Người dân tỉnh Lào Cai mua thuốc bảo vệ thực vật và thuốc thú y tại Chi cục Thú y. Ảnh: TRẦN HẢI Việt Nam là một trong số ít quốc gia có tỷ lệ xuất siêu nông sản lớn trên thế giới song lại chưa thể tổ chức sản xuất thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong nước. Tình trạng thuốc giả, thuốc nhái được bán trên thị trường hay chất bảo quản thực phẩm có chứa chất độc hại đang làm đau đầu các nhà quản lý cũng như người tiêu dùng.Khó khăn về nguồn lực, thời gian, kinh phíViệt Nam sử dụng số lượng thuốc BVTV có xu hướng gia tăng hằng năm. Cụ thể, năm 2008 là 0,472 tỷ đồng, năm 2009 là 0,488 tỷ đồng, năm 2010 là 0,537 tỷ đồng, và bảy tháng đầu năm 2011 là 0,386 tỷ đồng. Những con số này cho thấy, Việt Nam chưa vượt ra khỏi tầm của một nước có nền công nghiệp đại lý kinh doanh thuốc BVTV. Theo Bộ trưởng Công thương Nguyễn Huy Hoàng, để giải quyết vấn đề này và tạo thế chủ động cho sản xuất nông nghiệp, cần chủ động tổ...
Người dân tỉnh Lào Cai mua thuốc bảo vệ thực vật và thuốc thú y tại Chi cục Thú y. Ảnh: TRẦN HẢI |
Việt Nam là một trong số ít quốc gia có tỷ lệ xuất siêu nông sản lớn trên thế giới song lại chưa thể tổ chức sản xuất thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong nước. Tình trạng thuốc giả, thuốc nhái được bán trên thị trường hay chất bảo quản thực phẩm có chứa chất độc hại đang làm đau đầu các nhà quản lý cũng như người tiêu dùng.
Khó khăn về nguồn lực, thời gian, kinh phí
Việt Nam sử dụng số lượng thuốc BVTV có xu hướng gia tăng hằng năm. Cụ thể, năm 2008 là 0,472 tỷ đồng, năm 2009 là 0,488 tỷ đồng, năm 2010 là 0,537 tỷ đồng, và bảy tháng đầu năm 2011 là 0,386 tỷ đồng. Những con số này cho thấy, Việt Nam chưa vượt ra khỏi tầm của một nước có nền công nghiệp đại lý kinh doanh thuốc BVTV. Theo Bộ trưởng Công thương Nguyễn Huy Hoàng, để giải quyết vấn đề này và tạo thế chủ động cho sản xuất nông nghiệp, cần chủ động tổ chức sản xuất phân bón và thuốc BVTV trong nước. Quyết tâm thì có, nhưng trên thực tế, tính đến thời điểm hiện tại, 90% số loại thuốc BVTV hiện đang lưu hành trong nước chủ yếu được nhập khẩu từ nước ngoài (nhập nguyên liệu về sau đó đóng gói hoặc nhập trực tiếp), nhất là từ Trung Quốc, với số lượng 70 đến 80 nghìn tấn thuốc BVTV/ năm. Chính con đường nhập khẩu thuốc BVTV này đã làm dấy lên sự lo ngại trong dư luận xã hội khi thông tin cải thảo Trung Quốc có chứa formaldehyde – một chất gây ung thư, thường được sử dụng trong việc khử trùng và ướp xác. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật lấy mẫu kiểm tra và tiến hành nghiên cứu, đồng thời khẳng định, Việt Nam chưa phát hiện chất formaldehyde có trong cải thảo. Song nỗi ám ảnh về phở chứa formaldehyde vào năm 2003, nay là ở cải thảo đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý thuốc BVTV vẫn còn tồn tại nhiều bất cập.
