưa, cấp phát máy đo cho các đơn vị trạm, Đài đã chủ động tổ chức phân ca, trực ca đảm bảo duy trì công tác trực, nắm bắt tình hình thời tiết. Từ đó ra các bản tin dự báo hằng ngày, dự báo 10 ngày, xu thế hằng tháng, nhận định xu thế thủy văn mùa, vụ…
Trên thực tế, nhờ thông tin dự báo, cảnh báo chính xác và kịp thời, các ngành hữu quan trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhanh chóng, đồng bộ các biện pháp ứng phó. Bà Vũ Mai Nhung, Trưởng Ban quản lý chợ Giếng Vuông, thành phố Lạng Sơn khẳng định: qua những bản tin dự báo, cảnh báo, Ban quản lý chợ đã tổ chức ứng trực và thông tin đến các hộ kinh doanh trong chợ di dời tài sản, hàng hóa kịp thời, hiệu quả.
Để tiếp tục chất lượng nâng cao công tác dự báo, đồng chí Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu: Đài Khí tượng Thuỷ văn Lạng Sơn đề xuất với Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực Đông Bắc, Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, bổ sung các phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho công tác dự báo, cảnh báo thiên tai được tốt hơn, đề xuất về quy trình và thời gian truyền tin, dự báo, cảnh báo, đảm bảo thông tin nhanh nhất và chính xác nhất phục vụ kịp thời cho công tác chỉ đạo, phòng chống thiên tai.
Theo nhận định, xu thế mùa mưa bão 2015, trên địa bàn toàn tỉnh có khả năng chịu ảnh hưởng của 2-3 cơn bão, áp thấp nhiệt đới; các đợt mưa lớn chủ yếu tập trung từ tháng 6 đến tháng 9. Dòng chảy trên các sông suối có thể thấp hơn so với năm 2014, nhưng dự báo vẫn cao hơn trung bình nhiều năm…Những con số khai quát ấy sẽ là cơ sở để các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở chủ động cho những phương án phòng chống, ứng phó, mục tiêu là đảm bảo an toàn về người và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra trong mùa mưa bão.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()