Ngành GTVT tập trung ưu tiên vốn cho những công trình giao thông có khả năng hoàn thành trong năm nay. Giao thông vận tải (GTVT) là ngành chịu tác động lớn nhất của việc thắt chặt chính sách tài khóa, cắt giảm đầu tư công. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ, Bộ đang chỉ đạo các đơn vị rà soát, cập nhật và điều chỉnh kịp thời chiến lược, quy hoạch phù hợp thực tiễn, bảo đảm sự chủ động, ổn định, không có biến động lớn.Rà soát, cắt giảm đầu tưNgay từ đầu tháng 3, Bộ GTVT đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 11, chỉ đạo các đơn vị thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên 10% trong các tháng còn lại; tạm dừng mua sắm xe ô-tô, thiết bị văn phòng, tài sản có giá trị lớn, phấn đấu tiết kiệm điện 10%, tiết kiệm xăng, dầu, điện thoại,... Bộ xác định tiết kiệm 10% chi thường xuyên năm nay đối với nguồn kinh phí chi sự nghiệp gần 4,2 tỷ đồng. Đối với các dự án đầu tư của ngành, Bộ chỉ đạo trong thời gian...
Ngành GTVT tập trung ưu tiên vốn cho những công trình giao thông có khả năng hoàn thành trong năm nay.
Giao thông vận tải (GTVT) là ngành chịu tác động lớn nhất của việc thắt chặt chính sách tài khóa, cắt giảm đầu tư công. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ, Bộ đang chỉ đạo các đơn vị rà soát, cập nhật và điều chỉnh kịp thời chiến lược, quy hoạch phù hợp thực tiễn, bảo đảm sự chủ động, ổn định, không có biến động lớn.
Rà soát, cắt giảm đầu tư
Ngay từ đầu tháng 3, Bộ GTVT đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 11, chỉ đạo các đơn vị thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên 10% trong các tháng còn lại; tạm dừng mua sắm xe ô-tô, thiết bị văn phòng, tài sản có giá trị lớn, phấn đấu tiết kiệm điện 10%, tiết kiệm xăng, dầu, điện thoại,… Bộ xác định tiết kiệm 10% chi thường xuyên năm nay đối với nguồn kinh phí chi sự nghiệp gần 4,2 tỷ đồng. Đối với các dự án đầu tư của ngành, Bộ chỉ đạo trong thời gian tới, chưa khởi công các công trình, dự án mới sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, trừ các dự án phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai cấp bách, các công trình, dự án trọng điểm quốc gia và các dự án đầu tư từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Các cơ quan, đơn vị tự rà soát, lập danh mục các dự án tạm dừng, giãn tiến độ, tập trung ưu tiên vốn cho các dự án hoàn thành trong năm nay, các dự án có tính cấp bách, vốn đối ứng cho các dự án ODA. Trong tổng số 253 dự án do Bộ quản lý, có 118 dự án, tiểu dự án đã cơ bản hoàn thành, 60 dự án, tiểu dự án tiếp tục triển khai; 75 dự án, tiểu dự án phải đình hoãn.
Thứ trưởng GTVT Trương Tấn Viên cho biết: Sau khi rà soát, Bộ GTVT đã tạm dừng, đình hoãn, giãn tiến độ 68 dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ với số vốn 1.219 tỷ đồng để điều chuyển cho các dự án ưu tiên. Đối với các dự án sử dụng nguồn ngân sách nhà nước, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu năm là 5.983 tỷ đồng, sáu tháng thực hiện gần 6.100 tỷ đồng, giải ngân 6.248 tỷ đồng, tăng hơn 34% so cùng kỳ. Các dự án ODA thuộc lĩnh vực ưu tiên chỉ điều chỉnh đáp ứng tiến độ theo hiệp định; các dự án trong nước thuộc khối giáo dục – đào tạo, y tế,… có 18 dự án thuộc diện đình hoãn, đã được điều hòa theo đúng tinh thần Nghị quyết 11. Đồng thời, Bộ cũng chỉ đạo các ban quản lý dự án, chủ đầu tư kiểm soát chặt chẽ việc lựa chọn vật tư, thiết bị nhập khẩu ngay từ khâu chuẩn bị đầu tư, xây dựng dự án, tích cực nghiên cứu sử dụng, thay thế bằng hàng hóa, vật tư, thiết bị sản xuất trong nước, góp phần vào mục tiêu giảm nhập siêu. Kết quả là khối lượng thực hiện và giá trị giải ngân các dự án công trình giao thông tiếp tục ổn định, nhiều công trình trọng điểm đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, nâng cao hiệu quả đầu tư. Giải ngân năm tháng đầu năm của các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước đạt bình quân hơn 90% kế hoạch, vốn trái phiếu Chính phủ hơn 80% kế hoạch.
