Chủ động trong định hướng, lựa chọn nghề nghiệp
Học đại học không phải là yếu tố duy nhất quyết định thành công hay thất bại của một con người, nhưng nó lại là yếu tố tác động không nhỏ đến tương lai của nhiều bạn trẻ. Chính vì vậy, việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh cần làm từ sớm, với sự chủ động của từng cá nhân và sự hỗ trợ, tạo điều kiện từ các bậc phụ huynh.
Những năm gần đây, tôi luôn để tâm tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng của các sinh viên mới trúng tuyển vào Trường đại học An Giang nơi tôi đang công tác. Khoảng từ 25-30% số em cho rằng, ngành học đang theo học không phải sở thích, không phải đam mê của các em. Phần lớn các trường hợp này theo học do yêu cầu của cha mẹ, gia đình. Số còn lại là do bạn bè rủ rê, do mức học phí thấp, do nghe tên ngành “hot” và kể cả “không biết chọn ngành nào nên chọn đại ngành này”…
Xin nêu ra đây một thí dụ: Công Tiến trước đây là học trò của tôi tại An Giang. Năm 2016, em khăn gói lên thành phố Hồ Chí Minh học đại học. Chưa hết học kỳ I, Công Tiến đã cảm thấy chán học, thiếu đam mê. Ðến hết năm thứ nhất thì em quyết định chỉ học đại học một cách cầm chừng, tiền của cha mẹ ở quê gửi lên cộng với tiền làm thêm được, Tiến dùng hết cho việc ôn thi vào Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh. Bởi lẽ, ngay từ nhỏ, Tiến đã đam mê lĩnh vực nghệ thuật, nhưng cha mẹ luôn “gò” em phải theo nhóm ngành khoa học tự nhiên. Kể cả ngành học đại học cũng là do cha mẹ chọn, chứ không phải Tiến chọn. Vì không thể phản đối lại sự sắp đặt của gia đình, một phần do nghĩ học đại học cũng đơn giản, nên Tiến chiều lòng để cha mẹ vui. Nhưng khi bước vào giảng đường, Tiến mới vỡ lẽ ra mọi thứ không đơn giản như em nghĩ. Cái khó khăn lớn nhất không phải ở nội dung chương trình học, mà do lửa đam mê chưa đủ lớn, khiến em không thể trụ lại. Phải đắn đo và liều lĩnh lắm, Tiến mới đi đến quyết định chuyển hướng ngành học mà không cho gia đình hay biết. Rất may cho Tiến là sau đó đã trúng tuyển vào Nhạc viện đúng như nguyện vọng của mình. Dĩ nhiên, cha mẹ em rất bất ngờ và tức giận. Nhưng sau đó, họ đành nhượng bộ vì biết nếu ép Tiến học một ngành nào đó trái với đam mê, em sẽ lại bỏ học. Thật ra, trường hợp như Công Tiến, nghĩa là vào một ngành đại học không đúng với đam mê, không phải là cá biệt đối với giới trẻ hiện nay.
Rõ ràng, những sinh viên học không vì đam mê, yêu thích thì sẽ khó chuyên tâm, chất lượng học tập vì thế cũng không bằng các sinh viên chọn đúng ngành. Nhiều trường hợp sinh viên chọn sai ngành đã phải bỏ học sau một thời gian ngắn, hoặc các em thi lại vào một ngành khác trong các mùa tuyển sinh năm sau, đồng nghĩa với việc các em bị chậm hơn so với bạn bè cùng trang lứa, và đương nhiên cũng tốn kém kinh phí, thời gian, sức lực. Trường hợp thi lại mà không đậu, mọi thứ sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều cho các em.
