Chủ động sàng lọc, điều trị sớm, giảm gánh nặng suy thận
– Bệnh suy thận không chỉ là gánh nặng sức khỏe, tinh thần, còn khiến cho kinh tế nhiều gia đình kiệt quệ. Do đó, việc sàng lọc, phát hiện và điều trị sớm, ngăn chặn bệnh tiến triển là một việc làm có ý nghĩa quan trọng để giảm gánh nặng suy thận cho gia đình và xã hội.
Bác sĩ Phòng Quản lý điều trị ngoại trú các bệnh thận mạn tính, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tư vấn chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt phù hợp cho bệnh nhân
Theo thống kê, số người bị suy thận ở Việt Nam ước khoảng 5 triệu người. Số ca bệnh mắc mới cũng đang có chiều hướng gia tăng. Tỷ lệ người bệnh chuyển sang giai đoạn cuối chiếm đến 0,1% dân số. Tại Lạng Sơn có khoảng 8.000 người mắc các bệnh lý về bệnh thận mãn tính, trong đó có hơn 500 bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối, phải chạy thận nhân tạo chu kỳ.
Áp lực điều trị bệnh ở giai đoạn muộn
Cuối năm 2021, bà T.T.P, 74 tuổi, ở xã Bình Phúc, huyện Văn Quan phát hiện cơ thể có biểu hiện mệt mỏi, ăn kém, da nhợt nhạt kéo dài, bà đã đến Trung tâm Y tế huyện khám và được chẩn đoán suy thận độ 3. Bà không điều trị mà tự ý sử dụng thuốc nam nhưng bệnh không thuyên giảm. Tháng 11/2022, bà đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Sau khi làm các xét nghiệm và chụp X quang, bà P được chẩn đoán suy thận độ 4.
Phải chạy thận nhân tạo, bà T.T.P hối tiếc: Tôi chủ quan, lo con cái tốn kém nên không điều trị sớm theo phác đồ của bác sĩ, tự mua thuốc về điều trị. Loại này không khỏi, tôi đổi loại khác. Uống thuốc liều cao khiến cho thận bị quá tải nên tình trạng bệnh nặng hơn. Giờ dù muốn hay không cũng chỉ còn cách chạy thận nhân tạo chu kỳ.
Ngoài bà T.T.P, trong Khoa Nội thận – Tiết niệu – Lọc máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh còn có gần 20 bệnh nhân suy thận mạn tính phải chạy thận nhân tạo. Các bệnh nhân này chạy thận nhân tạo theo chu kỳ 3 lần/tuần, mỗi lần kéo dài 4 tiếng đồng hồ.
Bác sĩ chuyên khoa I Hà Long Sơn, Phó Trưởng Khoa Nội thận – Tiết niệu – Lọc máu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: Các triệu chứng của suy giảm chức năng ở thận khi mới hình thành thường không điển hình nên khó phát hiện và phát triển theo thời gian và 5 giai đoạn từ nhẹ đến suy thận hoàn toàn. Nhiều trường hợp người mắc bệnh suy thận không được phát hiện sớm và điều trị theo đúng phác đồ nên dẫn đến việc điều trị ở giai đoạn muộn, xuất hiện nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Bệnh thận mạn tính do nhiều nguyên nhân gây ra, như: cao huyết áp, đái tháo đường, sỏi thận, sỏi niệu quản… Bệnh suy thận cấp không điều trị sẽ gây suy thận mạn tính. Vì thế, việc khám, sàng lọc, điều trị sớm là biện pháp hết sức cần thiết để ngăn bệnh tiến triển.
Bệnh nhân chạy thận nhân tạo chu kỳ 3 lần/tuần tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Khám, sàng lọc sớm giúp giảm gánh nặng điều trị
Hiện nay, người mắc bệnh suy thận mạn tính ngày càng tăng và trẻ hoá. Triệu chứng giai đoạn đầu của bệnh thường không rõ ràng nên khó phát hiện, gây chậm trễ trong việc nhận biết và điều trị. Trên thực tế nhiều người mắc bệnh nhưng không phát hiện, không được theo dõi điều trị, bệnh tiến triển rất nhanh đến giai đoạn 4, 5 làm mất chức năng thận, khiến cho người bệnh phải dùng các biện pháp điều trị thay thế (lọc máu nhân tạo/chạy thận nhân tạo).
