Nâng cao chất lượng xây dựng chương trình, đề án
Tại hội thảo về dự thảo đề án tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính trị cơ sở do Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lào Cai tổ chức mới đây, các đại biểu đã tham gia thảo luận sôi nổi. Nhiều vấn đề như thực trạng trình độ năng lực của đội ngũ đảng viên, hay giải pháp nâng cao trình độ lý luận cho chi ủy chi bộ được đặt ra. Đây là cuộc hội thảo lấy ý kiến các ban, ngành và cán bộ liên quan lần thứ ba trước khi hoàn thiện đề án, nhằm nâng cao chất lượng các chương trình đề án. Vì vậy, các bước chuẩn bị đề án được thực hiện kỹ lưỡng.
Tại Phòng Kinh tế huyện Bảo Thắng, nhiều ngày nay, các cán bộ, nhân viên không có ngày nghỉ vì tập trung cao độ cho công việc. Đồng chí Nguyễn Trọng Hiếu, Trưởng phòng kinh tế chia sẻ: Phòng được phân công xây dựng đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp huyện theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện. Công việc rất căng, ngày xuống cơ sở, tối viết báo cáo, dù mệt nhưng ai cũng quyết tâm vì Chi bộ phòng xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm. Đến nay, phòng đã hoàn thành xuất sắc năm đề án nhánh trong Đề án tái cơ cấu nông nghiệp phục vụ triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện.
Đảng bộ huyện Bát Xát (Lào Cai) cũng vừa hoàn thành xây dựng năm chương trình, 12 đề án trọng tâm giai đoạn 2016 – 2020, tập trung vào các nhiệm vụ: đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp; phát triển văn hóa, xã hội và giảm nghèo bền vững; tăng cường công tác quốc phòng, an ninh trong tình hình mới; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh… Kinh nghiệm của Bát Xát là tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy trong thực hiện nhiệm vụ. Huyện ủy đã phân công nhiệm vụ cho từng đồng chí trong Ban Thường vụ, mỗi đồng chí phụ trách và tổ chức xây dựng từ một đến hai đề án, có giao tiến độ và kiểm tra chất lượng. Do đó, đến nay các đề án đã cơ bản hoàn thành, được Tỉnh ủy Lào Cai đánh giá cao.
Tỉnh ủy Yên Bái triển khai 11 dự án quy hoạch, phát triển cây trồng, vật nuôi; trong đó nổi bật là các dự án: phát triển lúa gạo hàng hóa chất lượng cao, đặc sản (như gạo nếp Tú Lệ, gạo Mường Lò…); phát triển cây ngô vùng cao (canh tác bền vững trên đất dốc, tăng khoảng 2.000 ha), vùng thấp, ngô đông trên đất hai vụ lúa; phát triển rau, hoa màu ở thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ, các huyện Văn Chấn, Mù Cang Chải; phát triển cây sơn tra, vối thuốc tại các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải… Các dự án này nhằm phát huy tối đa lợi thế cây trồng, vật nuôi vốn là thế mạnh của địa phương, có sức cạnh tranh cao. Phó Bí thư Huyện ủy Văn Chấn Cao Văn Hải cho rằng, thời gian vừa qua, tình trạng đưa cây, con mới vào sản xuất ồ ạt trong nhân dân đã tạo ra những bất ổn khi hàng hóa thừa và rớt giá. Vì vậy, khi xây dựng đề án, các cấp ủy đã rút kinh nghiệm và điều chỉnh theo hướng có chọn lọc. Áp dụng mạnh mẽ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất cũng là giải pháp tiếp tục được đẩy mạnh trong nhiều chương trình, đề án chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Yên Bái. Anh Nguyễn Văn Thể, ở xã Tân Thịnh, huyện Văn Chấn nhiều năm chăn nuôi nhỏ lẻ, năng suất thấp. Sau khi tham gia các khóa tập huấn kỹ thuật, anh mạnh dạn vay vốn ngân hàng và mở rộng quy mô sản xuất. Từ đàn bốn con lợn, đến nay anh đã phát triển hai mươi con và mở thêm trang trại nuôi 20 con lợn thịt. Cũng qua các lớp tập huấn, năm nay gia đình anh Phùng Thanh Hiếu, ở xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình đã cho xuất chuồng hai lứa lợn thịt, mỗi lứa 60 con. Theo anh, chăn nuôi theo phương pháp mới cho năng suất cao và bảo đảm an toàn dịch bệnh. Đây là những giải pháp mới, phù hợp nhằm cạnh tranh với hàng hóa nông sản của các nước khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào kinh tế thế giới.
Đổi mới phương thức lãnh đạo
Qua trao đổi ý kiến với các đồng chí lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, chúng tôi được biết, trên cơ sở nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh và nghị quyết đại hội cấp mình, các cấp ủy đã xây dựng kế hoạch, chương trình phù hợp tình hình thực tế của địa phương đơn vị, để triển khai thực hiện nghị quyết có hiệu quả. Một nội dung được coi trọng là việc bổ sung, hoàn thiện quy chế làm việc của cấp ủy, phân công nhiệm vụ cụ thể từng cấp ủy viên.
