Chủ động thu hồi và xử lý nợ xấu
LSO-Để nâng cao chất lượng tín dụng, trong hai năm nay, Ngân hàng Chính sách Xã hội Lạng Sơn đã tăng cường các giải pháp: tuyên truyền, kiện toàn tổ vay vốn, đôn đốc, nhắc nhở thu hồi nợ… Trong đó, chú trọng công tác phân loại và phân tích sớm các khoản nợ, xử lý nợ một cách có hiệu quả.
Ngân hàng Chính sách Xã hội Cao Lộc thu nợ, thu lãi tại xã Hải Yến |
Trước thực trạng nợ quá hạn không ổn định, nhiều món nợ quá hạn phát sinh mới, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội Lạng Sơn đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp củng cố nâng cao chất lượng tín dụng trên địa bàn. Một trong những biện pháp được chú trọng trong hai năm qua là công tác phân loại nợ đến hạn, nợ quá hạn và phân tích nguyên nhân các khoản nợ quá hạn do: chây ỳ, gặp rủi ro hoặc gặp khó khăn, trốn chết, mất tích… Đến nay, chi nhánh đã thực hiện xong công tác rà soát phân loại nợ trong năm 2015. Theo đó, nợ đến hạn tính từ tháng 1 đến tháng 6/2015 là 13.889 món, với số tiền 245.055 triệu đồng; từ tháng 7 đến tháng 12 là 16.563 món với số tiền 321.180 triệu đồng. Các khoản nợ này được phân loại theo từng tháng, từng phòng giao dịch để tiện việc theo dõi, đôn đốc thu nợ. Đặc biệt, đối với các khoản nợ đến hạn trong tháng 4/2015 đã có phân tích, dự kiến các biện pháp xử lý nợ: trong đó dự kiến thu hồi 1.400 món, số tiền 22.656 triệu đồng; xử lý gia hạn nợ, cho vay lưu vụ 1.873 món, với 33.983 triệu đồng; dự kiến chuyển nợ quá hạn 16 món, 84 triệu đồng.
Ông Trần Việt Sơn, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh cho biết: Trên cơ sở phân loại nợ, Chi nhánh đã thành lập các đoàn công tác chỉ đạo trực tiếp tại các phòng giao dịch huyện, riêng địa bàn thành phố có nợ quá hạn lớn chi nhánh thành lập 2 tổ thu hồi nợ quá hạn. Đồng thời chỉ đạo các phòng giao dịch xây dựng kế hoạch làm việc với UBND các xã, phường, thị trấn để bàn bạc các giải pháp xử lý: đôn đốc, nhắc nhở, xử lý nợ rủi ro hay thực hiện các biện pháp theo quy định của pháp luật. Trong quá trình thực hiện công tác xử lý nợ mà gặp khó khăn, chi nhánh sẽ thực hiện công tác hỗ trợ, kiểm tra các phòng giao dịch kịp thời. Qua chỉ đạo, kiểm tra, hiện nay, các phòng giao dịch huyện đều bám nắm tình hình sử dụng vốn, đôn đốc, nhắc nhở kịp thời các khoản nợ sắp đến hạn, tiến hành thu nợ đến hạn. Đối với nợ quá hạn, các phòng giao dịch có xem xét, kiểm tra đúng tình hình thực tế tại từng hộ vay. Sau đó có kế hoạch phân công nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ phụ trách địa bàn xã, thị trấn chủ động phối hợp với các tổ chức nhận uỷ thác vốn cấp xã, các tổ tiết kiệm và vay vốn để triển khai, thực hiện biện pháp xử lý nợ quá hạn phù hợp, hiệu quả.
Từ năm 2014 đến nay, chi nhánh đã thực hiện nghiêm túc các biện pháp xử lý nợ theo quy định pháp luật, chuyển 29 trường hợp nợ quá hạn do cố tình, chây ỳ sang cơ quan công an, toà án và thi hành án để xử lý thu hồi nợ. Riêng đối với nợ đọng chương trình xuất khẩu lao động kéo dài, chi nhánh mời các công ty xuất khẩu lao động đến làm việc và đã thu được 158 triệu đồng để trả nợ cho các hộ vay không đi xuất cảnh… Các khoản nợ quá hạn do nguyên nhân rủi ro được lập hồ sơ đề nghị trung ương xem xét xử lý. Đợt I/2015, chi nhánh vừa đề nghị trung ương xem xét đối với 21 món vay, số tiền 296,4 triệu đồng.
Từ chú trọng chỉ đạo thực hiện việc phân loại nợ, phân tích nguyên nhân nợ quá hạn, Ngân hàng Chính sách đã sớm chủ động các biện pháp trong công tác thu hồi nợ. Nhờ đó, trong hai năm nay, công tác xử lý nợ đạt kết quả cao hơn, tính từ năm 2014 đến nay, toàn chi nhánh giảm được số nợ quá hạn trên 3.750 triệu đồng, tương ứng 0,24% so với năm 2013. Hiện nay, các phòng giao dịch đang tập trung đôn đốc, nhắc nhở thu hồi nợ và xử lý nợ quá hạn theo các nguyên nhân đã phân tích. Trong đó, những hộ nợ chây ỳ, khó đòi sẽ tiếp tục xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
LÂM NHƯ
Ý kiến ()