Cũng có trường hợp, tuy học sai ngành và không có đam mê, nhưng các em vẫn cố gắng cầm cự, học theo kiểu đối phó cho đến khi tốt nghiệp. Vấn đề đặt ra là, sau tốt nghiệp, các em sẽ làm công việc gì? Nếu làm trái với ngành nghề được đào tạo, thì xem ra 4-5 năm theo học đại học bị uổng phí. Nếu làm đúng với ngành nghề được đào tạo, nhưng vẫn là không đúng với sở thích, sở trường của các em thì cũng sẽ khó có thể phát huy hết năng lực bản thân, cá biệt trong một số trường hợp dễ nảy sinh tâm lý chán nản, buông xuôi. Nhưng lúc này, không phải ai cũng quay đầu lại được. Cho nên, có thể nói, việc chọn sai ngành học ở đại học, dù vì bất cứ lý do gì, cũng sẽ gây ra những hệ lụy không hề nhỏ.
Có thể thấy, hiện nay không ít phụ huynh vẫn đang áp đặt con cái chọn ngành học đại học theo ý của mình. Như ở quê tôi trước đây, hầu như phụ huynh nào cũng muốn con em mình đi học để sau này được làm thầy, cô giáo, nghĩa là theo ngành sư phạm. Họ cho rằng, nghề giáo nhàn hạ, dạy một buổi còn một buổi làm việc nhà. Lương giáo viên cũng khá cao so với mức thu nhập ở quê, nếu biết tích cóp và trồng trọt chăn nuôi thêm thì sống ổn. Nhưng đó là chuyện trước đây, còn bây giờ nghề giáo đã khác hơn rất nhiều. Giáo viên hiện nay phải dành hầu hết thời gian cho soạn bài, lên lớp, chấm bài, làm công tác chủ nhiệm, làm hồ sơ sổ sách, làm điểm, tham dự hội họp, rồi các lớp bồi dưỡng, tập huấn, thao giảng, dự các hội đồng bộ môn… Liệt kê như vậy, để thấy rất nhiều áp lực đè nặng lên vai người giáo viên, trong khi thu nhập thì rất khiêm tốn. Chính vì công việc khó khăn, vất vả, thu nhập không cao, nên đòi hỏi người nào thật sự yêu nghề mới có thể gắn bó lâu dài với ngành sư phạm được. Thế nhưng, nhiều phụ huynh vẫn chưa thay đổi quan điểm, bằng mọi giá vẫn hướng con em mình phải theo nghề giáo.
Những người ở thôn quê do không tiếp cận với đời sống hiện đại nên suy nghĩ của họ đôi khi đơn giản, và vì thế, chúng ta vẫn có thể cảm thông được. Song không ít bậc trí thức, những người sống ở các đô thị phát triển cũng áp đặt con cái rất hà khắc trong việc chọn ngành nghề. Ðáng nói hơn nữa, có những phụ huynh bắt buộc con em mình phải thi vào những ngành thật “hot”, những trường “top” đầu với điểm xét tuyển hằng năm gần như cao tuyệt đối mới vào được.
Khi được hỏi, nhiều lý do được các phụ huynh nêu ra như: gia đình ai cũng theo ngành y, nên con cái cũng phải theo ngành y hết cho “có tính truyền thống”. Có vị nói trước đây mình muốn học ngành công an nhưng thi hoài không đậu, giờ đến thế hệ con mình phải hướng cho con thực hiện thay ước mơ của mình(!) Có người nói, muốn con học ngành gì đó để khi ra trường dễ xin việc mà lương cao. Ðáp ứng hai yêu cầu ấy thì chỉ có thể chọn những ngành thi đầu vào có tính cạnh tranh khốc liệt, thậm chí cần điểm tối đa mới đỗ.
Từ thực tế này cho thấy, nhiều bậc phụ huynh thực chất không quan tâm đến sở thích, năng lực, tâm tư nguyện vọng của con cái mình trong việc định hướng chọn ngành học, chọn nghề nghiệp. Con cái chịu áp lực từ cha mẹ nên phải vùi đầu vào học, chạy hết từ trung tâm luyện thi này đến trung tâm khác, tuổi thanh xuân bị đánh mất lúc nào cũng không hay biết. Ðau lòng nhất là những học sinh vì phải gồng mình “gánh những kỳ vọng của cha mẹ” mà dẫn đến trầm cảm, stress…
Hiện nay, việc chọn một ngành đúng với sở trường hay sở thích của một người không phải quá khó. Các em học sinh nên tự xem xét bản thân mình mong muốn được làm công việc gì. Từ đó, lựa chọn những ngành học phù hợp để ra trường mình có thể làm được công việc đó. Mỗi em cũng có thể lựa chọn một vài ngành nghề yêu thích, đặt theo thứ tự ưu tiên. Nếu nguyện vọng đầu tiên khó thực hiện do điểm chuẩn tuyển sinh cao quá, các em vẫn có thể chuyển sang các nguyện vọng khác.
