Chủ động trước áp lực tăng tỷ giá
Mới đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lần thứ hai trong vòng ba tháng đã tăng lãi suất cơ bản đồng USD. Tác động của chính sách này không còn gây phản ứng bất ngờ đối với thị trường tài chính quốc tế nói chung và Việt Nam nói riêng, nhưng về lâu dài, đây cũng trở thành một thách thức cho mục tiêu giữ ổn định tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Thị trường ổn định
Nhìn lại diễn biến tuần qua sau khi Fed tiếp tục nâng lãi suất lần thứ hai trong vòng ba tháng, phản ứng của thị trường trong nước nhìn chung khá ổn định. Trái ngược với sự lên giá của đồng USD, tỷ giá VND/USD lại có xu hướng điều chỉnh giảm. Tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố cũng giảm từ 22.262 VND/USD (áp dụng cho ngày 15-3) xuống 22.254 VND/USD (áp dụng cho ngày 20-3). Giá bán USD tại ngân hàng Vietcombank cũng giảm mạnh từ 22.860 VND/USD (cuối phiên giao dịch ngày 15-3) xuống 22.820 VND/USD (cuối phiên giao dịch ngày 20-3). Những diễn biến của tỷ giá trong nước được cho là bám khá sát diễn biến thị trường thế giới khi đồng USD cũng được điều chỉnh giảm khá mạnh so với các đồng tiền chủ chốt khác.
Sự “bình thản” của thị trường trong nước trước quyết định tăng lãi suất đồng USD của Fed cho thấy cơ quan quản lý cũng như các ngân hàng thương mại (NHTM), doanh nghiệp (DN) dường như có sẵn các kịch bản ứng phó.
Theo ông Nguyễn Mộng Lân, Tổng Giám đốc VICO (kiêm Phó Chủ tịch Tập đoàn VLC), bản thân DN đã chú ý nhiều hơn tới vấn đề quản trị rủi ro từ trước nên nếu tỷ giá biến động cũng không có nhiều tác động ngay lập tức tới DN. Bởi khi đó, DN có thể sử dụng nguồn ngoại tệ của chính mình để chi trả.
Tuy nhiên, đây chỉ là lần tăng lãi suất thứ hai trong vòng ba tháng và là lần tăng đầu tiên trong năm 2017 của Fed. Ðiều này cho thấy khả năng khá lớn cho việc giá USD biến động theo xu hướng đi lên trong tương lai. Từ đó, tạo một áp lực không nhỏ lên chính sách duy trì ổn định tỷ giá mà NHNN định hướng ngay từ đầu năm. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhìn nhận đồng USD tăng giá trong dài hạn là khá rõ ràng bởi các thành viên của Fed đã thống nhất lộ trình tăng lãi suất, tuy rằng mức tăng bao nhiêu còn phụ thuộc vào “sức khoẻ” của nền kinh tế Mỹ. Và với lộ trình này, việc lựa chọn một kịch bản dài hơi để ứng phó với sự lên giá của đồng USD cũng không hề dễ dàng đối với các DN, nhất là các DN trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Theo phân tích của giới chuyên gia, phản ứng giảm giá của đồng USD như thời gian qua chỉ là tạm thời. Và như lý giải ở trên, trong trung, dài hạn giá đồng USD sẽ tiếp tục tăng. Khi đó, tỷ giá VND/USD cũng chịu áp lực tăng theo khá lớn. Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC tại Việt Nam Phạm Hồng Hải cũng đưa ra nhận định: Việc Fed tăng lãi suất không tác động tới Việt Nam trong ngắn hạn vì thị trường đã tính toán trước. Nhưng về lâu dài, khi lãi suất đồng USD tăng lên, xu hướng chung của các đồng tiền trong khu vực trong sáu tháng đầu năm sẽ mất giá so với đồng USD khi nền kinh tế Mỹ tăng trưởng trở lại. Nếu kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc vào xuất khẩu thì cần phải chú ý tới biến động của các đồng tiền trong khu vực để bảo đảm chúng ta không bị mất lợi thế cạnh tranh.
