Chủ động trước mùa mưa bão
LSO- Những trận mưa, lốc trên diện rộng vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 vừa qua đã báo hiệu mùa mưa bão phức tạp trên địa bàn tỉnh. Với phương châm chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả, toàn tỉnh đã và đang tích cực triển khai các biện pháp để đối phó với mùa bão năm nay.
LSO- Những trận mưa, lốc trên diện rộng vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 vừa qua đã báo hiệu mùa mưa bão phức tạp trên địa bàn tỉnh. Với phương châm chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả, toàn tỉnh đã và đang tích cực triển khai các biện pháp để đối phó với mùa bão năm nay.
Nếu như đầu tháng 4, Bắc Sơn phải căng mình chống hạn với gần 4.000 lít dầu được cấp cho các trạm bơm, thì đến cuối tháng 4, mưa to kèm theo lốc xoáy lại gây ra tình trạng ngập úng cục bộ. Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão – Tìm kiếm cứu nạn của huyện, đợt mưa, lốc ngày 30/4 trên địa bàn đã làm 146 ngôi nhà bị tốc mái, thiệt hại ước tính khoảng 60 triệu đồng. Các đợt mưa to ngay sau đó đã làm cho hàng chục ha hoa màu bị ngập, úng. So với các địa phương trong tỉnh thì Bắc Sơn là địa phương ít chịu ảnh hưởng của mưa bão, nhưng những diễn biến đầu mùa mưa bão năm nay đã có phần phức tạp hơn so với mọi năm.
Cùng trên trục Quốc lộ 1B, ngày 25/4, lốc xoáy đã làm tốc mái của 32 hộ gia đình và một số công trình trường học, trụ sở UBND xã, đồng thời làm 2 người dân trên địa bàn bị thương nhẹ. Thiệt hại ước tính khoảng 100 triệu đồng. Trong khi đó, tại huyện Chi Lăng, lốc xoáy cũng đã làm tốc mái 18 nhà dân, mưa to gây ngập úng cục bộ 50ha thuốc lá, tổng thiệt hại khoảng 500 triệu đồng. Còn nhớ năm trước, cũng vào thời điểm cuối tháng 4, lốc xoáy đã quét qua địa bàn các xã Vạn Linh, Y Tịch, thị trấn Chi Lăng và xã Chi Lăng làm 1 người bị thương; 281 ngôi nhà, 18 phòng học và 1 trạm y tế bị tốc mái; 1 nhà bị sập đổ hoàn toàn; 1.450m tường rào bị đổ; 5ha ngô và 4,7 mẫu cà chua bi bị ảnh hưởng nặng…Ước tổng giá trị thiệt hại khoảng 940 triệu đồng. Trong đó xã Chi Lăng là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Đẩy nhanh tiến độ thi công dự án kè sông Kỳ Cùng giai đoạn II trên địa bàn TP Lạng Sơn
Theo tổng hợp ban đầu của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão – Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, những đợt mưa to, gió lốc trong khoảng từ cuối tháng 4/2013 đến nay đã làm 3 người bị thương; 2 nhà bị sập đổ hoàn toàn và gần 1.000 ngôi nhà bị tốc mái. Đối với sản xuất, mưa lốc đã ảnh hưởng đến hàng chục ha ngô, lúa; làm ngập úng 420ha thuốc lá và làm gẫy đổ khoảng 20.000 cây thông. Thiệt hại ước tính trên 1,6 tỷ đồng. Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão – Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết: ngay khi sự việc xảy ra, Ban Chỉ huy đã đôn đốc UBND các huyện và các ban, ngành liên quan huy động lực lượng tại chỗ giúp đỡ các gia đình sửa chữa, gia cố lại nhà cửa, đồng thời tiêu úng, tăng cường chăm sóc diện tích cây trồng bị ảnh hưởng. Thời điểm này, cơ bản các địa phương đã khắc phục xong thiệt hại, ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh, năm 2013, bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông có khả năng nhiều hơn trung bình nhiều năm. Trong đó số cơn bão dự báo ảnh hưởng tới Lạng Sơn khoảng 2-3 cơn. Trong khi đó mưa lũ dự báo sẽ xảy ra nhiều vào cuối mùa mưa bão và ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Mực nước cao nhất tại các sông có khả năng xảy ra vào khoảng tháng 8 đến tháng 9. Với phương châm chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả, ngay từ cuối tháng 3/2013, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung rà soát các công trình giao thông, thủy lợi để có biện pháp bảo đảm an toàn, đồng thời xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết đảm bảo an toàn cho người dân, hạn chế thiệt hại cho sản xuất khi có tình huống xảy ra.
Nhớ lại thời điểm cuối tháng 7/2012, trước nguy cơ ảnh hưởng của cơ bão số 4, lần đầu tiên Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão – Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã tổ chức họp khẩn cấp trước khi bão đổ bộ vài giờ đồng hồ, phân công từng thành viên xuống cơ sở giúp đỡ các địa phương triển khai phương án ứng phó, chỉ đạo huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Tuy ảnh hưởng của cơn bão này tới địa bàn không lớn như dự kiến, song các biện pháp triển khai chủ động đã cho thấy công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn tỉnh đã được nâng lên một bước, từ nhận thức tới hành động. Bà Lê Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó trưởng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão – Tìm kiếm cứu nạn tỉnh khẳng định: với sự chủ động, tích cực của các cấp, ngành, Lạng Sơn đã sẵn sàng ứng phó với mùa mưa bão năm nay.
Bài, ảnh: VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()