Theo số liệu từ Cục Bảo vệ thực vật, hiện trong danh mục thuốc BVTV được phép nhập khẩu và lưu hành toàn quốc có 1.000 hoạt chất BVTV, nhưng việc kiểm nghiệm mới chỉ tập trung vào 25 hoạt chất có nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe. Số hoạt chất này chỉ được bổ sung khi có những cảnh báo mới hay có những thông tin đã xảy ra do Việt Nam không đủ nguồn lực cũng như thời gian, kinh phí để kiểm tra bất cứ một mẫu rau quả nào. Để bảo đảm an toàn thực phẩm và bảo vệ người tiêu dùng trong nước, đồng thời khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý cũng như kiểm tra thuốc BVTV, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Xuân Hồng cho rằng, công đoạn phân tích nguy cơ về an toàn thực phẩm, được xem là khâu quan trọng nhất. Ở công đoạn này, Cục tập trung nghiên cứu chọn ra các mối nguy cơ, những hoạt chất nào an toàn có nguồn gốc sinh học ít gây độc hại cho con người thì loại ra không cần phải kiểm tra, mà chỉ đi vào phân tích những nguy cơ tiềm ẩn đe dọa cho con người. Khi đã chọn ra danh mục bắt buộc phải kiểm tra, Cục sẽ cập nhật thông tin nhằm đối chiếu, bổ sung, nếu thấy những chất nào trên thế giới có nhưng không có ở Việt Nam thì loại ra. Đây chính là phương pháp và nguyên tắc trong kiểm tra an toàn thực phẩm kể từ khi Luật An toàn thực phẩm chính thức có hiệu lực.
Cần sự vào cuộc của các ngành chức năng
Việt Nam cũng là quốc gia tiêu thụ nhiều sản phẩm rau quả của Trung Quốc. Theo Cục BVTV, hiện chưa có thống kê về thị phần rau quả Trung Quốc ở Việt Nam song việc nhập khẩu rau quả Trung Quốc diễn ra thường xuyên ở cửa khẩu Lạng Sơn và Lào Cai, chủ yếu qua đường chính ngạch (khoảng 200 tấn), trong đó có cải thảo được nhập trong khoảng thời gian từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau. Như vậy, có thể những mẫu cải thảo do Cục BVTV đưa đi kiểm nghiệm chưa hẳn đã nằm trong số hàng nông sản được nhập theo đường chính ngạch, rất có thể sẽ lại xảy ra những trường hợp tương tự giống như cá diêu hồng, chất tạo nạc trong lợn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, 100% số lô hàng thuốc BVTV đều được kiểm tra chặt chẽ, đồng thời hằng năm, Bộ còn đưa ra danh mục những chất có thể nhập. Về công tác quản lý, chúng ta đã làm khá chặt, nhưng chặt đến đâu thì vẫn còn có kẽ hở, do hiện nay một bộ phận người dân vì lợi ích trước mắt mà bất chấp hậu quả sử dụng những chất độc hại trong gieo trồng các loại rau củ quả. Điều này ảnh hưởng trực tiếp người tiêu dùng, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng sự phát triển kinh tế (mỗi năm xuất siêu nông sản lên đến hơn 600 triệu đô-la). Trước tình hình trên, Cục BVTV đã chỉ đạo các cơ sở cần tăng cường công tác kiểm tra ngay từ trên đồng ruộng của nông dân, khuyến khích nông dân không sử dụng những chất gây độc hại trong gieo trồng. Đồng thời, kiến nghị Nhà nước cần có những hành lang pháp lý, chế tài xử lý những hoạt động vi phạm. Mặt khác, cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân không chỉ về kỹ thuật chăm sóc cây trồng mà còn nâng cao nhận thức về pháp luật để người dân nghiêm túc thực hiện quy trình trồng rau sạch. Quy hoạch lại quỹ đất của những địa phương phục vụ cho việc trồng rau sạch có chất lượng cao, bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tăng cường sự giám sát của cộng đồng, thành lập những bộ phận tình nguyện viên ở những tổ chức xã hội được tập huấn để có thể giám sát, theo dõi để kịp thời thông báo những sai phạm cho các cơ quan chức năng. Hiện, chúng ta còn thiếu các phòng thí nghiệm để xử lý các mẫu sản phẩm có chất độc hại cao. Do vậy, cần xây dựng thêm các phòng thí nghiệm tại các địa phương, các đầu mối quan trọng để có thể chủ động xử lý ngay và kịp thời trước những nguy cơ đáng tiếc có thể xảy ra.
Thiết nghĩ, việc thực hiện cần có sự chung tay của các cấp, các ngành chức năng, của người sản xuất và người tiêu dùng. Có như vậy, giấc mơ về một nền sản xuất nông nghiệp bền vững mới trở thành hiện thực.
Theo Nhandan
Ý kiến ()