Bên cạnh áp lực đến từ việc đồng USD tăng giá, theo chuyên gia tài chính – ngân hàng Cấn Văn Lực, tỷ giá VND/USD còn chịu áp lực khá lớn bởi lạm phát. Cụ thể, xu hướng giá hàng hóa thế giới tăng trở lại, cùng giá nhiều hàng hóa dịch vụ quan trọng trong nước cũng đang trong lộ trình tăng giá như y tế, giáo dục, điện, nước sinh hoạt,… Ngoài ra, một số yếu tố khác như nhập siêu quay trở lại, dòng kiều hối có dấu hiệu sụt giảm, dòng vốn đầu tư, ngoại tệ của Việt Nam có thể chịu tác động nhất định khi TPP không diễn ra,… Tất cả đều khiến cho mục tiêu giữ ổn định tỷ giá của NHNN gặp nhiều khó khăn.
Giảm sức ép lên tỷ giá
Có thể thấy, sức ép từ thị trường thế giới cũng như trong nước đang tạo nhiều áp lực lên chính sách điều hành tỷ giá của NHNN. Hóa giải những áp lực này là điều không hề dễ dàng khi NHNN đang “gánh” trên vai nhiệm vụ khá nặng nề: Vừa phải duy trì tỷ giá giữ ổn định kinh tế vĩ mô, vừa không làm giảm năng lực cạnh tranh của xuất khẩu. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành, dù không dễ dàng nhưng nếu khéo léo trong điều hành, tỷ giá vẫn giữ được sự ổn định trong tầm kiểm soát của NHNN. Muốn vậy, NHNN cần có thông điệp chính sách ổn định. Các công cụ chính sách tiền tệ cần sử dụng linh hoạt hơn, không cố bằng mọi cách giữ tỷ giá ổn định quá mức mà vẫn bảo đảm năng lực cạnh tranh của xuất khẩu… Tất cả điều này sẽ tạo niềm tin tốt cho các thành viên tham gia thị trường, từ người dân, ngân hàng đến nhà đầu tư. Sự đồng lòng bao giờ cũng giúp nhà điều hành chính sách vượt khó dễ dàng hơn.
Sự điều hành trong chính sách tỷ giá thời gian qua của NHNN đã phần nào giúp các DN yên tâm, khi đã có những hành động kịp thời để can thiệp, như lên tiếng định hướng thị trường, linh hoạt điều tiết nguồn tiền và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng. Ðặc biệt, có thời điểm cơ quan này đã đưa ra động thái can thiệp cụ thể hơn, sẵn sàng bán ra USD để can thiệp với mức giá thấp hơn trần biên độ tới 50 VND/USD. Kết hợp với việc công bố tỷ giá trung tâm có lên, có xuống hằng ngày đã giảm tâm lý găm giữ ngoại tệ, từ đó giảm áp lực tăng tỷ giá. Tuy nhiên, trước những yếu tố không thuận lợi từ diễn biến kinh tế-chính trị trên thế giới, cũng như trong nước đang khiến cho những dự báo về biến động tỷ giá ngày càng trở nên khó đoán định. Bên cạnh sự chủ động trong điều hành chính sách của NHNN, một yếu tố không kém phần quan trọng giúp các DN tránh được những “cú sốc” liên quan đến tỷ giá chính là sự chủ động, nhạy bén của bản thân các DN. Theo các chuyên gia kinh tế, trong nền kinh tế thị trường với sự hội nhập sâu, rộng như hiện nay, đòi hỏi các DN phải chủ động theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế. DN cần có thêm kiến thức về tài chính tiền tệ để có kế hoạch kịp thời ứng phó, cũng như đề ra kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp.
Theo Nhandan
Ý kiến ()