Chủ nhật, 24/11/2024 16:25 [(GMT +7)]
Chủ động triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn
Thứ 3, 11/12/2012 | 09:30:00 [(GMT +7)] A A
Có thể nhận thấy mô hình cánh đồng mẫu lớn tại các địa phương khác trong cả nước đang chứng tỏ được tính ưu việt của hình thức sản xuất tập trung, đồng loạt, gắn liền với cơ giới hóa và thị trường tiêu thụ. Với đặc điểm của tỉnh miền núi, Lạng Sơn có nhiều khó khăn hơn trong quá trình thực hiện, nhưng các địa phương trong tỉnh đã và đang chủ động lựa chọn những hình thức phù hợp nhất. Các mô hình dự kiến không giới hạn trong các loại cây ngô, lúa mà đa dạng hơn, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, hướng tới hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với thị trường tiêu thụ.
LSO-Điểm mới trong vụ sản xuất đông xuân này là UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương triển khai xây dựng thí điểm mô hình cánh đồng mẫu lớn. Đây được coi là điểm nhấn quan trọng trong sản xuất nông nghiệp năm 2013, hiện nay công tác chuẩn bị và chọn điểm đang được các địa phương tích cực triển khai.
Cải tạo, nâng cấp đường trục chính xã Vân An (Chi Lăng) tạo điều kiện
vận chuyển nông sản, hình thành vùng sản xuất tập trung
Những ngày này con đường huyết mạch từ Vân Thủy đến Vân An huyện Chi Lăng đang khẩn trương được khởi công, trong khi đó nhánh đường Vân An -Yên Trạch (Cao Lộc) cũng đang được nâng cấp. Đây là niềm vui lớn đối với nhân dân vùng khó khăn của huyện Chi Lăng. Chỉ ít tháng nữa, Vân An sẽ cơ bản hoàn thành mạng lưới giao thông tới các khu vực trung tâm, đây cũng là điều kiện để địa phương hình thành sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Chủ động đón đầu, tận dụng lợi thế về giao thông được cải tạo, nâng cấp, ngay từ những ngày đầu vụ đông này, huyện Chi Lăng đã lựa chọn triển khai thí điểm mô hình cánh đồng mẫu lớn trên địa bàn Vân An. Cánh đồng mẫu được triển khai thí điểm trên diện tích 40 sào với loại cây chuối tiêu hồng. Đây là mô hình lồng ghép với chương trình giảm nghèo bền vững của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội. Các diện tích được chọn triển khai là những chân ruộng hạn ở 2 thôn Tà Sản và Tùng Mẩn, nằm tương đối tập trung có điều kiện thuận tiện nhất về đường giao thông.
Phòng NN&PTNT huyện chịu trách nhiệm hướng dẫn và giám sát toàn bộ quá trình thực hiện từ cuốc hố chuẩn bị hiện trường đến nhận giống, gieo trồng, chăm sóc đến thu hoạch. Về hình thức tiêu thụ, thông qua liên kết với doanh nghiệp đưa sản phẩm xuất khẩu. Nếu như những chương trình hỗ trợ trước kia không tính tới thu hồi vốn, thì điểm rất mới lần này là mặc dù chương trình hỗ trợ toàn bộ và cũng không tính thu hồi vốn ban đầu, nhưng chính nhân dân và lãnh đạo địa phương đã đề nghị chủ đầu tư dự án là trả lại vốn đầu tư sau khi thu hoạch sản phẩm. Ông Đàng Văn Nhàn, Chủ tịch UBND xã Vân An chia sẻ: chúng tôi rút kinh nghiệm từ những năm trước, nếu hỗ trợ hoàn toàn, không thu hồi vốn thì người thụ hưởng dự án sẽ không có trách nhiệm và sau khi dự án kết thúc thì hầu như mô hình không còn tồn tại. Lần này qua tìm hiểu rất kỹ về hiệu quả kinh tế của chuối tiêu hồng, cũng như cách thức triển khai cánh đồng mẫu lớn, lãnh đạo xã rất kỳ vọng về hiệu quả lâu dài của dự án, do vậy đề xuất được hoàn trả lại vốn đầu tư để có thể tái đầu tư nhân rộng tại các thôn khác trên địa bàn, đảm bảo mô hình phát triển theo đúng hình thức và quy mô của cánh đồng mẫu lớn.
Nếu như Chi Lăng chọn triển khai thí điểm cánh đồng mẫu trong vụ đông, thì Tràng Định, căn cứ vào đặc điểm thời tiết, dự kiến sẽ triển khai trong vụ xuân. Ông Triệu Minh Quân, Phó phòng NN&PTNT huyện tràng Định cho biết: Phòng đã tham mưu cho UBND huyện và dự kiến xây dựng cánh đồng mẫu lớn tại xã Đại Đồng. Cây trồng dự kiến vẫn là lúa, nhưng điểm khác biệt là cánh đồng mẫu lớn sẽ gieo cấy đồng loạt cùng một thời điểm, cùng một loại giống tạo điều kiện để tập trung chăm sóc, thu hoạch, thúc đẩy cơ giới hóa và tạo sự đột phá về năng suất. Không riêng ở Chi Lăng, Tràng Định, mà trong thời gian này, ngoài việc khẩn trương chuẩn bị các điều kiện thiết yếu cho sản xuất đông xuân, các địa phương khác trong tỉnh đang tích cực chọn địa điểm và lên phương án xây dựng thí điểm mô hình cánh đồng mẫu lớn theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Ông Triệu Xuân Nguyệt, Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình cho biết: Lộc Bình có diện tích sản xuất khoai tây đông khá lớn, tuy nhiên thời điểm triển khai cánh đồng mẫu đối với khoai tây thì hơi muộn, nhưng với lợi thế về những cánh đồng khá rộng và tập trung như Đồng Bục, Xuân Mãn…hiện nay huyện đang tập trung xây dựng kế hoạch để triển khai cánh đồng mẫu trong vụ xuân. Sẽ có rất nhiều việc phải làm từ tuyên truyền, vận động đến chuẩn bị cơ cấu giống, chọn diện tích, chọn hộ gia đình triển khai…chính vì vậy, ngay từ thời điểm này, huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn khẩn trường chuẩn bị các điều kiện cần thiết.
Có thể nhận thấy mô hình cánh đồng mẫu lớn tại các địa phương khác trong cả nước đang chứng tỏ được tính ưu việt của hình thức sản xuất tập trung, đồng loạt, gắn liền với cơ giới hóa và thị trường tiêu thụ. Với đặc điểm của tỉnh miền núi, Lạng Sơn có nhiều khó khăn hơn trong quá trình thực hiện, nhưng các địa phương trong tỉnh đã và đang chủ động lựa chọn những hình thức phù hợp nhất. Các mô hình dự kiến không giới hạn trong các loại cây ngô, lúa mà đa dạng hơn, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, hướng tới hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với thị trường tiêu thụ.
Vũ Như Phong
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()