Việc tự chọn ngành nghề yêu thích nếu được thực hiện càng sớm sẽ càng tốt, vì các em sẽ có sự chuẩn bị chu đáo về tâm lý và kiến thức. Thông thường, từ đầu cấp III học sinh nên chọn ngành dự kiến sẽ thi tuyển đại học. Từ đó, các em sẽ chuyên tâm học những môn hướng đến kỳ thi tuyển sinh vào đại học, gắn với chuyên ngành của mình trong tương lai. Cần lưu ý là chính mỗi học sinh phải là người xác định rõ đam mê, sở thích của bản thân, phải tự chọn ngành phù hợp trước, rồi sau đó sẽ trình bày để gia đình biết mà đồng thuận, ủng hộ. Tránh tình trạng có nhiều em tìm hiểu về ngành nghề còn hời hợt, nên khi đề xuất với gia đình thì không thật sự thuyết phục, vì thế không ủng hộ sự lựa chọn đó.
Trong điều kiện tuyển sinh rất cởi mở và năng động như hiện nay, hầu như thông tin của các ngành đào tạo đều được các trường đại học, các cơ sở giáo dục đại học ban hành khá chi tiết, có đăng tải trên các website chính quy của trường. Do vậy, thí sinh chỉ cần chịu khó truy cập sẽ nắm được thông tin bước đầu về mục tiêu ngành học, nội dung chương trình, cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp, chỉ tiêu đầu vào các năm trước đó…
Khi phân vân trong quá trình lựa chọn ngành nghề phù hợp bản thân, thí sinh rất cần sự tư vấn của người lớn, có thể là các chuyên gia giáo dục, thầy, cô giáo, phụ huynh, bạn bè. Nếu thấy hướng nào khả thi, thuyết phục, chúng ta có thể làm theo. Tuy nhiên, dù sự tư vấn như thế nào, chính các em cũng phải nên là người quyết định cuối cùng.
Một vấn đề nữa rất đáng lưu tâm, khi lựa chọn ngành nghề cần dự đoán về xu hướng phát triển của xã hội, để tránh tình trạng bị lạc hậu. Bởi lẽ, ngành nghề được lựa chọn để theo học hôm nay nhưng đến khoảng 4-5 năm sau chúng ta mới tốt nghiệp và đem ra sử dụng. Dự báo về xu hướng phát triển của xã hội có thể giúp thí sinh chọn được những ngành học ít cạnh tranh, nhưng khi ra trường lại có cơ hội việc làm và thu nhập cao. Thí dụ, cách đây hơn 10 năm, người ta ít quan tâm đến các nhóm ngành về truyền thông, tổ chức sự kiện, quản trị du lịch và lữ hành… nhưng hiện nay, các ngành này đang thu hút nhiều nhân lực, có triển vọng phát triển. Như vậy, thời gian tới, theo đà phát triển của xã hội, ngành nào tiếp tục bình ổn, ngành nào sẽ đột phá và cần nguồn nhân lực lớn, chúng ta phải phân tích, suy xét kỹ lưỡng, trên cơ sở đó định hướng chọn ngành nghề sao cho phù hợp.
Học đại học không phải là yếu tố duy nhất quyết định thành công hay thất bại của một con người, nhưng nó lại là yếu tố tác động không nhỏ đến tương lai của nhiều bạn trẻ. Do đó mỗi người cần phải chủ động, phát huy vai trò của mình, sáng suốt lựa chọn ngành nghề phù hợp, để phát triển năng lực của bản thân và không ngừng cống hiến cho xã hội.
Ý kiến ()