Để ngăn chặn tiến triển của bệnh suy thận mạn tính, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thành lập Phòng Quản lý điều trị ngoại trú các bệnh thận mạn tính và đưa vào hoạt động từ đầu tháng 9/2023. Sau gần nửa tháng đi vào hoạt động, Phòng Quản lý điều trị ngoại trú các bệnh thận mạn tính đã thực hiện khám, làm các xét nghiệm cần thiết (công thức máu, sinh hóa máu) kiểm tra chức năng thận cho người có nguy cơ cao, qua đó phát hiện, đưa vào quản lý hơn 20 bệnh nhân mắc các bệnh lý về thận.
Theo khuyến cáo của bác sĩ, người dân cần quản lý các bệnh tiểu đường, cao huyết áp nhằm giảm nguy cơ biến chứng suy thận. Cùng đó, mỗi người nên duy trì cân nặng hợp lý, xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, bao gồm ăn ít thức ăn có đường, muối và cholesterol, nên sử dụng thức ăn giàu chất xơ ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau quả, uống đủ nước. Hạn chế sử dụng rượu bia, không hút thuốc và giảm căng thẳng. Nên tập thể dục thường xuyên với các môn thể thao phù hợp với sức khỏe. Khi phát hiện cơ thể có những dấu hiệu của bệnh như: chân tay phù, thay đổi khi đi tiểu (tiểu nhiều về đêm, tiểu có nước bọt, tiểu ra máu…), mệt mỏi, sút cân, buồn nôn… cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám, theo dõi chức năng thận và làm chậm sự tiến triển bằng các phương pháp điều trị thích hợp. |
Ông Hoàng Công Thạc, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Tôi bị bệnh thận mạn tính từ năm 2018 đã khám và điều trị nhiều nơi. Hằng tháng, tôi đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám và lấy thuốc điều trị. Từ đầu tháng 9/2023, Phòng Quản lý điều trị ngoại trú đi vào hoạt động, tôi đến khám thấy thủ tục nhanh chóng, thuận tiện hơn.
Ngoài ra, việc thực hiện các xét nghiệm sàng lọc bệnh thận còn được áp dụng cho những bệnh nhân mắc các bệnh lý có nguy cơ cao dẫn đến suy thận như: cao huyết áp, đái tháo đường, sỏi thận…
Chị Vi Thị Nga, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc cho biết: Sau khi sinh con thứ 2, tôi bị cao huyết áp, hằng tháng phải đến Trạm Y tế xã khám, lấy thuốc điều trị. Đầu tháng 9/2023, tôi đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám và được chỉ định đến Phòng Quản lý điều trị ngoại trú các bệnh thận mạn tính để làm các xét nghiệm cần thiết để kiểm tra chức năng thận và phát hiện bị suy thận độ 2. Các bác sĩ đã kê đơn thuốc cho tôi uống trong 1 tháng và tư vấn chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý để làm chậm sự tiến triển của bệnh.
Các bệnh nhân khi phát hiện mắc bệnh lý về thận sẽ được đưa vào danh sách quản lý, theo dõi tiến triển của bệnh, cấp thuốc sử dụng trong 1 tháng và tư vấn chế độ dinh dưỡng phù hợp để làm chậm tiến trình phát triển suy thận mãn tính, hạn chế các triệu chứng lâm sàng.
Việc sàng lọc, phát hiện, triển khai quản lý và điều trị sớm cho bệnh nhân thận mạn tính giúp người bệnh giảm bớt chi phí điều trị bằng phương pháp lọc máu, lọc màng bụng hay ghép thận.
Ý kiến ()