Chủ động trước chủng vi rút mới
LSO-Trong những năm gần đây, tỷ lệ tiêm phòng dịch bệnh, đặc biệt là tiêm phòng lở mồm long móng cho đàn gia súc trên địa bàn tỉnh luôn đạt cao. Năm 2013, tỷ lệ này lên tới 99%. Thế nhưng biến thể mới của vi rút gây bệnh lại diễn biến phức tạp, từ type O, vừa qua cơ quan chuyên môn đã phát hiện vi rút lở mồm long móng type A tại huyện Bình Gia và huyện Chi Lăng.
Cuối tháng 12/2013, đàn bò của gia đình ông Hoàng Văn Quyền ở thôn Bản Hoay, xã Hồng Thái huyện Bình Gia bị ốm, có dấu hiệu bỏ ăn, đau chân. Ngay lập tức thông tin được báo cho nhân viên thú y xã và Chi cục Thú y. Đến ngày 25/12/2013, qua kiểm tra, rà soát, thôn Bản Hoay đã có 23 con bò của 5 hộ gia đình bị ốm, triệu chứng điển hình giống như của hộ gia đình ông Hoàng Văn Quyền. Với triệu chứng này, cơ quan chuyên môn nhận định là bệnh lở mồm long móng và nhanh chóng triển khai các biện pháp khoanh vùng, cách ly. Kết quả xét nghiệm mẫu của Trung tâm chẩn đoán Thú y Trung ương ngày 30/12/2013 xác nhận chẩn đoán ban đầu của Chi cục Thú y là đúng, nhưng khác với vi rút lở mồm long móng type O thường thấy trên địa bàn tỉnh, lần này chủng vi rút mang type A.
Cán bộ thú y kiểm tra công tác phòng, chống lở mồm long móng tại Bản Hoay, xã Hồng Thái, huyện Bình Gia |
Ông Dương Doãn Doanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết: thực chất các biện pháp chữa trị cũng không có gì khác so với chủng vi rút cũ, nhưng có điều chủng mới có tốc độ lây lan nhanh hơn. Trong những năm trở lại đây, tỷ lệ tiêm phòng bệnh lở mồm long móng cho đàn trâu, bò trên địa bàn tỉnh đạt rất tốt. Tỷ lệ tiêm phòng năm 2013 đạt tới 99%. Nhờ vậy mà thời gian qua bệnh lở mồm long móng rất ít xuất hiện ở Lạng Sơn. Tuy nhiên sự biến đổi của chủng vi rút khiến cho công tác phòng, chống dịch bệnh trở nên khó khăn. Vắc xin phòng vi rút type O không có hiệu lực với type A.
Rất may là Bản Hoay, xã Hồng Thái nằm ở vị trí khá biệt lập, mặt khác công tác khoanh vùng, cách ly và điều trị được tiến hành kịp thời, nên đến ngày 5/1/2014 tình hình bệnh ở đây đã được khống chế. Số gia súc mắc bệnh đã dần phục hồi và không còn hiện tượng lây lan. Thế nhưng ở một diễn biến khác, ngày 30/12/2013 triệu chứng điển hình của lở mồm long móng tiếp tục được cơ quan thú y phát hiện tại xã Gia Lộc, huyện Chi Lăng, khởi đầu từ thôn Làng Muồng. Đến ngày 5/1/2014, trên địa bàn xã Gia Lộc đã có tổng số 130 con trâu, bò của 60 hộ ở 7 thôn bị ốm với triệu chứng điển hình của lở mồm long móng. Theo kết quả xét nghiệm, lần này vẫn là chủng vi rút type A.
Không giống như ở Bình Gia, diễn biến dịch ở Gia Lộc, Chi Lăng được nhận định là phức tạp hơn bởi phạm vi rộng hơn, quy mô lớn hơn và ngay sát tỉnh lộ 279 nên khả năng lây lan nhanh hơn. Ngay lập tức mọi biện pháp chống dịch được triển khai, ngoài việc điều trị, chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn đã tăng cường công tác tuyên truyền. Bố trí các chốt kiểm dịch ở những ngả đường ra, vào vùng dịch. Thành lập 10 tổ cơ động phun thuốc sát trùng. Đồng thời kiến nghị với Trung ương xin 20.000 liều vắc xin lở mồm long móng có tác dụng với chủng vi rút type A và bổ sung thêm 10.000 lít thuốc sát trùng. Tiến hành tiêm phòng bao vây ổ dịch.
Đến thời điểm này, các biện pháp của cơ quan chuyên môn đã và đang phát huy tác dụng, trên địa bàn huyện Chi Lăng chưa phát sinh thêm các ổ dịch mới ngoài Gia Lộc. Ông Dương Doãn Doanh cho biết: Chi cục rất quyết tâm, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của tỉnh và phấn đấu sẽ khống chế được dịch trước tết Nguyên đán, bởi nếu để dây dưa sang kỳ nghỉ tết, tình hình sẽ khó khăn, phức tạp hơn rất nhiều. Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh cũng như trong nước và phía Trung Quốc, các chủng vi rút gây bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm biến đổi rất nhanh. Chính vì vậy việc chủ động, đề cao cảnh giác, giám sát dịch bệnh, phát hiện kịp thời và phối hợp đồng bộ trong xử lý có ý nghĩa rất quan trọng để hạn chế dịch bệnh, ổn định chăn nuôi và đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng.
NHƯ PHONG
Ý kiến ()