Giải pháp nhằm hạn chế những tác động
Trong công tác xây dựng cơ bản những tháng vừa qua, do khó khăn về nguồn vốn, kế hoạch năm nay của Bộ GTVT được giao thấp hơn so năm trước và thiếu nhiều so với nhu cầu đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là vốn cho các dự án sử dụng trái phiếu Chính phủ. Vì vậy, nhiều dự án quan trọng, cấp bách, kể cả các dự án có khả năng hoàn thành năm nay cũng không đủ vốn để thi công. Việc phải giãn tiến độ, tạm dừng thi công một số dự án, tiểu dự án đã làm kéo dài thời gian hoàn thành dự án và phát sinh khối lượng, dẫn đến hiệu quả đầu tư giảm. Ngoài ra, các thủ tục xử lý theo quy định về đình, hoãn các công trình chưa có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, cho nên việc xử lý hậu quả sau này sẽ phát sinh vướng mắc và phức tạp.
Lường trước những tác động tiêu cực có thể xảy ra, Bộ GTVT đã nhắc nhở các cơ quan quản lý nhà nước tuyệt đối ngăn chặn hiện tượng dự thầu giá quá thấp để trúng thầu bằng mọi giá, ảnh hưởng đến chất lượng công trình và tiến độ của dự án. Bộ đã yêu cầu các chủ đầu tư rà soát lại hợp đồng với các nhà thầu (kể cả hợp đồng tư vấn giám sát, bảo hiểm công trình), chỉ đạo thi công gọn, dứt điểm những công việc dở dang, kiểm đếm xác định khối lượng đã thực hiện, vật tư, kết cấu bán thành phẩm sử dụng trên hiện trường… Đồng thời, tiến hành xem xét ký kết phụ lục hợp đồng bổ sung về các nội dung liên quan đến việc tạm dừng và giãn tiến độ do chưa bố trí được vốn. Đối với những dự án thi công trên đường đang khai thác, phối hợp các đơn vị quản lý khai thác đường (đơn vị nhận bàn giao khi đưa công trình vào sử dụng) và chỉ đạo các nhà thầu thi công xem xét đề xuất phương án tổ chức tốt công tác bảo đảm giao thông trên tuyến và kiến nghị nguồn vốn thực hiện, thống nhất phương án bảo đảm giao thông với cơ quan chủ quản dự án. Lãnh đạo Bộ đã làm việc với các tập đoàn, Tổng công ty 90, 91, doanh nghiệp nhà nước, yêu cầu rà soát lại kế hoạch sản xuất, kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, bảo đảm giá thành sản phẩm, dịch vụ ở mức hợp lý.
Trong bối cảnh nguồn vốn khó khăn, để thực hiện các dự án hiệu quả, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, Bộ GTVT chỉ đạo tập trung đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để có mặt bằng sạch bàn giao cho chủ dự án. Theo quyết định mới của Thủ tướng, việc giải phóng mặt bằng giao cho các địa phương sau khi đã có quyết định đầu tư và địa phương thành lập các ban quản lý dự án về giải phóng mặt bằng một cách chính quy, chuyên nghiệp, Bộ GTVT với tư cách chủ đầu tư sẽ hỗ trợ một số phần việc. Đây là giải pháp quan trọng nâng cao trách nhiệm của địa phương, qua đó hỗ trợ, tạo điều kiện để các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công. Ngoài ra, Bộ cũng kiện toàn các ban quản lý dự án theo hướng ngày càng chuyên nghiệp, tập trung vào các đầu mối chính, quản lý dự án. Ở đây có sự phân cấp giữa chủ đầu tư và ban quản lý, quyền quyết định xử lý của ban quản lý cao hơn, trên cơ sở không làm thay đổi tổng mức đầu tư, tính chất dự án.
Cơ quan quản lý dự án có quyền xử lý vấn đề kỹ thuật, tài chính và giải quyết cho nhà thầu một cách nhanh nhất.
Các nhà thầu hiện đang gặp khó khăn rất lớn về vốn, nguồn vốn tự có của doanh nghiệp còn hạn chế, trong khi tiếp cận vốn vay ngân hàng, lãi suất vừa cao vừa không dễ dàng. Vì vậy, sau khi có quyết định đầu tư đấu thầu, triển khai dự án, Bộ sẽ hỗ trợ tối đa trong việc ứng vốn cho doanh nghiệp, trên cơ sở đó tiến hành hậu kiểm sau khi thực hiện giải ngân, cơ chế này giúp doanh nghiệp chủ động chuẩn bị nguyên vật liệu đầu tư.
Theo Nhandan
Ý kiến ()