Chủ động sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp
Học sinh Trường Tiểu học xã Hữu Lân trong một tiết học ở lớp tạm |
Bà Hoàng Thị Thúy, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Lộc Bình cho biết: Thực hiện chủ trương của tỉnh về việc đưa học sinh từ các điểm trường về học tại trường chính, đơn vị đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp: sắp xếp lại học sinh cùng khối, lớp giữa các điểm trường lẻ về học tại trường chính và tổ chức bán trú… Tổ chức sáp nhập các trường tiểu học và THCS thành 1 trường trên địa bàn xã, thị trấn; sáp nhập các trường THCS, tiểu học liên xã đối với các xã có số học sinh ít mà điều kiện giao thông đi lại thuận lợi, có khoảng cách địa lý gần nhau để giảm đầu mối; thành lập các trường bán trú để thu hút học sinh về học tại trường chính nhằm giảm các điểm trường lẻ. Đồng thời, tinh giản bộ máy, phát huy hiệu quả thời gian lao động của cán bộ, giáo viên, nhân viên.
Theo đó, trong năm học 2016 – 2017, đối với cấp mầm non, huyện thực hiện ghép 7 điểm trường lẻ vào trường chính, giảm từ 87 điểm trường lẻ xuống còn 80 điểm trường lẻ. Đối với cấp tiểu học, ghép 7 điểm trường lẻ vào điểm chính, giảm từ 73 điểm trường lẻ xuống còn 66 điểm trường lẻ.
Hầu hết các trường sau khi sáp nhập đều tập trung được công tác quản lý, tạo điều kiện thuận lợi trong việc bố trí, sắp xếp, phân công đội ngũ nhân lực. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; giáo viên dạy chéo môn được khắc phục tối đa; chất lượng sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn được nâng lên. Học sinh và giáo viên có môi trường thuận lợi hơn để thi đua dạy tốt, học tốt. Ông Phạm Văn Phương, Hiệu trưởng Trường THCS xã Xuân Dương cho biết: Để xóa các điểm trường tạm và giúp học sinh có điều kiện học tập tốt hơn, từ năm 2015, nhà trường đã huy động các nguồn lực, kêu gọi xã hội hóa xây nhà bán trú cho học sinh với đầy đủ các phòng ở, nhà bếp, sân chơi. Qua đó giúp cho học sinh tiếp cận với các điều kiện học tập tốt hơn. Đồng thời, các thầy cô cũng đỡ vất vả hơn khi không phải đi đến từng điểm trường để dạy học.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2017 – 2020, huyện Lộc Bình sẽ sáp nhập 24 trường thành 12 cặp trường; giảm đầu mối trường từ 93 trường xuống còn 81 trường. Trong đó, năm học 2017 – 2018 sẽ sáp nhập 2 cặp trường, cụ thể: sáp nhập Trường Tiểu học xã Xuân Lễ và Trường Tiểu học xã Bằng Khánh thành Trường Tiểu học liên xã Xuân Lễ – Bằng Khánh; sáp nhập Trường Tiểu học xã Hữu Khánh, THCS xã Hữu Khánh thành trường Tiểu học và THCS xã Hữu Khánh.
Thực tế cho thấy, việc sáp nhập các trường là chủ trương đúng, qua đó góp phần nâng cao công tác giáo dục trên địa bàn. Tuy vậy, cũng không ít trường việc sáp nhập còn nhiều khó khăn, do sự xa cách về địa lý, nhiều điểm trường ở quá xa so với trường chính. Đặc biệt, việc đi lại của học sinh, nhất là đối với học sinh khu vực vùng xa rất khó khăn. Bởi vậy, thời gian tới, ngành GD&ĐT huyện sẽ tiếp tục rà soát và có những điều chỉnh phù hợp với điều kiện của từng vùng để tổ chức sáp nhập, đáp ứng yêu cầu của người dạy và người học, góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục trên địa bàn.
Ý kiến ()