Tổng kết từ thực tiễn cho thấy, sự vững mạnh của tổ chức đảng, năng lực cụ thể hóa, tổ chức thực hiện của cấp ủy là những nhân tố tiên quyết bảo đảm triển khai thực hiện thắng lợi nghị quyết. Trong đó có vai trò quan trọng của cấp ủy và người đứng đầu.
Tỉnh Hải Dương từng có nhiều yếu kém, hạn chế trong công tác xây dựng Đảng. Cụ thể, cấp ủy mà trực tiếp là Tỉnh ủy có khuyết điểm trong thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, trong công tác chuẩn bị nhân sự đại hội đảng bộ các cấp vừa diễn ra (có sáu trong số 12 đảng bộ huyện đã đại hội bầu khuyết bí thư, phó bí thư cấp ủy). Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020, đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Bí thư Tỉnh ủy cho biết, Tỉnh ủy đang tập trung xây dựng chương trình làm việc toàn khóa, bổ sung quy chế làm việc của Ban Chấp hành, các nội dung hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đồng thời, Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; khắc phục những “nút thắt” trong công tác lãnh đạo trên một số nhiệm vụ trọng tâm về phát triển đô thị, quy hoạch sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… nhằm tạo cú hích trong thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái Ngô Ngọc Tuấn cho biết: Cấp ủy các cấp coi trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, tập trung cho chương trình hành động cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2015 – 2020, với các nội dung cụ thể là tập trung duy trì và cải thiện các chỉ số về tính minh bạch, hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, chỉ số gia nhập thị trường… Tỉnh ủy chỉ đạo xác định rõ nhiệm vụ của các sở, ban, ngành, địa phương, đặc biệt là rõ nhiệm vụ và trách nhiệm của các sở, ngành liên quan…, nhằm tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính. Quá trình này bảo đảm vai trò lãnh đạo của cấp ủy, nhưng phải phát huy được hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền (không lấn quyền, lạm quyền dẫn tới thiếu thống nhất trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị).
Trao đổi về quá trình triển khai đưa Nghị quyết Đảng bộ tỉnh vào cuộc sống ở Đảng bộ thị xã Nghĩa Lộ, đồng chí Lê Thị Hồng Nga, Phó Trưởng ban Tổ chức Thị ủy cho biết, Đảng bộ tập trung ba khâu đột phá: nâng cao chất lượng công tác cán bộ, đặc biệt là các khâu quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá và luân chuyển cán bộ; nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy và chi bộ, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tăng cường tự phê bình và phê bình, phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ lãnh đạo, quản lý; đổi mới phương thức lãnh đạo, lề lối, phong cách làm việc của các cấp ủy đảng, của cán bộ chủ chốt.
Giai đoạn 2016-2020, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tập trung cho mục tiêu đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển nông nghiệp; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao khả năng ứng phó biến đổi khí hậu; liên kết vùng trong phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nhất là nông sản. Theo đó, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã bám sát tình hình đổi mới công tác chỉ đạo; tăng cường giao lưu, tiến hành các hội nghị, hội thảo mang tính khu vực. Về vấn đề tập trung lãnh đạo cải cách hành chính, để thực hiện mục tiêu chủ động hội nhập, thu hút đầu tư, đồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Cần Thơ chia sẻ: Ngay từ đầu nhiệm kỳ, các cấp ủy trực thuộc có nhiều đổi mới, tập trung những vấn đề đang vướng mắc, mới nảy sinh từ thực tiễn, đồng thời lựa chọn những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, mang tính đột phá trong từng năm, đổi mới phương thức lãnh đạo của các tổ chức đảng phù hợp với đặc thù từng loại hình và nhiệm vụ chính trị, đề cao tính chủ động, sáng tạo và hiệu quả trong công tác. Cách làm này vừa phát huy thế mạnh địa phương, nguồn lực, trách nhiệm cộng đồng, vừa gắn trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu.
Thời gian qua Đảng ta đã nghiêm túc, thẳng thắn nhìn nhận: Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp, cùng với sự phân hóa giàu nghèo và sự yếu kém trong quản lý, điều hành của nhiều cấp, nhiều ngành. Tại một số đại hội đảng bộ tỉnh, thành phố vừa diễn ra, nhiều đại biểu đã tiếp tục phân tích, kiểm điểm tình hình nêu trên, chỉ rõ nguy cơ dẫn đến làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, tạo ra sức cản trong quá trình triển khai đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Bởi vậy, thiết nghĩ nhằm bảo đảm quá trình triển khai thực hiện thắng lợi nghị quyết của đảng ở các cấp, các ngành thì công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của cấp ủy, cần được đẩy mạnh theo hướng tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy và tổ chức đảng gắn với đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng. Công tác tư tưởng phải tiến hành đồng bộ với công tác tổ chức, công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong đảng ở mọi cấp, mọi ngành. Đặc biệt là công tác xây dựng kế hoạch kiểm tra của cả nhiệm kỳ với nội dung sát hợp, nhất là kiểm tra thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của đảng, quy chế làm việc, dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng Đảng.
Ý kiến ()