Chủ động tháo gỡ khó khăn sau sáp nhập
Giờ thực hành của học viên lớp học nghề ngắn hạn về chăn nuôi tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Lộc Bình |
Thực hiện Thông tư liên tịch số 39 ngày 19/10/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Bộ Nội vụ về hướng dẫn việc sáp nhập trung tâm dạy nghề, trung tâm GDTX cấp huyện thành trung tâm giáo dục nghề nghiệp (GDNN) – GDTX, từ tháng 8/2016, tỉnh Lạng Sơn đã hoàn thành sáp nhập hai loại hình trung tâm. Theo đó, ngoại trừ 2 trung tâm GDTX tỉnh, thì 9 trung tâm GDTX còn lại đều được chuyển từ Sở GD&ĐT về trực thuộc UBND cấp huyện, sáp nhập với trung tâm dạy nghề huyện, có tên mới là trung tâm GDNN-GDTX.
Sau khi sáp nhập, các đơn vị này chịu sự quản lý trực tiếp của UBND huyện, nhưng về chuyên môn lại theo ngành dọc là Sở GD&ĐT và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội. Vì vậy, hoạt động của các trung tâm này cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Bởi lẽ, hai lĩnh vực này có những yêu cầu về chuyên môn và đặc thù về chức năng, nhiệm vụ khác nhau, hoạt động theo quy chế riêng, dẫn đến không đồng nhất trong quản lý hoạt động chung. Bên cạnh đó, cơ cấu giáo viên dạy văn hóa và dạy nghề tại các trung tâm có sự mất cân đối; chế độ chính sách đối với cán bộ quản lý và giáo viên giữa GDNN và GDTX còn khác biệt. Một số trung tâm GDNN-GDTX mặc dù đã sáp nhập nhưng hai cơ sở còn riêng biệt, có nơi còn cách xa nhau dẫn đến khó khăn trong quản lý, không phát huy hết công năng của cơ sở vật chất sau khi sáp nhập.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Đỗ Quang Thái, Giám đốc Trung tâm GDNN – GDTX huyện Lộc Bình cho hay: Với số lượng cán bộ, nhân viên sau sáp nhập là 34 người, để trung tâm từng bước đi vào hoạt động ổn định, nhà trường đã có những điều chỉnh cụ thể như: xây dựng quy chế hoạt động của cơ quan, đơn vị dựa trên quy chế của 2 cơ quan trước đây, thông qua quy chế hoạt động chung của huyện. Bên cạnh đó, để duy trì hoạt động, trung tâm đã kế thừa và tiếp tục khai thác có hiệu quả cơ sở vật chất và các trang thiết bị đã được cấp. Với chức năng dạy nghề và hướng nghiệp, trung tâm đã tổ chức thêm các điểm đào tạo theo cụm xã, phối hợp mở các lớp dạy nghề ngắn hạn, tập trung vào lực lượng lao động khu vực nông thôn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh và người dân tham gia học tập. Song song với hoạt động dạy nghề và dạy văn hóa, đơn vị đã tăng cường liên kết với các trường trong, ngoài tỉnh có uy tín đào tạo trung cấp, sơ cấp; thi chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nhằm phát triển nguồn nhân lực và gắn giải quyết việc làm sau đào tạo…
Không chỉ riêng ở Lộc Bình, mà ở những huyện khác, các trung tâm sau sáp nhập đều có nhiều cố gắng, nỗ lực, chủ động tháo gỡ khó khăn và đi vào hoạt động ổn định. Khi sáp nhập 2 loại hình trung tâm này, các đơn vị đều tận dụng được cơ sở vật chất đã xây dựng, trang thiết bị đã trang bị, giảm chi phí đầu tư, tận dụng được nguồn nhân lực, tăng hiệu quả tổ chức thực hiện nhiệm vụ, đồng thời đa dạng được chức năng đào tạo đáp ứng nhu cầu học tập của người học. Thông qua đó, trong học kỳ I, năm học 2016 – 2017 vừa qua, các trung tâm đã thực hiện duy trì dạy văn hóa với 67 lớp, hơn 1.500 học sinh theo học; tham gia tổ chức được 30 lớp dạy nghề cho 1.300 học viên là học sinh THPT; tổ chức được gần 200 lớp liên kết đào tạo đại học, cao đẳng và trung cấp nghề, cấp chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, tiếng dân tộc với hơn 8.000 học viên tham gia học… Đó là tiền đề để từng bước vượt qua khó khăn ban đầu, tiến tới ổn định hoạt động của loại hình trung tâm này.
Ý kiến ()