Chủ động triển khai chứng thực bản sao điện tử từ bản chính
– Xác định tầm quan trọng, ý nghĩa của việc chứng thực bản sao điện tử từ bản chính, thời gian qua, ngành tư pháp chủ động chuẩn bị các điều kiện để triển khai thực hiện.
Tại khoản 9, điều 3 Nghị định 45/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 của Thủ tướng Chính Phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử quy định: “Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền căn cứ vào bản chính dạng văn bản giấy để chứng thực bản sao bằng hình thức điện tử là đúng với bản chính”.
Công chức tư pháp – hộ tịch UBND xã Đình Lập, huyện Đình Lập (bên trái) hướng dẫn công dân hoàn thiện hồ sơ chứng thực
Ngay sau khi có Công văn số 5438/VPCP-KSTT ngày 6/7/2020 của Văn phòng Chính phủ về việc triển khai dịch vụ công chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Văn phòng UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 3627/VP – TTPVHCC ngày 7/9/2020 về việc chuẩn bị các điều kiện triển khai dịch vụ công chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Trong đó, nêu rõ ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh với các cơ quan liên quan, UBND các huyện, thành phố chủ động thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị điều kiện để triển khai chứng thực bản sao điện tử từ bản chính. Sở Tư pháp được giao là cơ quan chủ trì, phối hợp triển khai tập huấn, quán triệt tới các cơ quan, đơn vị liên quan, đặc biệt là cán bộ tư pháp, chứng thực tại UBND cấp huyện, cấp xã.
Ông Nguyễn Minh Chí, Trưởng Phòng Hành chính tư pháp và Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp cho biết: Triển khai chứng thực bản sao điện tử từ bản chính, chúng tôi đã tham mưu cho lãnh đạo sở ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện. Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ công chức tư pháp thực hiện nhiệm vụ chứng thực tại cấp huyện, xã trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2020 đến nay, Sở Tư pháp đã tổ chức 14 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch cho hơn 1.000 lượt người có thẩm quyền ký chứng thực, công chức tư pháp làm công tác hộ tịch, chứng thực và công chức làm công tác văn thư tại 11/11 phòng tư pháp các huyện, thành phố và 200/200 UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có chuyên đề về chứng thực bản sao điện tử từ bản chính. Chúng tôi đã hướng dẫn cụ thể, cho các đại biểu thực hành quy trình xử lý hồ sơ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính. Cùng đó, Sở Tư pháp đã tổng hợp, phân quyền người dùng, đến nay toàn tỉnh có hơn 400 tài khoản thực hiện công tác chứng thực trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Từ đó, đảm bảo việc triển khai thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính tại các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền.
Cùng với triển khai tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, hướng dẫn tạo tài khoản, phân quyền người dùng, các cơ quan, đơn vị chú trọng trang bị cơ sở vật chất phục vụ công tác chứng thực bản sao điện tử từ bản chính. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, từ năm 2020 đến nay, UBND các huyện, thành phố đã chủ động thực hiện rà soát, bổ sung, bảo đảm điều kiện trang thiết bị để triển khai chứng thực điện tử bản sao từ bản chính trên địa bàn đơn vị quản lý như: hạ tầng mạng, chứng thư số, máy quét văn bản…
Bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính mang lại nhiều lợi ích cho tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người dân chưa biết đến dịch vụ này, ít quan tâm sử dụng, từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh chưa phát sinh hồ sơ thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính. Theo số liệu thống kê của Sở Tư pháp, riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, cấp huyện: chứng thực 31.773 việc, cấp xã: chứng thực 676.779 việc. Với số lượng việc chứng thực lớn như vậy nhưng 100% việc đều bằng hình thức bản sao giấy.
Chị Trần Thu Huệ, công chức tư pháp – hộ tịch UBND thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng cho biết: Trung bình mỗi năm, UBND thị trấn thực hiện trên 1.600 việc chứng thực. UBND thị trấn cũng đã có đầy đủ các trang thiết bị để thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính nhưng người dân chỉ lựa chọn thực hiện bằng hình thức nhận bản sao bằng giấy. Dù chúng tôi tích cực tuyên truyền nhưng do nhiều người dân trình độ công nghệ thông tin còn hạn chế, chưa có tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia, còn liên quan đến việc thanh toán không dùng tiền mặt, do đó người dân chưa “mặn mà” với dịch vụ này.
Thời gian tới, ngành tư pháp tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính. Qua đó, góp phần thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử.
Bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính có chữ ký số, đóng dấu, bảo đảm tính nguyên vẹn, chính xác, có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác và có thể được sử dụng nhiều lần. Việc thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho tổ chức, cá nhân, giảm thời gian đi lại. Người dân chỉ cần làm một lần, dữ liệu được lưu trữ trên tài khoản Cổng Dịch vụ công quốc gia, có thể sử dụng bất cứ khi nào. |
DƯƠNG DUYÊN
Ý kiến ()